Tin tức

Top 5 cây cầm máu nhanh được dùng nhiều trong Đông y

Ngày 15/04/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Với những vết thương nhẹ, nông nhưng có chảy máu thì bạn có thể thực hiện cầm máu bằng một số thảo dược, cây dược liệu có trong thiên nhiên. Vậy đó là những loài cây nào? Bài viết hôm nay sẽ tổng hợp 5 cây cầm máu rất được tin dùng trong Đông y.

1. 5 cây cầm máu nhanh trong y học cổ truyền

Trong Đông y hay y học cổ truyền có rất nhiều cây cầm máu khác nhau, trong đó, 5 loài cây dưới đây là được sử dụng nhiều nhất.

Cây cỏ nhọ nồi

Cỏ nhọ nồi còn được gọi là cây cỏ mực, có vị ngọt hơi chua, thường được dùng để thanh mát, giải nhiệt cho cơ thể; đồng thời, có tác dụng cầm máu và làm lành vết thương. Do đó, đây là cây cầm máu được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc Đông y và trong cuộc sống hàng ngày.

Cách cầm máu bằng cây cỏ nhọ nồi rất đơn giản, bạn chỉ cần rửa sạch cỏ nhọ nồi rồi nhai hoặc xay nhuyễn, sau đó đắp trực tiếp lên vết thương đang chảy máu. Tiếp đến, dùng ngón tay ấn thật chặt rồi dùng băng gạc để băng lại. Chỉ một lúc sau là vết thương sẽ ngưng chảy máu.

Cây nhọ nồi được nhiều người sử dụng để cầm máu nhanh

Cây nhọ nồi được nhiều người sử dụng để cầm máu nhanh

Cây ngải cứu

Nhắc đến các cây cầm máu, không thể bỏ qua cây ngải cứu - một cây thuốc mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, nổi bật trong đó là an thần, lợi mật, kháng khuẩn và cầm máu. Đặc biệt, ngải cứu có thể dùng khô hoặc ăn tươi như rau hay chế biến thành nhiều món ngon như gà hầm ngải cứu, óc heo chưng ngải cứu,…

Cách cầm máu bằng cây ngải cứu như sau: Rửa sạch một nắm lá ngải cứu rồi đem giã nát, sau đó trộn với 1/3 thìa cà phê muối. Đắp hỗn hợp này trực tiếp lên vết thương để cầm máu và giảm đau hiệu quả.

Cây tía tô

Tía tô hay tô diệp là một loại rau thơm được nhiều người ưa thích. Và đây cũng là cây dược liệu có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh cảm lạnh, sốt, ho, hen suyễn, rối loạn tiêu hóa,… Đặc biệt, lá tía tô còn có tác dụng cầm máu, giảm đau và giải độc.

Cách cầm máu bằng cây tía tô như sau: Rửa sạch một nắm lá tía tô rồi nhai hoặc giã nhuyễn, sau đó đắp trực tiếp lên vết thương đang chảy máu và dùng băng y tế băng lại. Cách này vừa giúp cầm máu, vừa mang đến cảm giác dễ chịu vì tinh dầu trong lá tía tô còn có tác dụng giảm đau nhức, lo lắng, căng thẳng.

Tía tô vừa là rau ngon, vừa là cây cầm máu quen thuộc

Tía tô vừa là rau ngon, vừa là cây cầm máu quen thuộc 

Cây sống đời

Cây sống đời hay cây thuốc bỏng được nhiều gia đình trồng để làm cảnh. Trong Đông y, loài cây này còn có tác dụng chữa bệnh với vị nhạt, hơi chua. Đặc biệt, lá cây sống đời có đặc tính kháng viêm, giảm đau và cầm máu, thường được sử dụng để điều trị vết thương hở chảy máu hay những vết thương bên trong cơ thể (trĩ, viêm loét dạ dày,…).

Để cầm máu bằng cây sống đời này thì bạn chỉ rửa sạch lá, đập dập rồi đắp lên vết thương. Không chỉ cầm máu, mà còn giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm và giúp vết thương mau lành. Đối với những vết bỏng nhẹ, bạn cũng có thể áp dụng cách này để giảm đau và giúp vết bỏng mau lên da non.

Cây húng láng

Húng láng có mùi thơm cực kỳ dễ chịu và là loại rau quen thuộc trong các bữa ăn của gia đình Việt. Tinh dầu trong cây mang đến nhiều công dụng, điển hình trong đó là kháng khuẩn, giảm sưng tiêu, giảm ngứa và cầm máu cho vết thương, vết côn trùng cắn, đặc biệt là vết rắn cắn. 

Để cầm máu bằng cây húng láng, bạn sẽ sử dụng cả cây, rửa sạch, giã nát và đắp lên vết thương. Cách này cũng được áp dụng để sơ cứu vết rắn cắn trước khi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Lá cây húng láng vừa thơm, vừa có tác dụng cầm máu

Lá cây húng láng vừa thơm, vừa có tác dụng cầm máu

Nói chung, có rất nhiều cây cầm máu khác nhau, ngoài những loài cây trên thì còn có cây cò ke, cây huyết dụ, cây tầm xuân, lá trầu không, ngó sen,… Cách sử dụng và công dụng về cơ bản là giống nhau, nếu có sẵn loài cây nào thì bạn sử dụng cây đó để thực hiện cầm máu nhanh nhất cho nạn nhân. 

2. Lưu ý khi thực hiện cầm máu nhanh

Cầm máu nhanh là rất quan trọng và cần thiết để giúp nạn nhân tránh được những rủi ro về sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Đối với những vết thương nhỏ, nhẹ, nông và chảy máu không quá nhiều thì bạn có thể dùng các loại cây cầm máu nói trên để sơ cứu. Tuy nhiên, nếu vết thương lớn, nặng, sâu và chảy máu nhiều hơn thì bạn cần lưu ý những vấn đề sau khi thực hiện cầm máu nhanh.

  • Giữ chặt vết thương bằng cách dùng tay hoặc dùng băng gạc, miếng vải sạch ấn mạnh vào để ngăn chảy máu.
  • Nâng cao vùng bị thương để lưu lượng máu đến đây được giảm, nhờ đó, giảm thiểu tình trạng chảy máu. Ví dụ, nếu chảy máu ở tay thì hãy nâng tay cao hơn đầu, còn chảy máu ở chân thì nâng chân cao hơn tim. 
  • Thực hiện cầm máu bằng cách chườm đá lạnh hoặc các loài cây cầm máu nói trên. Trước khi thực hiện, hãy cố gắng vệ sinh vết thương càng sạch càng tốt để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Cầm máu nhanh đúng cách để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho nạn nhân

Cầm máu nhanh đúng cách để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho nạn nhân 

Đặc biệt, trong các trường hợp sau, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến gặp bác sĩ:

  • Vết thương không ngừng chảy máu mặc dù đã thực hiện cầm máu nhanh.
  • Vết thương quá dài và quá sâu, cần phải được phẫu thuật hoặc khâu lại. 
  • Vết thương có dị vật không thể gắp ra và có nguy cơ bị nhiễm trùng. 
  • Nạn nhân bị đau nhiều kèm biểu hiện choáng váng, ngất xỉu, không còn tỉnh táo.
  • Nghi ngờ bị gãy xương hoặc bị mất một bộ phận nào đó trên cơ thể.

Trên đây là tổng hợp 5 cây cầm máu nhanh được dùng nhiều trong Đông y cùng những lưu ý quan trọng khi thực hiện cầm máu nhanh. Hy vọng bạn đọc sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để áp dụng trong đời sống hàng ngày.

Nếu quý khách đang có nhu cầu khám chữa bệnh tại Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể đặt lịch qua Tổng đài 1900 56 56 56 để chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian sử dụng dịch vụ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.