Từ điển bệnh lý

Ung thư não : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Ung thư não

Hiện tượng các tế bào ở não vì một nguyên nhân nào đó bắt đầu phát triển đột biến tạo thành khối u ác tính được gọi là bệnh ung thư não. Những tế bào này liên tục gia tăng số lượng và sinh trưởng, sau đó lấn chiếm và thủ tiêu dần dần những tế bào lành tính ở khu vực xung quanh.

Ở giai đoạn nặng, ung thư não thậm chí không chỉ gây bệnh ở não mà còn có khả năng di căn xa tới các cơ quan khác, gây gián đoạn chức năng sống bình thường của cơ thể và đe dọa tới tính mạng người bệnh.

các tế bào ở não vì một nguyên nhân nào đó bắt đầu phát triển đột biến tạo thành khối u ác tính

Ung thư não có 2 dạng đó là:

  • Ung thư não nguyên phát: dạng này chiếm đa số các ca ung thư não (75%). Gọi là nguyên phát vì não là nơi đầu tiên các tế bào ung thư hình thành;
  • Ung thư não thứ phát: khoảng 25% các trường hợp ung thư não là ung thư thứ phát, tức là não bị ung thư do khối u ác tính di chuyển từ cơ quan khác ngoài não tới và gây bệnh tại đây.

Có đến 40% số ca bệnh ung thư não là bắt nguồn từ sự bất thường ở các tế bào thần kinh đệm. U tế bào thần kinh đệm gồm: 

  • U nguyên bào tuỷ;
  • U nguyên bào thần kinh đệm;
  • U thần kinh đệm ít nhánh;
  • U tế bào sao;
  • U màng não thất.

Ung thư não thứ phát thường là do các tế bào ung thư di căn từ những bộ phận như thận, phổi, vú, đại tràng, da. Mặc dù ung thư não khó có thể phòng ngừa được nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì cơ hội chữa khỏi là hoàn toàn có thể.


Nguyên nhân Ung thư não

Vẫn chưa chứng minh được nguyên nhân khiến các tế bào não gặp đột biến và sinh trưởng thành khối u. Ung thư não không phải là một bệnh mang tính truyền nhiễm nhưng yếu tố di truyền lại có liên quan tới căn bệnh này. 

Những hội chứng kể sau được xác định là dường như có mối liên hệ với ung thư não:

  • Hội chứng Neurofibromatosis: đây là một bệnh di truyền khiến cho bệnh nhân bị rối loạn thần kinh gây ảnh hưởng tới tuỷ sống, não và dây thần kinh;
  • Hội chứng Turcot: hội chứng này phát triển các hạt polyp lành tính ở đại tràng, kèm theo khối u ác tính ở não;
  • Nhiễm virus: người bệnh nhiễm virus CMV (Cytomegalovirus) và EBV (Epstein-Barr virus) cũng làm gia tăng khả năng mắc bệnh ung thư não;
  • Tiếp xúc với phóng xạ: nếu bệnh nhân làm việc hoặc sinh sống trong môi trường chứa chất phóng xạ trong thời gian dài, hay trước đó đã từng xạ trị vùng đầu, mặt, cổ, hoặc sử dụng nhiều hoá chất độc hại khi làm việc (dầu khí, nhựa vinyl, hóa chất cao su, thuốc trừ sâu, dung môi hoà tan,...) thường có nguy cơ bị ung thư não cao hơn so với người bình thường.

Triệu chứng Ung thư não

Kích thước của khối u:

Biểu hiện điển hình nhất ở bệnh nhân bị ung thư não đó là gia tăng áp lực hộp sọ do: khối u gia tăng về thể tích, ứ đọng dịch não tuỷ, não bị phù.

Vì thế phần lớn bệnh nhân sẽ gặp tình trạng đau đầu và động kinh do khối u lớn dần và đè vào hộp sọ. Do vậy không thể xem nhẹ các biểu hiện do tăng áp lực hộp sọ gây nên. Cụ thể như sau:

  • Đau đầu: là dấu hiệu phổ biến chiếm tới 80 -  90% tỷ lệ các ca mắc ung thư não, người bệnh thường bị đau đầu toàn thể hoặc cục bộ. 

đau đầu là dấu hiệu phổ biến chiếm tới 80 -  90% tỷ lệ các ca mắc ung thư não

Nguyên nhân: như đã phân tích, hiện tượng này xảy ra là do theo thời gian khối u não phát triển kích thước gây đè nén lên các xoang tĩnh mạch và dây thần kinh sọ não, dẫn tới phản xạ co thắt các mạch máu não. 

Đặc điểm: những cơn đau có thể xuất hiện mơ hồ, âm ỉ không rõ vị trí, hoặc có khi lại đau dữ dội. Người bệnh đau đầu lâu ngày không khỏi và ngày càng đau nặng hơn, đặc biệt vào buổi sáng sớm sau  khi ngủ dậy, đau tăng nặng khi ho, hắt hơi, uống thuốc cũng không đỡ.

  • Động kinh: chiếm tới 40% trong số những trường hợp bị ung thư não. bệnh nhân có thể bị co giật 1 bên hoặc 2 bên;
  • Buồn nôn hoặc nôn: triệu chứng nôn có khi xảy ra bất ngờ, không do tác động nào như nôn vọt không đang trong bữa ăn, không có biểu hiện đau bụng trước và sau khi nôn;
  • Phù gai thị: nội sọ bị gia tăng áp lực đè nén lên các bó mạch thần kinh thị giác dẫn tới hiện tượng phù hoặc teo gai thị. Điều này khiến cho bệnh nhân bị thay đổi thị lực, chuyển động mắt bất thường, ngày càng nhìn mờ kèm theo buồn nôn và đau đầu;

Các triệu chứng khác:

  • Buồn ngủ;
  • Co giật, giật cơ;
  • Ngất xỉu;
  • Tay chân có cảm giác tê hoặc ngứa ran;
  • Tính cách thay đổi;
  • Gặp vấn đề về giọng nói;
  • Không giữ được thăng bằng, đi lại khó;
  • Trí nhớ suy giảm, mất tập trung và gặp khó khăn trong việc suy nghĩ.

Các biểu hiện định khu tổn thương: có thể biểu hiện theo mức độ từ nhẹ đến nặng như bị liệt dây thần kinh đơn độc, giảm trí nhớ, tay chân yếu và giảm thị lực:

  • U thuỳ thái dương: xuất hiện tình trạng ảo thị, ảo thính, ảo khứu và rối loạn ngôn ngữ, bệnh nhân không thể nhận định và gọi chính xác tên đồ vật. Ngoài ra người bệnh còn có khả năng bị sụp mi, giãn đồng tử nếu khối u chèn vào dây thần kinh vận nhãn chung.
  • U thuỳ đỉnh: biểu hiện chủ yếu qua hiện tượng rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, xúc giác và cảm giác suy giảm, đồng thời không định vị được vị trí, không gian;
  • U thuỳ trán: người bệnh có dấu hiệu giảm sự chú ý và suy giảm trí nhớ. Ngoài ra bệnh nhân còn gặp các vấn đề như teo dây thần kinh thị giác, mất khứu giác, rối loạn hoặc thậm chí mất ngôn ngữ  trong trường hợp u nằm phía sau thuỳ trán;
  • U não thất: xuất hiện các cơn đau đầu theo từng đợt, đau có thể gia tăng và có các triệu chứng của tăng áp lực hộp sọ;
  • U thuỳ chẩm: gây giảm thị lực và sớm xuất hiện dấu hiệu gia tăng áp lực hộp sọ do khối u chèn ép cống não;
  • U tuyến yên: bệnh nhân có biểu hiện giảm thị lực, đau đầu và rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra còn có các triệu chứng bất thường khác như uống nhiều, ăn nhiều và tiểu nhiều. Sự bất thường trong sinh hoạt dẫn tới chứng béo phì, đầu ngón tay và đầu ngón chân to hơn, hoặc thể trạng khổng lồ và bị thiểu năng sinh dục;
  • U tiểu não: hội chứng tăng áp lực hộp sọ biểu hiện rõ ràng hơn, rối loạn thăng bằng, đi lại không vững;
  • U góc cầu tiểu não: thính lực giảm, chóng mặt, tai ù, lưỡi và vùng mặt bị tê do khối u chèn vào dây thần kinh số V.

Đối tượng nguy cơ Ung thư não

  • Độ tuổi: mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị ung thư não nhưng phần đa vẫn là đối tượng trẻ em trong độ tuổi từ 3 - 12 và người lớn từ 40 -  70 tuổi;
  • Người bị mắc các bệnh ung thư vú, ung thư phổi,... giai đoạn di căn dễ xâm lấn vào não;
  • Người đã từng tiếp xúc với hóa chất, chất phóng xạ hoặc sử dụng biện pháp xạ trị vùng đầu, mặt, cổ;

Người đã từng tiếp xúc với hóa chất có nguy cơ cao bị bệnh

  • Do di truyền;
  • Người gặp các yếu tố nguy cơ khác đã được đề cập ở trên.

Phòng ngừa Ung thư não

Hiện vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu ngăn chặn căn bệnh ác tính này. Do đó mỗi người cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khoẻ của bản thân, nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường như buồn nôn, nôn ói, đau đầu thường xuyên không khỏi, nói khó, rối loạn thính giác, thị giác, đột nhiên bị liệt nửa người,... thì cần đi khám ngay.

khám bệnh khi có các biểu hiện bấtt thường

Danh sách các triệu chứng:

  • Đau đầu: là dấu hiệu phổ biến chiếm tới 80 -  90% tỷ lệ các ca mắc ung thư não, người bệnh thường bị đau đầu toàn thể hoặc cục bộ. 
  • Động kinh: chiếm tới 40% trong số những trường hợp bị ung thư não. bệnh nhân có thể bị co giật 1 bên hoặc 2 bên;
  • Buồn nôn hoặc nôn: triệu chứng nôn có khi xảy ra bất ngờ, không do tác động nào như nôn vọt không đang trong bữa ăn, không có biểu hiện đau bụng trước và sau khi nôn;
  • Phù gai thị: Nội sọ bị gia tăng áp lực đè nén lên các bó mạch thần kinh thị giác dẫn tới hiện tượng phù hoặc teo gai thị. Điều này khiến cho bệnh nhân bị thay đổi thị lực, chuyển động mắt bất thường, ngày càng nhìn mờ kèm theo buồn nôn và đau đầu;

Các triệu chứng khác:

  •  Buồn ngủ;
  •  Co giật, giật cơ;
  •  Ngất xỉu;
  •  Tay chân có cảm giác tê hoặc ngứa ran;
  • Tính cách thay đổi;
  •  Gặp vấn đề về giọng nói;
  •  Không giữ được thăng bằng, đi lại khó;
  •  Trí nhớ suy giảm, mất tập trung và gặp khó khăn trong việc suy nghĩ.

Các biện pháp chẩn đoán Ung thư não

Dựa vào những biểu hiện trên lâm sàng và xét nghiệm, bác sĩ sẽ kết hợp các kết quả để đưa ra kết luận bệnh nhân có mắc ung thư não hay không. Những xét nghiệm cần thiết bao gồm:

  • Điện não đồ: ghi nhận các sóng bất  thường ở não;
  • Chụp CT: hỗ trợ trong việc thăm dò vị trí, đo đạc kích thước và mức độ lan rộng của khối u, đánh giá được tình trạng phù não và tăng áp lực nội sọ ở bệnh nhân;

Chụp CT

  • Chụp MRI: khẳng định vị trí chính xác của khối u, đồng thời so sánh khối u với các tổ chức xung quanh;
  • Chụp PET - CT: kiểm tra và đánh giá chuyên sâu hơn về tình trạng bệnh;
  • Chụp động mạch não: có thể nhận ra dấu hiệu xâm chiếm của khối u não, dẫn đến hình ảnh tăng sinh và xô đẩy các mạch máu não.

Phân biệt mức độ tiến triển của ung thư não sẽ dựa trên 4 cấp độ như sau:

  • Ung thư não độ 1: khối u não phát triển chậm, chưa có dấu hiệu lan rộng và có thể cắt bỏ bằng biện pháp phẫu thuật;
  • Ung thư não độ 2: tỷ lệ tiến triển và di căn của khối u thấp, tuy nhiên có khả năng cao sẽ tái phát sau điều trị;
  • Ung thư não độ 3: các tế bào phân chia với tốc độ nhanh chóng khiến khối u phát triển rất nhanh;
  • Ung thư não độ 4: khối u có kích thước lớn, có biểu hiện xâm lấn, đè nén các  mạch máu, mô xung quanh và tiến triển lan rộng.

Các biện pháp điều trị Ung thư não

Có 3 phương thức điều trị chủ yếu đối với người bị ung thư não: phẫu thuật, hoá chất và xạ trị:

  • Phẫu thuật: mục đích nhằm loại bỏ khối u nhưng không làm tổn thương tới tổ chức xung quanh. Không phải lúc nào cũng loại bỏ được triệt để toàn bộ khối u mà còn phụ thuộc vào vị trí, mức độ “cắm rễ" nông hay sâu, giới hạn của khối u và trình độ phẫu thuật, trang thiết bị,... Đối với các khối u khu trú ở gần mạch máu lớn, nằm sâu trong hành não, thân não thì rất khó để loại bỏ do những vị trí nằm gần trung tâm tim mạch, hô hấp  và rất khó cầm máu;
  • Xạ trị: thường được chỉ định dùng bổ trợ sau phẫu thuật để triệt tiêu nốt các tế bào ung thư còn sót, hoặc dùng để đối phó với các u ác tính nằm ở sâu mà không thể áp dụng phẫu thuật;

Xạ trị

  • Hoá trị: cũng là phương pháp hỗ trợ dùng sau xạ trị và phẫu thuật. Biện pháp này không xâm lấn, sử dụng hoá chất để kìm hãm sự phát triển của các u lớn, Astrocytoma độ III và độ IV, các Glioblastoma.
  • Điều trị đích: có thể bổ sung những thuốc có tác động tới yếu tố tăng sinh mạch, tác dụng vào protein và gen như Laorotrectinib và Bevacizumab,...

Tài liệu tham khảo:

  • Ung thư não | Vinmec
  • Tìm hiểu về bệnh ung thư não | BVĐK tỉnh Phú Thọ
  • Tổng quan về ung thư não | kingfucoidan
  • Ung thư não | Hellobacsi

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.