Từ điển bệnh lý

U ác của tinh hoàn : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan U ác của tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn là căn bệnh ung thư hiếm gặp ở nam giới, tỷ lệ mắc bệnh chỉ chiếm khoảng 1% tổng số các căn bệnh ung thư ở nam. Ung thư tinh hoàn được biết đến là một trong những căn bệnh ung thư có tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao (trên 90%) trong điều kiện bệnh được phát hiện kịp thời và lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp.

Ung thư tinh hoàn là căn bệnh ung thư hiếm gặp ở nam giới

Ung thư tinh hoàn là căn bệnh ung thư hiếm gặp ở nam giới

Khối u ác của tinh hoàn hình thành bên trong bìu (túi da bên dưới dương vật) sau đó các tế bào ung thư sẽ xâm lấn tới các tổ chức lân cận trong hệ sinh dục, đặc biệt gây khó chịu cho người bệnh và giảm khả năng sinh sản. Trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể dẫn tới tử vong nếu ung thư đã chuyển biến sang giai đoạn cuối kết hợp với các bệnh lý nền nghiêm trọng khác. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm các triệu chứng bất thường của bệnh và tìm tới các cơ sở y tế uy tín để khám chữa bệnh chính là bước đầu quan trọng trong quá trình điều trị ung thư tinh hoàn


Nguyên nhân U ác của tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn cũng giống như các loại ung thư khác, chịu sự tác động của các tác nhân gây ung thư trong thời gian dài nên rất khó để biết rõ nguyên nhân thực sự gây ra ung thư tinh hoàn ở một người. Sự hình thành các khối u ác tính thực chất là tình trạng các tế bào khỏe mạnh bị đột biến trở thành các tế bào ung thư và tích tụ lại một khu vực. Khối u ác của tinh hoàn thường xuất hiện từ các tế bào mầm sau (tế bào tạo ra tinh trùng) hoặc các phần mô xung quanh tế bào mầm.

Các bác sĩ đã chỉ ra được 2 loại ung thư tinh hoàn phổ biến là: Khối u tế bào mầm (loại ung thư tinh hoàn phổ biến nhất, chiếm hơn 90% ca bệnh ung thư tinh hoàn) và khối u mô đệm (trường hợp ít phổ biến hơn nhưng khả năng điều trị khỏi bệnh cao hơn).


Triệu chứng U ác của tinh hoàn

Dấu hiệu điển hình nhất mà bệnh nhân có thể phát hiện ung thư tinh hoàn chính là hiện tượng bìu sưng to hơn bình thường hoặc phát hiện có khối u trong bìu có thể sờ thấy. Khối u mới hình thành có thể gây đau nhức hoặc không có biểu hiện đặc biệt gì khiến cho người bệnh chủ quan và xem nhẹ. Một số triệu chứng tiêu biểu khác của bệnh ung thư tinh hoàn là:

  • Đau hoặc cảm thấy khó chịu một bên tinh hoàn: Hầu như ung thư tinh hoàn chỉ phát triển ở một bên tinh hoàn vì vậy những triệu chứng ban đầu sẽ chỉ cảm nhận đau nhức ở một bên bìu.

Đau hoặc cảm thấy khó chịu một bên tinh hoàn

Đau hoặc cảm thấy khó chịu một bên tinh hoàn

  • Đau vùng bẹn, bụng dưới: Các cơn đau thường âm ỉ kéo dài không rõ nguyên nhân cụ thể. Một số trường hợp bệnh nhân có triệu chứng đau lưng.
  • Bọc bìu có cảm giác nặng nề hơn bởi có tích tụ dịch.
  • Xuất hiện hạch ở vùng bẹn

Một số triệu chứng bệnh khác có thể đi kèm tùy thuộc vào mức độ phát triển của khối u trong tinh hoàn và các bệnh lý nền hiện có của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần tìm tới các cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng sưng tấy tinh hoàn hoặc sờ thấy cục u nghi ngờ là khối u ác của tinh hoàn. Bệnh nhân được chẩn đoán sớm hoàn toàn có thể chữa trị khỏi bệnh, tiên lượng sống sau 5 năm kể từ khi điều trị có thể chiếm tới 95%. 

Tóm tắt các triệu chứng thường gặp của bệnh nhân ung thư tinh hoàn:

  • Bìu sưng to hoặc sờ thấy có khối u ở tinh hoàn
  • Đau, khó chịu tại một bên tinh hoàn
  • Đau bụng dưới, bẹn hoặc lưng
  • Có dấu hiệu dịch tích tụ ở bìu
  • Nổi hạch ở vùng bẹn,...

Các biến chứng U ác của tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn bao gồm 4 giai đoạn phát triển chính như sau:

- Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn mới hình thành của khối u nên có kích thước rất nhỏ, có thể chỉ xuất hiện trong ống sinh tinh và chưa có bất kỳ dấu hiệu lây lan tới cơ quan hay tổ chức nào. Người bệnh hầu như không thể phát hiện triệu chứng bệnh từ giai đoạn này tuy nhiên thực hiện tầm soát ung thư có thể phát hiện ra bệnh.

- Giai đoạn I: Khối u đã phát triển vượt ra khỏi ống sinh tinh và tiếp cận tới các cấu trúc xung quanh tinh hoàn. Các nhóm hạch bạch huyết và các cơ quan xa chưa bị ảnh hưởng. Cơ thể người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng bất thường nhưng không rầm rộ.

Giai đoạn II: Ở giai đoạn này, người bệnh hoàn toàn có thể phát hiện được ung thư tinh hoàn bởi những triệu chứng bệnh quá rõ ràng như sưng bọc bìu, đau nhức, nổi hạch,... Giai đoạn II được chia thành 3 giai đoạn nhỏ như sau:

  • Giai đoạn IIA: Khối u đã vượt ra khỏi tinh hoàn và bắt đầu xâm lấn các nhóm hạch bạch huyết lân cận (Không quá 5 hạch). Kích thước khối u phát triển chưa lớn, chỉ dưới 2cm và chưa có dấu hiệu di căn ung thư tới các cơ quan xa.
  • Giai đoạn IIB: Kích thước khối đã phát triển lớn hơn (khoảng từ 2-5cm) và có khả năng xâm chiếm nhiều hơn 5 hạch bạch huyết vùng lân cận. Chưa có dấu hiệu di căn ung thư tới các cơ quan xa.
  • Giai đoạn IIC: Khối u tiếp tục phát triển lớn hơn có thể đạt kích thước lớn hơn 5cm và các tế bào ung thư đã lan rộng tới nhiều nhóm hạch bạch huyết. Chưa có dấu hiệu di căn ung thư vùng xa.

Giai đoạn III: Bệnh nhân ung thư tinh hoàn thường sẽ được xử lý bệnh trước khi chuyển biến đến giai đoạn cuối. Tuy nhiên, một số trường hợp hy hữu bệnh nhân không có cơ hội điều trị bệnh dẫn tới tình trạng di căn ung thư xâm lấn nhiều cơ quan trong cơ thể, có nguy cơ tử vong.

  • Giai đoạn IIIA: Ung thư có thể xâm lấn một nút hạch bạch huyết ở phổi.
  • Giai đoạn IIIB: Nhiều nhóm hạch bạch huyết bên ngoài phổi đều bị tế bào ung thư xâm chiếm.
  • Giai đoạn IIIC: Các nhóm hạch bạch huyết trên toàn bộ cơ thể hoặc các cơ quan trong cơ thể đều có thể bị di căn ung thư, đặc biệt là phổi

Đối tượng nguy cơ U ác của tinh hoàn

Những người có các yếu tố sau đây được xem là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư tinh hoàn cao hơn bình thường:

  • Tinh hoàn lạc chỗ (cryptorchidism): Đây là một căn bệnh bẩm sinh khi tinh hoàn không nằm đúng vị trí (trong bọc bìu) mà bị tắc trên ổ bụng. Thực chất, trong quá trình thai nhi nằm trong ổ bụng người mẹ thì tinh hoàn sẽ nằm trong ổ bụng, trước lúc người mẹ chuyển dạ tinh hoàn mới di chuyển dần qua ống bẹn để xuống bọc bìu. Theo nghiên cứu, nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn nhiều so với nhiệt độ trong bọc bìu, vì vậy tinh hoàn nằm trong ổ bụng có nguy cơ bị thoái hóa sớm, giảm khả năng sinh sản của người bệnh. Đây cũng chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển không bình thường của các tế bào trong tinh hoàn dẫn tới nguy cơ hình thành ung thư.

Tinh hoàn lạc chỗ (cryptorchidism): Đây là một căn bệnh bẩm sinh khi tinh hoàn không nằm đúng vị trí (trong bọc bìu)

Tinh hoàn lạc chỗ (cryptorchidism): Đây là một căn bệnh bẩm sinh khi tinh hoàn không nằm đúng vị trí (trong bọc bìu)

  • Người bệnh có tinh hoàn phát triển không bình thường có nguy cơ mắc bệnh ung thư tinh hoàn cao hơn. Một trong những nguyên nhân khiến tinh hoàn phát triển không bình thường chính là do hội chứng Klinefelter (một căn bệnh di truyền gây vô sinh).
  • Tuổi tác: Bệnh ung thư tinh hoàn có thể xuất hiện ở nam giới với bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên những trường hợp mắc bệnh thường gặp lại là những thanh thiếu niên trẻ tuổi (Khoảng từ 15-35 tuổi).
  • Yếu tố di truyền: Nếu người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư tinh hoàn thì bạn cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Trong một vài nghiên cứu sắc tộc cũng cho thấy tỷ lệ người da trắng mắc bệnh ung thư tinh hoàn cao hơn người da đen.
  • Một số yếu tố ảnh hưởng khác: Tiền sử bị tràn dịch màng tinh hoàn, tiền sử bị quai bị, thoát vị bẹn,...

Các biện pháp chẩn đoán U ác của tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn đôi lúc vô tình được phát hiện trong quá trình khám sức khỏe thông thường cho bệnh nhân nam có phát hiện khối u ở tinh hoàn. Một số trường hợp người bệnh phát hiện cơ thể có sự thay đổi bất thường, vùng bìu có triệu chứng sưng to nên đã tìm tới các cơ sở y tế để khám bệnh nam khoa. Ngay sau đó các bác sĩ sẽ khám trực tiếp vùng cơ quan sinh dục và tìm hiểu các triệu chứng bất thường mà bệnh gây ra, nếu có nghi ngờ có khối u trong tinh hoàn thì sẽ tiến hành các xét nghiệm khẳng định như sau:

  • Siêu âm tinh hoàn nhằm kiểm tra tính chất khối u: Siêu âm tinh hoàn được thực hiện bằng cách sử dụng sóng âm thanh nhằm tạo ra hình ảnh của tinh hoàn và phần bìu bao bọc xung quanh. Các bác sĩ sẽ sử dụng một loại gel đặc biệt thoa vào phần bìu trước khi thực hiện siêu âm để có được kết quả hình ảnh rõ nét hơn. Hình ảnh thông qua siêu âm sẽ cho thấy mật độ khối u thuộc dạng lỏng hay rắn, kích thước khối u, vị trí khối u ở bên trong hay ngoài tinh hoàn,...
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng - tiểu khung để xác định có tinh hoàn ẩn hay không, kiểm tra các nhóm hạch bạch huyết di căn trong ổ bụng.
  • Xét nghiệm máu: Trong máu thường có sẵn các chất chỉ điểm ung thư, do vậy việc thực hiện xét nghiệm máu có thể tìm thấy nguy cơ ung thư tinh hoàn. Mặc dù phương pháp xét nghiệm máu không thể khẳng định 100% khả năng bị ung thư nhưng nó có thể giúp các bác sĩ định hướng cho quá trình chẩn đoán.
  • Thực hiện sinh thiết kiểm tra khối u trong tinh hoàn ở thể ác tính hay lành tính.
  • Chụp X-quang ngực nhằm kiểm tra di căn ung thư tới phổi hoặc xạ hình xương nếu có nghi ngờ tổn thương xương.

Chụp X-quang ngực nhằm kiểm tra di căn ung thư tới phổi

Chụp X-quang ngực nhằm kiểm tra di căn ung thư tới phổi


Các biện pháp điều trị U ác của tinh hoàn

Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của khối u, tình trạng sức khỏe thực tế của bệnh nhân và những yêu cầu đặc biệt từ người bệnh (người thân) mà các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện điều trị với các phương pháp khác nhau. Thông thường thì các bệnh nhân ung thư ở giai đoạn có thể thực hiện phẫu thuật thì sẽ được ưu tiên thực hiện phương pháp này hoặc kết hợp phẫu thuật với một số phương pháp bổ trợ khác nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Phẫu thuật

Phương pháp này được chỉ định thực hiện trong trường hợp:

  • Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn: Ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của ung thư tinh hoàn thì phương pháp phẫu thuật luôn được chỉ định thực hiện cắt bỏ tinh hoàn trước nhằm loại bỏ từ gốc các tế bào ung thư. Bác sĩ sẽ thực hiện rạch một vết mổ ở háng để lấy được toàn bộ tinh hoàn sau đó sẽ thay thế bằng một tinh hoàn giả chứa nước muối. Trường hợp khối u mới xuất hiện ở giai đoạn đầu và chưa có biểu hiện di căn hạch thì bác sĩ sẽ không cần thực hiện thêm phương pháp điều trị khác nào nữa.

Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn

Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn

  • Phẫu thuật loại bỏ nhóm hạch bạch huyết lân cận: Khi khối u tinh hoàn đã chuyển qua giai đoạn tiến triển và có dấu hiệu di căn hạch thì cần phải xử lý sớm nhất có thể. Một vết mổ ở bụng sẽ được thực hiện nhằm tìm kiếm và loại bỏ các nhóm hạch bạch huyết bị ung thư xâm lấn. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cố gắng tránh gây thương tổn tới các nhóm dây thần kinh và mạch máu bao quanh hạch bạch huyết, mục đích làm giảm nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng cương cứng dương vật người bệnh sau điều trị.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia tử ngoại nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Biện pháp trong một số trường hợp có thể thực hiện đơn độc để điều trị ung thư, tuy nhiên hầu hết bác sĩ đều lựa chọn xạ trị kết hợp với hóa trị hoặc bổ trợ cho phẫu thuật nhằm mang lại kết quả điều trị cao nhất. Xạ trị được chỉ định thực hiện sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn và các nhóm hạch bạch huyết nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. Xạ trị cũng được thực hiện như một phương pháp điều trị tái phát ung thư.

Tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình xạ trị: Buồn nôn, cơ thể mệt mỏi, da mẩn đỏ, háng và bụng bị kích ứng,... đặc biệt có nguy cơ làm giảm lượng tinh trùng vì vậy bác sĩ cần cân nhắc kỹ trước khi tiến hành thực hiện phương pháp này.

Hóa trị

Trường hợp bệnh nhân ung thư tinh hoàn giai đoạn cuối đã có di căn ung thư tới nhiều vùng cơ quan trên cơ thể sẽ được chỉ định sử dụng hóa chất để xử lý các tế bào ung thư (hóa trị). Hóa trị có thể được chỉ định thực hiện đơn độc hoặc bổ trợ quá trình phẫu thuật (hóa trị trước hoặc sau phẫu thuật).

Tác dụng phụ có thể xuất hiện khi hóa trị: Cơ thể người bệnh mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, nguy cơ nhiễm trùng cao,... một số trường hợp hóa trị có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nguy cơ vô sinh vì vậy người bệnh cần được tư vấn bảo quản tinh trùng trước khi tiến hành điều trị.

Bệnh nhân ung thư tinh hoàn cần được chăm sóc kỹ lưỡng và tuân thủ chỉ định kiêng cữ từ bác sĩ để mau chóng hồi phục sức khỏe. Đồng thời, việc tái khám bệnh định kỳ cũng cần được chú ý nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện nguy cơ tái phát ung thư. 


Tài liệu tham khảo:

  • Ung thư tinh hoàn: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị |  Cẩm nang ung thư
  • Ung thư tinh hoàn | Điều trị
  • Ung thư tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị | Hệ thống Vinmec

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.