Từ điển bệnh lý

Tiền mãn kinh - mãn kinh : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Tiền mãn kinh - mãn kinh

Khi nồng độ hormon nội tiết Estrogen suy giảm thì bắt đầu xảy ra hiện tượng tiền mãn kinh - mãn kinh. Bất kỳ người phụ nữ nào cũng trải qua hiện tượng sinh lý bình thường đó. Theo nghiên cứu cho thấy, mãn kinh có độ tuổi trung bình từ 48 - 52 tuổi. Mãn kinh sẽ xảy ra sớm nếu như phụ nữ mãn kinh trước 40 tuổi và được gọi là muộn khi mãn kinh sau 55 tuổi.

Tiền mãn kinh (tên tiếng anh: Perimenopause) là khi chức năng của buồng trứng bắt đầu suy giảm và có kèm theo các dấu hiệu đầu tiên của tiền mãn kinh. 

Mãn kinh (tên tiếng anh: Menopause) là hiện tượng bình thường ở phụ nữ, xảy ra khi ngừng vĩnh viễn kinh nguyệt. Biểu hiện: mất kinh từ trên 12 tháng tính từ ngày đầu tiên thấy kinh của kỳ kinh cuối cùng. Tuổi mãn kinh trung bình là 51 tuổi. 

Tiền mãn kinh - mãn kinh

Tiền mãn kinh - mãn kinh


Nguyên nhân Tiền mãn kinh - mãn kinh

Tiền mãn kinh

Do sự suy giảm hệ trục trong cơ thể người phụ nữ có ảnh hưởng từ não tới tuyến yên và buồng trứng, suy giảm này làm thay đổi tới các hormon nội tiết tố, đặc biệt là Estrogen, Progesterone, Testosterone là nguyên nhân chính gây nên tiền mãn kinh ở phụ nữ.

Thay đổi các hormon nội tiết tố là nguyên nhân chính gây nên tiền mãn kinh ở phụ nữ

Ngoài ra, một số yếu tố sau làm tăng nguy cơ tiền mãn kinh như:

- Gia đình có mẹ hoặc chị gái  bị mãn kinh sớm.

- Phụ nữ có tiền sử đã cắt bỏ tử cung, một phần buồng trứng hoặc toàn bộ buồng trứng.

- Đối với những người phụ nữ có tiền sử có điều trị ung thư có sử dụng hóa trị và xạ trị trong quá trình điều trị.

- Mắc các bệnh lý  như rối loạn chuyển hóa (mỡ máu, tiểu đường…), rối loạn hệ miễn dịch,… 

- Tiền sử nghiện rượu, thuốc lá, chất kích thích,...


Triệu chứng Tiền mãn kinh - mãn kinh

Tiền mãn kinh

- Rối loạn kinh nguyệt như: rong kinh, rong huyết, chu kỳ kinh ngắn lại, kinh thưa, kinh ít,…

- Biểu hiện của hội chứng tiền kinh như: tăng cân, vã mồ hôi trộm, bốc hỏa, đau đầu, chướng bụng, khó chịu bụng dưới, đau vú, tính tình thay đổi như : lo âu, căng thẳng bất an.

- Khí hư có biểu hiện trong và lỏng suốt chu kỳ.

- Việc chẩn đoán tiền mãn kinh chủ yếu dựa vào các triệu chứng của người phụ nữ, việc xét nghiệm nội tiết hormon không có ý nghĩa trong giai đoạn này, vì vốn ở độ tuổi này kinh nguyệt của người phụ nữ cũng đã  rối loạn.

Mãn kinh

Những dấu hiệu thường gặp trong thời kỳ mãn kinh bao gồm:

- Rối loạn vận mạch: biểu hiện thường gặp đó là những cơn bốc hỏa được xảy ra đột ngột, cơ thể tự nhiên cảm thấy nóng bừng vùng đầu mặt kéo dài từ vài phút, đi kèm với toát mồ hôi, thỉnh thoảng đánh trống ngực và rối loạn giấc ngủ như; ngủ không sâu giấc hay tỉnh giấc, hoặc mất ngủ cả đêm; Các cơn bốc hỏa thường xảy ra vào ban đêm hoặc khi có stress, căng thẳng. Theo nghiên cứu có khoảng 50 - 85% phụ nữ tiền mãn kinh - mãn kinh có biểu hiện của rối loạn vận mạch.

- Rối loạn tâm thần: hay hồi hộp, lo âu ,lúc vui lúc lại cáu gắt vô cơ, khó tập trung trong mọi việc,…

Rối loạn tâm thần: hay hồi hộp, lo âu ,lúc vui lúc lại cáu gắt vô cơ, khó tập trung trong mọi việc

Rối loạn tâm thần: hay hồi hộp, lo âu ,lúc vui lúc lại cáu gắt vô cơ, khó tập trung trong mọi việc

- Da không còn sự căng bóng, mịn màng; nám da, sạm da, cơ bắp không còn cứng chắc, ngực bị teo nhỏ, nhiều mỡ đặc biệt là vùng bụng, đùi, eo và nội tạng, rụng nhiều tóc ,móng tay, móng chân khô giòn dễ gãy.

- Dễ bị viêm nhiễm đường sinh dục, giảm ham muốn tình dục, đau khi quan hệ tình dục.

- Tiểu tiện dễ bị rối loạn: són tiểu, tiểu rắt, tiểu gấp.

- Dễ bị loãng xương nên dễ gây ra đau mỏi xương khớp, chấn thương xương, gãy xương.

- Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, huyết khối tĩnh mạch, bệnh viêm khớp,…


Phòng ngừa Tiền mãn kinh - mãn kinh

Dự phòng tiền mãn kinh và mãn kinh: Dẫu biết rằng tiền mãn kinh và mãn kinh là một quá trình sinh lý diễn ra tự nhiên và người phụ nữ nào cũng phải trải qua trong vòng đời sinh dục của mình. Tuy nhiên, để tránh cho quá trình này đến sớm bất thường, người phụ nữ cũng cần phải có những biện pháp dự phòng cho mình như:

- Nên có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, thư giãn khoa học, phù hợp để có tinh thần thư thái, bình ổn.

- Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là những ngày đầu tiên của giai đoạn tiền mãn kinh.

- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả, đặc biệt là các thực phẩm giàu estrogen tự nhiên như các thực phẩm từ đậu nành hoặc cỏ linh lăng.

 Ăn nhiều rau xanh và hoa quả, đặc biệt là các thực phẩm giàu estrogen tự nhiên

Ăn nhiều rau xanh và hoa quả, đặc biệt là các thực phẩm giàu estrogen tự nhiên

- Sử dụng chế phẩm Axit béo có trong các loại quả, hạt, dầu cá,.... Những hoạt chất ở axit béo này thực tế đặc biệt tốt cho làn da, đồng thời chúng còn giúp tránh được tình trạng khô ở các khớp, khô âm đạo, giảm mắc chứng nhiễm trùng đường tiểu, hỗ trợ tăng thêm sự hưng phấn về mặt tinh thần, tăng năng lượng tích cực cho cơ thể.

- Duy trì đều đặn chế độ rèn luyện sức khỏe để giúp hệ xương cơ dẻo dai và giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể.

- Khám sức khỏe tổng quát cũng như khám phụ khoa định kỳ một năm hai lần để có thể phát hiện và xử trí sớm các bệnh lý tim mạch, huyết áp, rối loạn chuyển hóa, cũng như các bệnh lý phụ khoa và ung thư.


Các biện pháp chẩn đoán Tiền mãn kinh - mãn kinh

Mãn kinh

- Xét nghiệm nội tiết tố nữ: định lượng hormon FSH, LH, Estradiol, Progesteron. Trong mãn kinh thì FSH, LH tăng rất cao, còn Estradiol và Progesteron lại giảm rất thấp.

Xét nghiệm nội tiết tố nữ

Xét nghiệm nội tiết tố nữ

- Các xét nghiệm đánh giá rối loạn chuyển hóa như: chức năng gan thận, mỡ máu, tiểu đường, chức năng tuyến giáp.

- Siêu âm tim, điện tim, X-quang tim phổi, siêu âm tử cung - phần phụ,…

- Đo loãng xương.

- Sàng lọc ung thư vú: siêu âm vú, chụp mamographi (hay x- quang tuyến vú)

- Tầm soát ung thư sớm  cổ tử cung: PAP - Smear.


Các biện pháp điều trị Tiền mãn kinh - mãn kinh

Tiền mãn kinh

- Sử dụng thuốc tránh nếu người phụ nữ có nhu cầu tránh thai: Thuốc tránh thai thế hệ mới có chứa 20 mcg estradiol esters và 1 mcg Desogestrel thích hợp cho những phụ nữ có triệu chứng lâm sàng nặng. Cũng có thể cân nhắc sử dụng thuốc tránh thai cho đến khi mãn kinh ở những phụ nữ không có nguy cơ tim mạch, tuy nhiên chỉ sử dụng tối đa là đến 50 tuổi phải thay thế bằng thuốc nội tiết khác.

- Progestins được sử dụng cho những người không có nhu cầu tránh thai: dùng 10 ngày mỗi tháng để ra kinh.

Progestins được sử dụng cho những người không có nhu cầu tránh thai

Progestins được sử dụng cho những người không có nhu cầu tránh thai

- Những biện pháp hỗ trợ tránh thai cho chị em phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh do sự suy giảm của các hormon nội tiết estrogen, progesteron và làm tăng FSH, LH nên làm giảm khả năng sinh sản, từ đó có thể thấy được khả năng có thai cũng giảm theo. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có số ít những phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh có thai ngoài ý muốn. Do đó, trong tư vấn phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh, các bác sĩ cũng tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả . Các biện pháp tránh thai có thể áp dụng trong giai đoạn này như:

+ Thuốc tránh thai kết hợp: nên sử dụng các loại thuốc tránh thai kết hợp thế hệ mới, có chứa estrogen tổng hợp là estradiol esters (thay thế cho ethinyl estradiol ở thuốc tránh thai kết hợp truyền thống). Khi sử dụng các loại thuốc tránh thai kết hợp mới này sẽ hỗ trợ làm giảm được triệu chứng điển hình ở phụ nữ tiền mãn kinh như bốc hỏa, tính tình có thay đổi nóng nảy hơn, vã mồ hôi,... Đồng thời chúng còn có tác dụng giúp điều hòa chu kỳ tốt hơn. Ngoài ra, sử dụng thuốc tránh thai kết hợp còn hỗ trợ làm giảm lượng máu kinh ở bệnh nhân cường kinh, giúp hỗ trợ bảo vệ xương, giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch. Đồng thời trong một số nghiên cứu cho thấy còn có sự giảm rõ rệt nguy cơ đối với ung thư ở buồng trứng và ở nội mạc tử cung.

+ Thuốc tránh thai một thành phần, trong đó chỉ chứa progestin, giúp giảm hiện tượng đau bụng kinh, cường kinh. Ngoài ra, sản phẩm thuốc tránh thai một thành phần sẽ không có tác dụng phụ như một số loại thuốc khác, đó là không làm tăng huyết áp, tác động rất ít đến rối loạn mỡ máu và đường huyết, không làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

+ Vòng tránh thai có chứa nội tiết: Hiện tại ở nước ta, loại vòng Mirena có là một trong những loại vòng tránh thai có chứa nội tiết đang được sử dụng phổ biến, vòng có chứa 52 mg levonorgestrel với thời gian  tránh thai khi đặt vào trong tử cung theo khuyến cáo là 5 năm. Loại vòng này có nhiều tác dụng đối với cơ thể, không gây nên bất cứ  nguy cơ nào đối với các bệnh toàn thân, cũng như bệnh huyết khối tĩnh mạch. Đồng thời chúng còn có một tác dụng tuyệt vời khác đó là không làm tăng cân, có tác dụng bảo vệ niêm mạc tử cung, hỗ trợ làm thuyên giảm các triệu chứng đau tử cung ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung, lượng máu kinh cũng có thể giảm khi sử dụng sản phẩm này. Do đó, đây là lựa chọn phù hợp cho phụ nữ tiền mãn kinh đặc biệt là phụ nữ cường kinh.

+ Dụng cụ tử cung: Một trong những biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả đối với chị em phụ nữ ở độ tuổi trên 40 với thời gian sử dụng được khuyến cáo của dụng cụ này là từ 5 đến 10 năm. Đối với phụ nữ tiền mãn kinh có mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh lý về tim mạch và bệnh lý huyết khối,... thì dụng cụ tử cung được các chuyên gia y tế đánh giá khá an toàn

Và thời điểm nào nên dừng những biện pháp tránh thai cũng sẽ là vấn đề chị em phụ nữ đặc biệt quan tâm. Theo khuyến cáo của WHO năm 1996, phụ nữ ở tuổi 55 gần như không còn khả năng mang thai nên có thể dừng sử dụng các biện pháp tránh thai.

Mãn kinh

- Thực hiện lối sống khoa học và lành mạnh: vận động thể dục, yoga, thư giãn, tránh các căng thẳng, stress. Nói không với rượu, bia, thuốc lá.

- Chế độ ăn kiêng khoa học để duy trì sức khỏe và giảm cân. Sử dụng các thực phẩm là đậu nành và các thực phẩm có chứa estrogen thực vật, ăn cá, ít thịt, nhiều rau xanh và hoa quả tươi.

- Uống nhiều nước.

- Bổ sung calci qua chế độ ăn hoặc các chế phẩm có chứa calci theo lời khuyên của bác sĩ.

- Điều trị các rối loạn vận mạch.

- Điều trị tại chỗ trong các trường hợp khô âm đạo, đau khi quan hệ. 

- Cân nhắc khi sử dụng liệu pháp hormon thay thế.

+ Về mặt lợi ích: giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, làm mất các cơn bốc hỏa, giảm teo khô âm đạo, dự phòng gãy cổ xương đùi và cột sống do loãng xương, giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng.

+ Về mặt nguy cơ: làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, các bệnh lý tim mạch, nguy cơ huyết khối,…

Do vậy liệu pháp hormon thay thế chỉ được cân nhắc sử dụng cho các trường hợp mà sự suy giảm estrogen gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, lại chống chỉ định trong các trường hợp có tiền sử tắc tĩnh mạch, ung thư vú, tai biến mạch máu não, bệnh lý tiểu cầu trước đó, các bệnh lý gan cấp tính và mạn tính. chảy máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân, nhạy cảm với các thành phần của thuốc nội tiết,…

Như vậy, thông tin về tiền mãn kinh và mãn kinh đã được nêu lên toàn bộ trong bài viết này, hy vọng rằng những thông tin này sẽ phần nào cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay giải đáp nào bạn có thể trực tiếp tới thăm khám tại chuyên khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hoặc liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 các chuyên viên y tế của chúng tôi sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.