Từ điển bệnh lý

Viêm thận - cầu thận cấp : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Viêm thận - cầu thận cấp

Thận là cơ quan đảm nhận trách nhiệm lọc máu trong hệ tuần hoàn của cơ thể. Hai thận có hình dáng hạt đậu với kích thước thông thường từ 10 đến 12cm, chúng là một hệ thống cấu trúc rất phức tạp với chức năng loại bỏ chất thải và dịch dư thừa khỏi máu của mỗi người. Theo Viện Quốc gia Hoa Kỳ về Đái tháo đường, Tiêu hóa và Thận (NIDDK) 2 thận tiếp nhận và xử lý 120 đến 150 lít máu mỗi ngày và loại bỏ tới 2 lít chất thải và nước dư thừa.

Viêm cầu thận cấp hoặc có thể gọi là viêm thận là tình trạng tổn thương viêm một cách cấp tính và có thể hồi phục của cầu thận. Viêm cầu thận cấp thường do các nguyên nhân đặc hiệu, có thể tìm được nguyên nhân. Nếu không được điều trị phù hợp và kịp thời Viêm cầu thận cấp có thể gây ra biến chứng suy thận và bệnh thận gai đoạn cuối. Một trong những tên gọi cũ của viêm cầu thận cấp từng được sử dụng trong thập niên 80 - 90 là Hội chứng Bright.

Viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp

Phân loại viêm thận – cầu thận cấp

Viêm thận - cầu thận cấp thường được phân loại dựa trên đặc điểm và vị trí tổn thương của thận - cầu thận

- Viêm thận kẽ

Mô kẽ là các mô liên kết không có tác dụng lọc máu, nằm xen kẽ giữa các cấu trúc chức năng nephron (tổ chức búi mạch cầu thận - bao bowman - ống thận). Viêm thận kẽ khi tổn thương viêm ở các mô kẽ này, gây phù nề chèn ép và thâm nhiễm vào hệ thống ống thận, dẫn đến các dấu hiệu lâm sàng cận lâm sàng

- Viêm thận - bể thận cấp

Viêm bể thận thường do vi khuẩn ngược dòng từ dường tiết niệu. Nguồn gốc vi khuẩn phần lớn từ đường tiết niệu dưới trào ngược do tắc nghẽn hoặc rối loạn chức năng thần kinh cơ bàng quang niệu quản. Niệu quản dẫn nước tiểu từ bể thận đến bàng quang, dạng ống và có nhu động xuôi chiều. Viêm bể thận đã được trình bày trong nội dung viêm thận bể thận cấp.

- Viêm cầu thận cấp

Đây là loại viêm thận cấp tính với tổn thương chính là phản ứng viêm các cầu thận. Mỗi thận cấu trúc bởi hàng triệu vi mạch sắp xếp thành các cầu thận. Cầu thận cấu tạo bởi các búi mạch trong bao bowman, vai trò như các đơn vị có chức năng lọc. Nếu 1 cầu thận bị tổn thương viêm cấp tính thì chức năng lọc máu của bản thân cầu thận đó sẽ bị rối loạn. Nếu số lượng cầu thận tổn thương đủ lớn, chức năng của toàn bộ thận sẽ bị ảnh hưởng


Nguyên nhân Viêm thận - cầu thận cấp

Các thể bệnh viêm thận - cầu thận cấp có các nguyên nhân đặc hiệu khác nhau

Viêm thận kẽ

Thường gặp nhất kèm theo tổn thương ống thận do các loại thuốc hoặc kim loại nặng gây độc cho thận, hoặc dị ứng thuốc. Phản ứng dị ứng là phản ứng cấp tính nhằm bảo vệ các cơ quan trước các dị nguyên gây hại đặc hiệu. Bác sĩ có thể đã kê đơn thuốc để điều trị bệnh, nhưng cơ thể xem nó như một dị nguyên có hại. Điều này khiến cơ thể tự tấn công, dẫn đến tăng phản ứng viêm và lắng đọng quá mức các phức hợp miễn dịch.

Một nguyên nhân khác gây ra viêm thận kẽ là hạ kali máu. Kali góp phần vào chức năng điện giải của cơ thể, trong đó nhịp tim và chuyển hóa chung.

Ngoài viêm thận kẽ cấp, nhiễm độc thận liều nhỏ trường diễn cũng không làm cơ chế tổn thương thay đổi, hệ thống ống thận và mô kẽ vẫn bị tổn thương trước các thuốc độc thận và kim loại nặng.

Viêm thận kẽ thường gặp nhất kèm theo tổn thương ống thận do các loại thuốc hoặc kim loại nặng gây độc cho thận, hoặc dị ứng thuốc

Viêm thận kẽ thường gặp nhất kèm theo tổn thương ống thận do các loại thuốc hoặc kim loại nặng gây độc cho thận, hoặc dị ứng thuốc

Viêm bể thận

2 tác nhân vi khuẩn thường gặp nhất gây viêm nhiễm tiết niệu, viêm thận - bể thận là proteus và E.coli. E.coli bản chất là vi khuẩn cư trú hoặc gây bệnh trong đường tiêu hóa, tải lượng cao ở khu vực hậu môn trực tràng. Viêm đường tiết niệu thấp có kèm theo tắc nghẽn hoặc rối loạn thần kinh cơ có thể dẫn đến viêm tiết niều cao (viêm thận - bể thận)

Đa phần viêm thận bể thận cấp phải có tác nhân vi khuẩn nhưng có những yếu tố khác nếu không đảm bảo vô khuẩn cũng có thể gây ra:

- Nội soi bàng quang hoặc đặt sonde tiểu gây chấn thương niệu đạo, niệu quản

- Các phẫu thuật tiết niệu

- Sỏi tiết niệu

Viêm cầu thận cấp

Nguyên nhân chính của tổn thương thận này vẫn còn đang được tìm hiểu. Tuy nhiên, một số điều kiện có thể khởi phát tình trạng này, bao gồm:

- 1 tình trạng giao thoa giữa viêm kẽ thận và viêm cầu thận cấp là HC viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu, cơ chế do phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng liên cầu tại các cơ quan khác gây ra lắng đọng phức hợp miễn dịch cấp tính tại cầu thận dẫn đến tình trạng viêm cầu thận cấp

- Các vấn đề bất thường trong hệ thống miễn dịch hay còn gọi là bệnh tự miễn

- Tiền sử ung thư

- Viêm cầu thận trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết


Triệu chứng Viêm thận - cầu thận cấp

Tùy thuộc vào thể bệnh, mức độ trầm trọng của bệnh cũng như các yếu tố cá thể khác mà triệu chứng của viêm thận - cầu thận cấp rất đa dạng. Các triệu chứng hay gặp nhất là:

- Đau bụng hạ vị âm ỉ

Đau bụng hạ vị âm ỉ có thể là triệu chứng viêm cầu thận cấp

- Tiểu đau buốt

- Tiểu kích thích nhiều lần (tiểu rắt)

- Nước tiểu đục

- Máu hoặc mủ trong nước tiểu

- Đau ở vùng thận hoặc bụng

- Phù thường ở mặt, chân và bàn chân

- Nôn mửa

- Sốt

- Huyết áp cao


Đối tượng nguy cơ Viêm thận - cầu thận cấp

Viêm thận cầu thận cấp có thể hay gặp hơn ở những cá nhân có các yếu tố nguy cơ thuận lợi cho việc phát triển bệnh. Các yếu tố nguy cơ của viêm cầu thận cấp có thể kể đến như:

- Tiền sử gia đình mắc bệnh thận và nhiễm trùng

- Các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống

- Lạm dụng kháng sinh hoặc thuốc giảm đau chống viêm

- Hậu phẫu tiết niệu


Các biện pháp chẩn đoán Viêm thận - cầu thận cấp

Tiền sử và bệnh sử sẽ được bác sĩ khai thác để định hướng chẩn đoán, viêm cầu thận cấp không chỉ dựa trên lâm sàng mà phải cần đến các thăm dò cận lâm sàng, xét nghiệm để xác định chẩn đoán

Các xét nghiệm được chỉ định để xác định hoặc loại trừ sự hiện diện của tình trạng viêm ở các tổ chức thận cầu thận. Các xét nghiệm thường được chỉ định như tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm cặn tế bào nước tiểu bao gồm số lượng và hình dạng hồng cầu, vi khuẩn và bạch cầu niệu. Sự hiện diện đáng kể của những thành phần này có thể xác định và định hướng phân loại tổn thương cầu thận.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm cầu thận cấp

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm cầu thận cấp

Ngoài xét nghiệm nước tiểu, các xét nghiệm máu cũng góp vai trò trong chẩn đoán. hai chỉ số đánh giá chức năng thận cơ bản nhất là ure và creatinin máu. Đây là những chất dư thừa sau chuyển hóa được các cơ quan đào thải vào máu, thận lọc máu và đào thải 2 chất này cùng các chất độc sau chuyển hóa khác. Sự gia tăng những chỉ số này cho thấy chức năng đào thải và lọc máu của thận thận đang bị suy giảm.

Các phương tiện thăm dò chẩn đoán hình ảnh có thể cho thấy tắc nghẽn đường bài xuất, viêm phù nề nhu mô thận hoặc viêm niệu quản bàng quang. Các thăm dò dễ tiếp cận nhất là XQ hệ tiết niệu, siêu âm và chụp cắt lớp vi tính.

Để chẩn đoán xác định phân loại và mức độ tổn thương viêm thận - cầu thận, sinh thiết thận thường được chỉ định. Thủ thuật này là phương pháp đánh giá hình ảnh vi thể dưới các loại kính hiển vi phức tạp một mẫu mô có chứa các cầu thận được lấy trực tiếp từ thận. Không phải bênh nhân viêm thận - cầu thận nào cũng có chỉ định sinh thiết thận. Sinh thiết chỉ được thực hiện nếu cần phân loại và đánh giá mức độ tổn thương giúp tối ưu phác đồ điều trị.


Các biện pháp điều trị Viêm thận - cầu thận cấp

Nguyên nhân gây viêm thận cầu thận cấp sẽ quyết định phương pháp điều trị

Thuốc:

Thông thường, Nếu có tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Nếu viêm thận cấp do nhiễm trùng, tỷ lệ có nhiễm khuẩn huyết kèm theo là cao và

bệnh nhân cần nhập viện điều trị nội trú. Thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch có xu hướng hoạt động nhanh hơn so với thuốc kháng sinh ở dạng thuốc viên uống, sinh khả dụng cao hơn, đào thải qua thận và phát huy tác dụng tại chỗ tốt hơn. Viêm thận bể thận có thể gây đau cấp tính giống như cơn đau quặn thận. Các thuốc giảm đau được sử dụng nhằm giảm triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân

Nếu tổn thương cầu thận do phản ứng miễn dịch quá mức, phản ứng viêm thận tại chỗ quá trầm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn ức chế miễn dịch corticosteroid.

Điều trị hỗ trợ

Khi có suy giảm hoặc tối loạn chức năng thận, cân bằng nội môi, tan kiềm và điện giải sẽ bị rối loạn. Các chất điện giải, cơ bản nhất là kali, natri và clo chủ yếu tồn tại trong máu dưới dạng ion. Các phản ứng sinh hóa của cơ thể phụ thuộc chủ yếu vào cân bằng của điện giải. Nếu mức natri, kali quá cao, truyền dịch đẳng trương đường tĩnh mạch kết hợp với lợi tiểu phù hợp sẽ cân bằng lại nồng độ điện giải. Nếu chất điện giải thấp, bệnh nhân có thể cần phải uống hoặc truyền tĩnh mạch bổ sung. Calci, kali và phospho thường thấp ở tùy các thể bệnh. Chế độ ăn uống và thực phẩm chức năng mà bệnh nhân áp dụng phải được bác sĩ hướng dẫn.

Lọc máu

Nếu chức năng thận bị suy giảm đáng kể do viêm thận – cầu thận cấp, bệnh nhân có thể phải lọc máu bằng thận nhân tạo cấp cứu

Nếu chức năng thận bị suy giảm đáng kể do viêm thận – cầu thận cấp, bệnh nhân có thể phải lọc máu bằng thận nhân tạo cấp cứu

Nếu chức năng thận bị suy giảm đáng kể do viêm thận – cầu thận cấp, bệnh nhân có thể phải lọc máu bằng thận nhân tạo cấp cứu. Đây là một quá trình đặc biêt, máy lọc máu và màng lọc (quả lọc) sẽ thay thế chức năng thận của bệnh nhân. Phải lọc máu cấp cứu không có nghĩa là phải thận nhân tạo chu kỳ vĩnh viễn. Thận nhân tạo chu kỳ được chỉ định khi bác sĩ xác định tổn thương thận đã ảnh hưởng không hồi phục đến chức năng thận gây suy thận mạn giai đoạn cuối.

Chế độ ăn uống sinh hoạt

Khi bị viêm thận câu thận cấp, việc phục hồi chức năng thận cần thời gian. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bệnh nhân nên nghỉ ngơi trên giường trong quá trình hồi phụ. Bác sĩ cũng có thể đưa ra lời khuyên tăng lượng nước uống vào làm tăng lượng máu lọc qua thận và tăng hiệu quả đào thải các chất không cần thiết

Nếu tình trạng viêm cầu thận đã gây suy thận, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn giảm kali. Nhiều loại trái cây và rau củ có chứa nhiều kali quá mức cần thiết. Thông tin về các loại thực phẩm có quá nhiều hoặc hạn chế kali sẽ được bác sĩ cung cấp.

Bác sĩ cũng có thể khuyên bệnh nhân nên cắt giảm các loại thực phẩm quá mặn chứa quá nhiều muối. Khi có quá nhiều natri trong máu, thận sẽ giữ nước. Ứ đọng muối và nước có thể gây tăng huyết áp và quá tải dịch cơ thể. Để hạn chế lượng muối natri, bệnh nhân có thể tham khảo những phương pháp sau:

- Sử dụng thực phẩm tươi thay cho đồ hộp đồ đóng gói. Thực phẩm ăn liền luôn thường chứa nhiều muối hơn các thực phẩm tươi sống

- Chọn thực phẩm được dán nhãn “ít natri” hoặc “không có natri” bất cứ khi nào có thể.

- Khi ăn ở ngoài, hãy yêu cầu đầu bếp hạn chế thêm muối vào các món ăn.


Tài liệu tham khảo:

  • Oda T et al. The role of nephritis-associated plasmin receptor (NAPlr) in glomerulonephritis associated with streptococcal infection. J Biomed Biotechnol. 2012
  • Boumitri C et al. Cryoglobulinemic Glomerulonephritis as a Presentation of Atypical Post-Infectious Glomerulonephritis. J Clin Med Res. 2016
  • Karmarkar MG et al. Antibodies to group A streptococcal virulence factors, SIC and DRS, increase predilection to GAS pyoderma. BMC Infect Dis. 2015

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.