Từ điển bệnh lý

Viêm niệu đạo : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Viêm niệu đạo

Niệu đạo là một cơ quan dạng ống nhỏ xuất phát từ bàng quang. Niệu đạo có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Cấu trúc giải phẫu của niệu nam và nữ là khác nhau. Viêm niệu đạo là một tình trạng mà niệu đạo bị viêm nhiễm và kích ứng gây ra đau buốt khi đi tiểu và tiết dịch bất thường. Niệu đạo cũng là đường dẫn tinh dịch từ túi tinh ở nam giới tại ngã đổ tại tiền liệt tuyến và thông qua đoạn trong dương vật để ra ngoài.

Viêm niệu đạo 

Viêm niệu đạo 

Viêm niệu đạo thường gây hai triệu chứng khó chịu chính mà bệnh nhân cảm nhận được là đau buốt khi đi tiểu và tăng cảm giác buồn đi tiểu kể cả khi có rất ít nước tiểu trong bàng quang (tiểu dắt). Nguyên nhân chính dẫn đến viêm niệu đạo thường là các viêm nhiễm do các tác nhân đặc hiệu thường chỉ gặp ở niệu đạo.

Phân biệt Viêm niệu đạo khác với nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) bằng các khác biệt của tác nhân gây bệnh. Viêm niệu đạo là tình trạng viêm nhiễm khu trú ở niệu đạo thường do các tác nhân vi sinh cụ thể (thường gặp nhất là các bệnh lây truyền qua đường tình dục), trong khi nhiễm khuẩn tiết niệu là nhiễm trùng đa phần ở bàng quang và đường tiết niệu trên (bể thận – niệu quản) do các tác nhân vi khuẩn thông thường có thể gặp ở cơ quan khác trong cơ thể. Viêm niệu đạo và Viêm đường tiết niệu dưới có các triệu chứng tương đối giống nhau. Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh mà viêm niệu đạo được điều trị bằng các phác đồ kháng sinh khác nhau. Mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể bị viêm niệu đạo. Tuy nhiên, nữ giới có nguy cơ bị viêm niệu đạo cao so với nam giới. Một phần giải thích được do niệu đạo của nam giới bao gồm một đoạn dài nằm sau và trong dương vật, dài hơn đáng kể so với niệu đạo nữ giới. Theo giải phẫu, trung bình niệu đạo nữ giới chỉ có độ dài khoảng 4cm. Do cấu tạo ngắn và đơn giản như vậy mà vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo hơn, dễ gây viêm niệu đạo hoặc viêm bàng quang ở nữ giới hơn so với nam giới.

Theo thống kê của Antimicrobe, Mỗi năm có khoảng 4 triệu người Mỹ mắc viêm niệu đạo. Trong đó chiếm khoảng 80% là viêm niệu đạo thông thường (không phải do lậu cầu).

Phân loại

Viêm niệu đạo được phân loại chủ yếu bằng tác nhân gây viêm. Thường phân thành 2 nhóm chính là lậu niệu đạo và viêm niệu đạo không do lậu.

- Lậu niệu đạo (hay lậu tiết niệu) là do cùng một loại vi khuẩn gây ra bệnh lậu sinh dục (lậu cầu - Neisseria gonorrhoeae). Lậu niệu đạo chiếm khoảng 20% trong tổng số các bệnh nhân viêm niệu đạo.

- Viêm niệu đạo không do lậu mà do các vi sinh vật gây viêm nhiễm khác. Chlamydia là một trong những tác nhân thường gặp nhất trong nhóm này. Các tác nhân gây bệnh truyền qua tình dục khác cũng có thể gây ra tình trạng này.

Tuy nhiên, Viêm niệu đạo cũng có thể không liên quan đến các tác nhân lây truyền qua đường tình dục. Một số trường hợp hay gặp bao gồm chấn thương niệu đạo, đặt sonde tiểu, các tổn thương khác vùng dương vật, sinh dục.

Trong khi các bệnh nhân viêm niệu đạo khác nhau có các tác nhân vi khuẩn khác nhau, các tác nhân khác nhau này lại có thể xuất hiện đồng thời trên cùng một bệnh nhân. Tình trạng này được gọi là đồng nhiễm, thường gặp ở những người thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn.


Nguyên nhân Viêm niệu đạo

Nhìn chung, hầu hết các trường hợp viêm niệu đạo là do nhiễm các tác nhân virus, vi khuẩn điển hình hoặc nấm. Vi khuẩn là tác nhân phổ biến nhất gây viêm niệu đạo. Các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu thông thường cũng có thể xâm nhập gây viêm niêm mạc niệu đạo. Các vi khuẩn cư ngụ ở vùng sinh dục cũng có thể gây viêm niệu đạo nếu chúng xâm nhập theo đường lân cận vào đường tiết niệu.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) các tác nhân vi khuẩn thường gặp nhất gây viêm niệu đạo bao gồm:

- Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu)

Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu) gây viêm niệu đạo

Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu) gây viêm niệu đạo

- Chlamydia trachomatis

- Mycoplasma genitalium

- Gardnerella vaginalis

- Trichomonas vaginalis

- Ureaplasma urealyticum/parvum

Thuật ngữ mầm bệnh ám chỉ tác nhân sinh học (virus, vi khuẩn, nấm) gây bệnh. Các tác nhân lây nhiễm gây ra các bệnh tình dục cũng có thể gây viêm niệu đạo. Chúng bao gồm lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae), chlamydia, trichomonas (trùng roi) và ureplasma.

Ngoài ra các virus cũng có thể cư trú và gây ra viêm niệu đạo. Các tác nhân chính có thể gặp là Human papyloma (HPV), Herpes simplex (HSV) và Cytomegalo (CMV).


Triệu chứng Viêm niệu đạo

Viêm niệu đạo nam giới

Nam giới bị viêm niệu đạo có thể có các các triệu chứng sau:

- Tiểu buốt

- Ngứa, rát quy đầu gần lỗ niệu đạo ngoài.

- Xuất tinh máu hoặc đái máu.

- Chảy dịch bất thường từ lỗ niệu đạo ngoài.

- Tiểu rắt (Kích thích buồn tiểu ngay cả khi bàng quang ít nước tiểu).

Các triệu chứng ở phụ nữ

Một số triệu chứng của viêm niệu đạo ở phụ nữ bao gồm:

- Kích thích buồn tiểu, tiểu dắt.

- Dòng nước tiểu đầu gây nóng rát hoặc kích ứng.

- Đau tức vùng hạ vị sinh dục khi đi tiểu.

Đau tức vùng hạ vị sinh dục khi đi tiểu

Đau tức vùng hạ vị sinh dục khi đi tiểu

- Chảy dịch bất thường âm đạo, niệu đạo.

- Tiết dịch bất thường từ âm đạo cũng có thể xuất hiện cùng với các triệu chứng tiết niệu.

Có thể viêm niệu đạo diễn biến âm thầm và không có bất kỳ triệu chứng nào quá khó chịu. Đặc biệt là ở phụ nữ. Ở nam giới bị viêm niệu đạo do chlamydia hoặc trichomonas, các triệu chứng có thể không rõ ràng hoặc rất nhẹ, khó phát hiện nếu không thật sự chú ý

Vì lý do trên, điều quan trọng khi bệnh nhân muốn tầm soát loại trừ các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) là phải kiểm tra các xét nghiệm đặc hiệu phát hiện các tác nhân gây viêm niệu đạo thường gặp. https://medlatec.vn/tin-tuc/xet-nghiem-phat-hien-9-tac-nhan-lay-benh-qua-duong-tinh-duc-s58-n10963


Phòng ngừa Viêm niệu đạo

Nhiều tác nhân gây viêm niệu đạo có thể lây truyền sang người khác thông qua quan hệ tình dục. Bởi vậy, quan hệ tình dục an toàn rất quan trọng trong phòng bệnh. Những lời khuyên dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tình dục:

- Chung thủy một vợ một chồng, tránh quan hệ với nhiều đối tác tình dục.

- Sử dụng bao cao su đúng cách

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để phòng ngừa bệnh

Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để phòng ngừa bệnh

- Bảo vệ người khác. Nếu phát hiện ra bản thân bị bệnh tình dục có lây, hãy thông báo cho những người khác có nguy cơ lây nhiễm.

Bên cạnh quan hệ tình dục an toàn, có những cách khác để tăng cường sức đề kháng và hạn chế các bệnh đường tiết, làm giảm nguy cơ viêm niệu đạo và một số tình trạng khác ảnh hưởng đến hệ sinh dục tiết niệu. Uống nhiều nước tiểu tiện sau khi quan hệ tình dục. Tránh các loại thực phẩm có tính quá acid - chua. Ngoài ra, tránh tiếp xúc với chất diệt tinh trùng hoặc bất kỳ sản phẩm nào có thể gây kích ứng niệu đạo đã biết từ trước.


Các biện pháp chẩn đoán Viêm niệu đạo

Bác sĩ sẽ khai thác về tiền sử, diễn biến bệnh theo triệu chứng của bệnh nhân. Họ cũng có thể sẽ thăm khám trực tiếp vùng sinh dục để tìm dịch tiết bất thường từ lỗ niệu đạo ngoài, tình trạng đau, các vết loét sinh dục và bất kỳ dấu hiệu thực thể nào của các bệnh lây qua đường tình dục. Điều này giúp bác sĩ có thể sơ bộ định hướng được chẩn đoán.

Các xét nghiệm phân tích mẫu nước tiểu hoặc dịch niệu đạo, âm đạo cũng có thể được chỉ định. Nếu bác sĩ nghi ngờ một bệnh lây truyền qua đường tình dục cụ thể, các xét nghiệm bệnh tình dục đặc hiệu giúp phát hiện hoặc loại trừ các tác nhân lây qua đường tình dục sẽ được chỉ định. Có thể xét nghiệm các các bệnh lây truyền qua đường tình dục và đường máu khác thường gặp như HIV, viêm gan B, C, giang mai.

Xét nghiệm các các bệnh lây truyền qua đường tình dục và đường máu để chẩn đoán bệnh

Xét nghiệm các các bệnh lây truyền qua đường tình dục và đường máu để chẩn đoán bệnh

Tùy thuộc vào bác sĩ và các chỉ định phương pháp xét nghiệm, bệnh nhân sẽ nhận được kết quả xét nghiệm sớm nhất có thể, đặc biệt là các xét nghiệm tốn thời gian như xét nghiệm kết hợp PCR 12 tác nhân bệnh tình dục. Việc chẩn đoán sớm và chính xác tác nhân gây bệnh cho phép các bác sĩ bắt đầu phác đồ điều trị điều trị đặc hiệu càng sớm càng tốt và quyết định việc đối tác tình dục của bệnh nhân có cần được kiểm tra và điều trị tương tự hay không.


Các biện pháp điều trị Viêm niệu đạo

Điều trị viêm niệu đạo chủ yếu là các phác đồ kháng sinh đặc hiệu cho tác nhân gây bệnh. Một số phác đồ điều trị viêm niệu đạo hay dùng như:

- Doxycyclin uống ngày 2 lần trong bảy ngày

- Azithromycin liều một lần duy nhất

- Erythromycin ngày 4 lần trong bảy ngày

- Levofloxacin uống mỗi ngày một lần cho bảy ngày

Đơn thuốc cụ thể sẽ được bác sĩ quyết định khi kê đơn và hướng dẫn cho bệnh nhân dựa trên các kết quả xét nghiệm và kinh nghiệm của bác sĩ

Nếu tác nhân gây bệnh có lây truyền qua đường tình dục, một điều rất quan trọng là đối tác tình dục của bệnh nhân phải được thăm khám, xét nghiệm và điều trị tương tự. Việc đồng thời điều trị ngăn chặn sự lây truyền ngược dai dẳng của bệnh và tái nhiễm trên chính bệnh nhân.

Bệnh nhân sẽ thấy các triệu chứng thuyên giảm rất sớm ngay từ 1-3 ngày đầu sau khi bắt đầu liệu trình điều trị nhưng họ vẫn phải hoàn thành liệu trình theo khuyến cáo của bác sĩ, hoặc chấp nhận tình trạng bệnh có thể trở nên nghiệm trọng và kém đáp ứng với thuốc hơn. Những người bị viêm niệu đạo nên kiêng quan hệ tình dục trong thời gian dùng thuốc và kéo dài chế độ này đến một tuần sau khi kết thúc điều trị.

Nếu không được điều trị kịp thời và triệt để, viêm nhiễm tại niệu đạo có thể xâm nhập sang các bộ phận khác của đường tiết niệu như viêm thận bể thận, viêm bàng quang. Các tình trạng nhiễm trùng không được điều trị này có thể ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của hệ thận tiết niệu, cũng có thể lan truyền vào máu và dẫn đến nhiễm trùng huyết, là một bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao.

Ngoài ra, các bệnh tình dục thường gặp gây viêm niệu đạo cũng có thể gây tổn thương hệ thống cơ quan sinh sản. Phụ nữ có thể bị viêm vùng chậu (PID) do lây lan từ niệu đạo. Tình trạng này gây đau đớn nhiều và có thể dẫn đến vô sinh. Triệu chứng chính là đau vùng chậu liên tục hoặc đau khi quan hệ tình dục. Phụ nữ bị bệnh tình dục không được điều trị cũng có nguy cơ mang thai ngoài tử cung (GEU) cao hơn bình thường, GEU là một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

Nam giới có thể tiến triển đến viêm, nhiễm trùng tuyến tiền liệt, hoặc chít hẹp niệu đạo do sẹo, dẫn đến tắc nghẽn, bí tiểu và các rối loạn chức năng đường tiểu khác. Vì những lý do này, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của viêm niệu đạo.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.