Từ điển bệnh lý

Viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

Trước tiên chúng ta cần hiểu thế nào là bụi hữu cơ? Dưới đây là phân loại bụi theo nguồn gốc sinh ra bụi:

  • Bụi hữu cơ: là những loại bụi bắt nguồn từ thực vật như ngũ cốc, đay, bông, gỗ, giấy,... và bụi từ động vật như lông và phân gia súc, gia cầm,...;
  • Bụi vô cơ: là bụi có nguồn gốc từ khoáng chất như cát, chì, than, thạch anh, amiang; từ kim loại: kẽm, sắt, đồng, chì, mangan,...; hoặc bụi vô cơ nhân tạo như thuỷ tinh, xi măng,...;
  • Bụi hỗn hợp: loại bụi này có thể xuất hiện ở mọi nơi và trong đó có 30 - 50% là pha với bụi khoáng chất. Thông thường bụi hỗn hợp sẽ có khả năng gây bệnh cao hơn so với bụi bình thường, ví dụ như có những loại bụi amiang, silic sẽ có hại nhiều hơn trên cơ thể con người so với bụi khác.

Bệnh viêm phổi tăng cảm hay còn được biết đến với tên gọi viêm phế nang dị ứng ngoại sinh, là hiện tượng xảy ra phản ứng viêm tại vị trí thành phế nang và phế quản khi người bệnh hít phải các tác nhân gây bệnh như bụi hữu cơ hoặc dị ứng nguyên. 

Bệnh có các triệu chứng lâm sàng như ho, mệt mỏi và khó thở do phản ứng nhạy cảm quá mẫn với các kháng nguyên từ ngoài môi trường. Tuy nhiên những biểu hiện trên còn tùy thuộc vào nồng độ lượng bụi hữu cơ do bệnh nhân hít phải cũng như tần suất tiếp xúc với các bụi này. Khi bị viêm phổi tăng cảm sẽ khiến cơ thể xuất hiện những thương tổn như viêm phổi tổ chức hoá, viêm tổ chức kẽ tạo u hạt, viêm tiểu phế quản tận.

Viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

Viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

Bệnh được chia thành 3 loại: cấp tính, mạn tính và bán cấp. Ba cấp độ này đều có thương tổn đặc trưng là sự phát triển của các u hạt, xơ hoá và viêm mô kẽ cấp tính sau quá trình tiếp xúc bụi hữu cơ lâu dài. Để chẩn đoán bệnh viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ, bác sĩ sẽ dựa trên tiền sử bệnh, khám thực thể, xét nghiệm hình ảnh, sinh thiết và rửa phế quản phế nang. Sử dụng Corticosteroid để điều trị bệnh ngắn hạn và cần tránh khỏi kháng nguyên khi điều trị dài hạn.

Vì tính chất về cường độ và thời gian tiếp xúc với bụi hữu cơ là khác nhau nên tần số mắc bệnh viêm phổi tăng cảm cũng khác nhau trên bình diện so sánh giữa các cộng đồng dân cư trên toàn cầu. Theo báo cáo, tỷ lệ những người làm vườn lâu năm mắc bệnh là từ 1 - 5%, trong khi đó những người nuôi chim bồ câu có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, đó là từ 8 - 30%.


Nguyên nhân Viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

Nghiên cứu chỉ ra rằng có tất cả hơn 300 loại kháng nguyên chính là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi tăng cảm, trong đó có đến 75% là do ô nhiễm nước, chim muông và các hoạt động trồng trọt. 

Các kháng nguyên gắn với từng loại nghề nghiệp khác nhau (ví dụ như bảng dưới đây).

Có hơn 300 loại kháng nguyên chính là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi tăng cảm

Có hơn 300 loại kháng nguyên chính là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi tăng cảm

Trên thực tế triệu chứng của bệnh viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ ở người nông dân khá giống với bệnh viêm phế quản mạn tính.


Triệu chứng Viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

Như chúng tôi đã đề cập, bệnh viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ được chia ra thành 3 cấp độ là: cấp tính, bán cấp và mạn tính. Mỗi trường hợp lại có những biểu hiện bệnh khác nhau. Cụ thể như sau:

Viêm phổi tăng cảm cấp tính:

  • Bệnh nhân sau khi hít phải nồng độ cao các tác nhân gây dị ứng trong vòng vài giờ sẽ lần lượt xuất hiện các dấu hiệu như ho khan, sốt, khó thở, đau đầu, đau cơ,...;

Bệnh viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ được chia ra thành 3 cấp độ là: cấp tính, bán cấp và mạn tính. Mỗi trường hợp lại có những biểu hiện bệnh khác nhau

Bệnh viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ được chia ra thành 3 cấp độ là: cấp tính, bán cấp và mạn tính. Mỗi trường hợp lại có những biểu hiện bệnh khác nhau

  • Khi khám lâm sàng sẽ phát hiện ra hai bên phổi có tiếng ran nổ và dường như rất ít thấy tiếng rít do chứng co thắt phế quản;
  • Chụp X-quang cho ra hình ảnh bóng mờ, kính mờ bao phủ vùng thấp, kích thước của các nốt mờ nhỏ, khoảng  dưới 3mm;
  • Xét nghiệm kháng thể chỉ số IgA, IgG và IgM tăng.

Viêm phổi tăng cảm mạn tính:

  • Tình trạng mạn tính xảy ra trong trường hợp những bệnh nhân bị viêm phổi tăng cảm cấp tính đã được chữa khỏi, nhưng do vẫn phải duy trì công việc tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh nên vẫn bị lại;
  • Người bệnh sẽ có các biểu hiện như sụt cân, khó thở, về lâu về dài sẽ dẫn đến suy hô hấp; 
  • Khi khám có thể nghe thấy tiếng ran nổ ở hai bên phổi và có hiện tượng tăng áp lực động mạch phổi;
  • Chụp X-quang thấy hình ảnh phổi tổ ong, có thể xuất hiện tình trạng canxi hóa. Nghiêm trọng hơn viêm phổi tăng cảm có thể biến chứng thành bệnh viêm phổi mô kẽ mạn tính.

Viêm phổi tăng cảm bán cấp:

Đây là tình trạng bệnh nằm giữa cấp độ viêm phổi tăng cảm cấp tính và mạn tính. Triệu chứng điển hình là người bệnh thường bị ho, mệt mỏi, khó thở, chán ăn, sút cân tiến triển trong nhiều ngày hoặc vài tuần, hoặc cấp tính trên các biểu hiện mạn tính.


Các biến chứng Viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

 


Đối tượng nguy cơ Viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

Mùa dễ mắc bệnh viêm phổi tăng cảm thường là mùa đông và đầu xuân. Những người phải làm những công việc tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân gây dị ứng sẽ là đối tượng dễ bị bệnh, bao gồm:

  • Người ngồi trong phòng điều hoà nhiều ngày, mà điều hoà không được cọ rửa, vệ sinh sạch sẽ thì người đó dễ hít phải bụi bẩn bám trong máy;

Người ngồi trong phòng điều hoà nhiều ngày dễ bị viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

Người ngồi trong phòng điều hoà nhiều ngày dễ bị viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

  • Người làm việc trong các nông trại hay hít phải nấm mốc từ bã mía, rơm rạ, hoặc bụi từ sợi nấm;
  • Nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm hít phải bụi phân tán từ lông hoặc chất thải của vẹt, gà, bồ câu, trâu, bò,... đặc biệt là khi dọn dẹp và vệ sinh chuồng trại;
  • Các trường hợp nhiễm bệnh khác có thể là: người làm pho mát hít phải bụi từ pho mát bị mốc; người thợ mộc hít phải bụi từ gỗ ở xưởng mộc; thợ thuộc da cũng có thể bị dị ứng với lông gia súc trong quá trình làm việc tiếp xúc với các chất liệu da,...

Phòng ngừa Viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

Nhằm ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ, mọi người cần chú ý và áp dụng các biện pháp cơ bản sau:

  • Người lao động trong môi trường chứa nồng độ cao các chất gây bệnh cần trang bị các trang phục bảo hộ như đeo khẩu trang thường xuyên, đặc biệt là trong lúc làm việc để hạn chế tối đa khả năng hít phải bụi hữu cơ vào phổi;
  • Lên lịch dọn vệ sinh nơi làm việc định kỳ, bao gồm máy móc, thiết bị chăn nuôi, trồng trọt, chuồng trại, xưởng chế biến. Dọn sạch các nguyên liệu thừa thãi như mùn gỗ, bã mía, rơm rạ,... Đối với phân chim và gia cầm cần làm sạch bằng vòi nước và để khô ráo;
  • Máy điều hoà cũng cần được lau chùi thường xuyên để ngăn bụi mốc phát tán trong không khí;
  • Khu nhà ở cũng cần được quét dọn thường xuyên để hạn chế bụi nhà.

Các biện pháp chẩn đoán Viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

Trước khi điều trị bệnh, bác sĩ cần chẩn đoán lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh lý cũng như hồ sơ nghề nghiệp của bệnh nhân. Bên cạnh đó bệnh nhân cần thực hiện những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh, bao gồm:

  • Chụp X-quang phổi: Ở mức độ cấp tính sẽ thấy hình ảnh phổi chưa có nhiều dấu hiệu bất thường, hoặc thấy các vệt phế quản gia tăng độ đậm, có thể thấy hình ảnh nốt nhỏ hoặc nối lớn hơi bóng mờ. Còn ở giai đoạn mạn tính thì phát hiện hình ảnh xơ phổi mô kẽ lan toả;

Chụp X-quang phổi chẩn đoán bệnh viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ tại MEDLATEC

Chụp X-quang phổi chẩn đoán bệnh viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ tại MEDLATEC

  • Xét nghiệm công thức máu: không có dấu hiệu tăng bạch cầu ưa axit;
  • Test da nếu dị ứng nguyên dương tính: cho vùng da ở vị trí cẳng tay của người bệnh tiếp xúc trực tiếp với chất nghi ngờ gây bệnh. Trong trường hợp đó đúng là tác nhân gây dị ứng thì sẽ thấy các dấu hiệu đỏ da, mẩn ngứa ở vùng da này của người bệnh;
  • Rửa phế quản - phế nang: đem xét nghiệm dịch rửa, quan sát  sẽ thấy số lượng tế bào lympho gia tăng từ 30 -  80%, nhất là lympho CD8; 
  • Kháng thể gây kết tủa: khi các kháng nguyên hữu cơ cho tiếp xúc với kháng thể IgG sẽ có hiện tượng kết tủa. Thực hiện bằng phương pháp khuếch tán kép hoặc miễn dịch - điện di;
  • Sinh thiết phổi: trong một số trường hợp cần thiết có thể tiến hành sinh thiết qua thành phế quản để chẩn đoán xác định bệnh.
  • Chẩn đoán phân biệt: phân biệt viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ với các bệnh khác tương đồng về triệu chứng như bệnh bụi phổi, viêm phổi do mycoplasma, viêm phổi do virus, bệnh Wegener, bệnh sốt vẹt, hội chứng Hamman-Rich,...

Các biện pháp điều trị Viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ

Nếu muốn điều trị viêm phổi tăng cảm do bụi hữu cơ hiệu quả và dứt điểm, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp như sau:

  • Tránh xa hoàn toàn hoặc hạn chế tiếp xúc tối đa với các tác nhân gây dị ứng;
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học. Bên cạnh đó có thể bổ sung khoáng chất và các thuốc vitamin với liều lượng thích hợp để sức khoẻ bệnh nhân hồi phục nhanh chóng;
  • Thuốc điều trị thường là Corticoid: Phụ thuộc vào tình trạng của bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định và điều chỉnh phù hợp. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 1 - 2 tuần, sau đó liệu lượng sẽ giảm dần và cần có liều duy trì tiếp tục trong từ 1 - 2 tháng;
  • Các thuốc khác được sử dụng để kiểm soát triệu chứng bệnh: thuốc giãn phế quản, thuốc hạ sốt, thuốc long đờm,... Nếu cần thiết có thể cho bệnh nhân thở oxy.

Tài liệu tham khảo:

  • Viêm phổi tăng cảm | MSD MANUAL 
  • Viêm phổi tăng cảm (viêm phế nang dị ứng ngoại sinh) | Vinmec

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.