Từ điển bệnh lý

Xoắn buồng trứng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Xoắn buồng trứng

Xoắn buồng trứng là một trong những cấp cứu phụ khoa phổ biến, tỷ lệ gặp cao ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng bị xoắn lại quanh các dây chằng giữ nó. Tình trạng này làm cho buồng trứng mất đi nguồn máu nuôi dưỡng. Trường hợp không được điều trị kịp thời, buồng trứng có thể bị hoại tử và bắt buộc phải cắt bỏ.

Xoắn buồng trứng là một trong những cấp cứu phụ khoa phổ biến

Xoắn buồng trứng là một trong những cấp cứu phụ khoa phổ biến

Tất cả phụ nữ đều có thể bị xoắn buồng trứng tuy nhiên hay gặp nhất ở nhóm phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ và đặc biệt ở những bệnh nhân đã siêu âm hoặc đã được chẩn đoán có u buồng trứng. Ngoài ra những nhóm tuổi khác như mãn kinh, thậm chí cả trẻ em và trẻ sơ sinh đều có thể mắc bệnh xoắn buồng trứng. Thường các nang to khoảng từ 5 cm dễ bị xoắn hơn và người ta thấy tỷ lệ xoắn cao ở những buồng trứng có u nang bì. Phần nhiều xoắn hay gặp ở phần ống dẫn trứng (vòi tử cung).


Nguyên nhân Xoắn buồng trứng

Những nguyên nhân làm thay đổi cấu trúc, vị trí giải phẫu, thể tích khối lượng của buồng trứng đều có thể gây xoắn buồng trứng.

- Những trường hợp có vòi trứng bị bất thường, dị dạng bẩm sinh, những trường hợp vòi tử cung dài có thể là nguyên nhân gây xoắn buồng trứng và thường gặp ở ngay nhóm tuổi trẻ, dậy thì.

- Những phụ nữ có tiền sử u buồng trứng có thể xuất hiện xoắn u buồng trứng và chiếm 50% số ca mắc xoắn u buồng trứng. Những u kích thước khoảng trên 5 cm dễ xoắn hơn, cũng không loại trừ u lành hay ác. Tuy nhiên thường u ác ít xoắn hơn do sự tân sinh dẫn đến buồng trứng ít di động hay, khó xoắn hơn.

- Phụ nữ có tiền sử phẫu thuật tại vùng chậu. Những dải dính dây chằng sau phẫu thuật tạo điều kiện cho buồng trứng dễ xoắn.

- Ở phụ nữ mang thai cũng dễ bị xoắn buồng trứng, lí do là buồng trứng khi mang thai kích thước lớn hơn và các mô nâng đỡ xung quanh của buồng trứng lỏng lẻo hơn.


Triệu chứng Xoắn buồng trứng

Xoắn buồng trứng là một cấp cứu sản khoa, người phụ nữ cần biết rõ các triệu chứng của bệnh để phát hiện và đi khám bệnh kịp thời. Tùy theo tình trạng xoắn/ bán xoắn, mức độ xoắn mà triệu chứng của bệnh thay đổi.

- Khởi phát là cơn đau bụng có thể từ đau âm ỉ liên tục hoặc đau từng cơn, cảm giác tức nặng thúc cài xuống bụng dưới. Vị trí đau thường vùng hố chậu hai bên. Cơn đau tăng dần và có thể đau khắp bụng dưới. Nếu trường hợp buồng trứng tự tháo xoắn được thì cơn đau có thể dịu đi. Trường hợp bán xoắn, bệnh nhân có thể thấy đau theo cơn và nếu tình trạng xoắn nặng hơn thì mức độ đau càng tăng và cơn đau sẽ càng dữ dội, tiến triển nhanh trong vài giờ, bệnh nhân có thể uống thuốc giảm đau cũng không đỡ.

- Triệu chứng nôn và buồn nôn có thể gặp ở 50-70% bệnh nhân bị xoắn buồng trứng, điều này dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày, viêm dạ dày, bệnh lý đại tràng.

- Một số triệu chứng như rối loạn tiểu tiện: tiếu khó, tiểu nhiều lần, phù chi dưới, táo bón là do khối u to chèn ép các tạng xung quanh như chèn ép bang quang, niệu quản, tĩnh mạch chi dưới, trực tràng.

- Trường hợp muộn xoắn có thể dẫn đến tình trạng hoại tử buồng trứng gây nhiễm khuẩn, viêm phúc mạc, người bệnh có thể có triệu chứng sốt.


Các biến chứng Xoắn buồng trứng

Những trường hợp xoắn buồng trứng không có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân đến viện muộn, điều trị không kịp thời có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm:

- Biến chứng buồng trứng không thể tự tháo xoắn được, mất đi nguồn máu nuôi dưỡng, buồng trứng bị hoại tử. Trường hợp hoại tử rõ hoặc tháo xoắn buồng trứng không thể hồng trở lại thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng tránh nguy cơ nhiễm trùng có thể gây áp xe hoặc viêm phúc mạc. Nếu giải phóng được buồng trứng, sau phẫu thuật bệnh nhân cũng cần theo dõi định kỳ để đánh giá hoạt động và chức năng của buồng trứng.

Trường hợp hoại tử rõ hoặc tháo xoắn buồng trứng không thể hồng trở lại thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng

Trường hợp hoại tử rõ hoặc tháo xoắn buồng trứng không thể hồng trở lại thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng

- Trường hợp quá muộn buồng trứng có thể hoại tử nhiễm khuẩn gây viêm phúc mạc, quá trình phẫu thuật và phục hồi của bệnh nhân sẽ cần nhiều thời gian hơn.


Đối tượng nguy cơ Xoắn buồng trứng

- Nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản: buồng trứng ở nhóm tuổi này thường có độ di động cao, kích thước lớn nên dễ xoắn lại. Theo độ tuổi, buồng trứng bị teo nhỏ, tình trạng xoắn sẽ ít hơn. Tuy nhiên, theo thống kê, tuổi mãn kinh cũng có bệnh nhân bị xoắn buồng trứng.

- Buồng trứng kích thước lớn thường trên 4 cm và đặc biệt có u.

- Tiền sử có u buồng trứng: Do khi có u, buồng trứng kích thước thay đổi, cấu trúc có thể thay đổi nên càng dễ xoắn vặn. Có thể gặp các loại u, u lớn, u lành tính. Các u có thể gây xoắn gồm: u nang bì, nang xuất huyết, nang thanh dịch.

Người tiền sử có u buồng trứng dễ bị xoắn buồng trứng

Người tiền sử có u buồng trứng dễ bị xoắn buồng trứng

- Hỗ trợ sinh sản như kích trứng: Khi sử dụng thuốc kích trứng sẽ làm cho nhiều nang trứng phát triển, kích thước và trọng lượng buồng trứng tăng hơn nên khả năng xoắn là cao. Những hoạt động mạnh: chạy nhảy, uốn dẻo, nhào lộn có thể gây xoắn buồng trứng.

- Những hành bi, hoạt động gây tăng áp lực ổ bụng đột ngột như thể dục hoạt động mạnh, ho, nôn cũng được xem là yếu tố nguy cơ khởi phát tình trạng xoắn buồng trứng.


Phòng ngừa Xoắn buồng trứng

Tất cả phụ nữ từ tuổi trẻ tới mãn kinh, đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần đi khám phụ khoa định kỳ thường 1-2 lần/ năm, việc siêu âm phần phụ đánh giá tử cung và hai buồng trứng là không thể thiếu.

Tất cả phụ nữ từ tuổi trẻ tới mãn kinh, đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần đi khám phụ khoa định kỳ thường 1-2 lần/ năm để phòng bệnh

Tất cả phụ nữ từ tuổi trẻ tới mãn kinh, đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần đi khám phụ khoa định kỳ thường 1-2 lần/ năm để phòng bệnh

Những đối tượng nguy cơ như phụ nữ có tiền sử u buồng trứng, từng phẫu thuật vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, sử dụng các thuốc kích trứng, phụ nữ có thai cần để ý sức khỏe và thăm khám ngay khi có triệu chứng bất thường khi xuất hiện đau vùng bụng dưới, nôn, buồn nôn, sốt.


Các biện pháp chẩn đoán Xoắn buồng trứng

Xoắn buồng trứng là trường hợp cấp cứu, chẩn đoán sớm ảnh hưởng rất nhiều đến hướng xử trí và kết quả điều trị. Việc bác sĩ chậm trễ chẩn đoán không nhiều, thường là do bệnh nhân đến muộn. Tất cả những trường hợp có tiền sử u nang buồng trứng, tiền sử phẫu thuật, kích trứng, phụ nữ đang mang thai đều cần phải chú ý loại trừ xoắn buồng trứng khi bệnh nhân đến trong tình trạng đau bụng. Chẩn đoán cần dựa vào các dấu hiệu:

Lâm sàng

  • Cơn đau xuất hiện đột ngột, liên tục, mức độ đau tăng dần, dùng thuốc giảm đau không đỡ, bệnh nhân có thể choáng do đau. Trường hợp bán xoắn hoặc buồng trứng tự tháo xoắn thì cơn đau có thể từng cơn hoặc dịu dần đi.
  • Cảm giác buồn nôn, nôn: Khoảng 50- 70% bệnh nhân xoắn buồng trứng có triệu chứng này. Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý như trào ngược dạ dày- thực quản, viêm dạ dày)
  • Triệu chứng do chèn ép các tạng xung quanh: rối loạn tiểu tiện: tiểu dắt, tiểu khó, táo bón, phù chân.
  • Triệu chứng sốt: thường gặp ở những bệnh nhân đến muộn.

Cận lâm sàng

  • Siêu âm: Là kĩ thuật thăm dò được các bác sĩ chỉ định đầu tay. Tất cả các tuyến từ y tế cơ sở đều thực hiện được. Có thể lựa chọn siêu âm đầu dò hoặc siêu âm qua ổ bụng. Trường hợp nghĩ tới xoắn buồng trứng, hình ảnh siêu âm sẽ thấy buồng trứng tăng kích thước, có thể đẩy lên trên và cao hơn tử cung, phù nề. Các tín hiệu đánh giá nguồn mạch nuôi dưỡng buồng trứng bị giảm hoặc mất.
  • Siêu âm Doppler: Khảo sát dòng mạch, các mạch máu, vòng mạch xung quanh buồng trứng có tăng sinh mạch.
  • Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ MRI là những kĩ thuật chẩn đoán cho hình ảnh có độ phân giải cao, khảo sát được đầy đủ chính xác hơn so với siêu âm. Ngoài ra hai kĩ thuật này giúp chẩn đoán phân biệt trong những trường hợp bệnh nhân đau không rõ ràng, triệu chứng chưa rầm rộ.

Chụp cộng hưởng từ giúp quan sát rõc chẩn đoán xoắn buồng trứng

Chụp cộng hưởng từ giúp quan sát rõc chẩn đoán xoắn buồng trứng

  • Một số các xét nghiệm giúp chẩn đoán phân biệt như betaHCG hay tổng phân tích máu, CRP đánh giá phản ứng viêm của cơ thể, các chỉ số sinh hóa máu cần thực hiện trên bệnh nhân xoắn buồng trứng.

Chẩn đoán phân biệt:

Một số chẩn đoán cần phân biệt với xoắn buồng trứng do những triệu chứng đau, cơn đau, vị trí đau, hoặc dấu hiệu nôn buồn nôn dễ nhầm lẫn:  thai ngoài tử cung, viêm ruột thừa, viêm phần phụ, sỏi thận, sỏi niệu quản… Trong trường hợp khẩn cấp bác sĩ có thể thực hiện nội soi ổ bụng để chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Các biện pháp điều trị Xoắn buồng trứng

Khi được chẩn đoán xoắn buồng trứng và tiên lượng không thể tháo xoắn được, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân. Những trường hợp phát hiện sớm kịp thời có thể phẫu thuật nội soi để tháo xoắn cho buồng trứng. Ngoài ra bác sĩ sẽ khảo sát nếu có nguyên nhân thực thể có thể gây xoắn buồng trứng tái phát có thể bác sĩ xử trí luôn như vòi dẫn trứng dài… Trong trường hợp tháo xoắn buồng trứng không hồng trở lại hoặc hoại tử, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ luôn buồng trứng để tránh nhiễm trùng. Trường hợp bán xoắn hoặc tiên lượng có thể tháo xoắn, hoặc bệnh nhân chờ phẫu thuật, bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, như giảm đau kháng viêm non steroid, nhóm opioid thường được kê đơn để giảm triệu chứng.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn phải cần được theo dõi để đánh giá hoạt động và chức năng của buồng trứng sau khi đã được phẫu thuật tháo xoắn. Những dấu hiệu bất thường sau phẫu thuật như sốt, mệt mỏi, vết mổ lâu lành, đau vùng chậu phải nghĩ đến biến chứng nhiễm trùng, buồng trứng tiếp tục bị hoại tử. Bệnh nhân cần quay trở lại viện ngay để được bác sĩ điều trị kịp thời.

Xoắn buồng trứng là một trong những cấp cứu phụ khoa. Kết quả điều trị, tính mạng và sức khỏe sinh sản của bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào việc được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời của các y bác sĩ.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.