Từ điển bệnh lý

Thiếu máu thiếu sắt : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Thiếu máu thiếu sắt

- Thiếu máu: là tình trạng giảm lượng hemoglobin trong máu của người bệnh so với người cùng giới, cùng lứa tuổi và cùng điều kiện sống, gây ra các biểu hiện thiếu oxy ở các mô và tổ chức của cơ thể.

- Thiếu máu thiếu sắt là khi cơ thể không có đủ lượng sắt để tạo ra hemoglobin vì những nguyên nhân khác nhau.

- Sắt là vi lượng có vai trò quan trọng có mặt ở: trong hemoglobin (Hb), myoglobin và một số enzyme. Sắt tổng hợp Hemoglobin (huyết sắc tố- chất chuyển oxy cho các tế bào trong cơ thể). Ngoài ra sắt còn tham gia vào thành phần 1 số enzyme oxy hóa khử trong các tế bào và có trong myolobin(sắc tố hô hấp của cơ). Vì vậy thiếu hụt sắt trong cơ thể gây ảnh hưởng đến sự tổng hợp hemoglobin, gây thiếu máu do thiếu sắt. đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa của các tế bào do thiếu hụt các enzyme có chứa sắt.

- Nhu cầu sắt của cơ thể: hàng ngày khoảng 6g hemoglobin được tổng hợp trong cơ thể và cần đến khoảng 20mg sắt chưa kể đến một lương nhỏ cần cho các tế bào khác. Đa số (90-95%) lượng sắt trong được tái sử dụng từ nguồn sắt do hồng cầu chết. Các hồng cầu sau khi già và chết bị thực bào bởi các đại thực bào và sắt phân hủy từ các hemoglobin được tích trữ lại trong các đại thực bào. Do đó lượng sắt mất đi 1 ngày chỉ là 1mg qua nước tiểu, mồ hôi, phân. Để bù lại lượng sắt mất cơ thể nhận thêm sắt từ thức ăn, quá trình hấp thu sắt diễn ra chủ yếu ở dạ dày, hành tá tràng và đoạn đầu hỗng tràng. Tuy nhiên lượng sắt được cung cấp hàng ngày trong khẩu ăn không đủ để đáp ứng với nhu cầu của cơ thể khi nhu cầu này tăng lên như: phụ nữ có thai cần sắt để cung cấp cho thai nhi, trẻ 5-12 tháng, thiếu niên tuổi dậy thì cần sắt cho nhu cầu tăng lên của cơ thể.

Dưới đây là bản mô tả nhu cầusắt từ khẩu phần ăn ở 1 số trạng thái sinh lý:

Nhóm người

Bù lượng sắt mất đi hàng ngày

Bù lượng sắt mất đi qua kinh nguyệt

Phụ nữ có thai

Tăng trưởng (trẻ dậy thì)

Tổng nhu cầu

Nam giới

0.5 – 1

 

 

 

1

Phụ nữ có kinh nguyệt

0.5 – 1

1

 

 

1

Phụ nữ có thai

0.5 – 1

 

1

 

Trẻ em ( nói chung)

0

 

 

0

1

Trẻ gái (12- 15 tuổi)

0.5 – 1

0.5 – 1

 

0

1.2 – 2.6


Nguyên nhân Thiếu máu thiếu sắt

Bệnh lí gây thiếu máu thực thể:

a. Không cung cấp đủ nhu cầu sắt: do tăng nhu cầu của sắt (Trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú…),do cung cấp thiếú (Ăn không đủ, ăn kiêng, chế độ ăn không cân đối, chế độ ăn uống của người nghiện rượu, người già…), do cơ thể giảm hấp thu sắt (Viêm dạ dày, viêm ruột; cắt đoạn dạ dày, ruột), do ăn một số thức ăn làm giảm hấp thu sắt như tanin, phytat trong trà, cà phê.

b. Mất sắt do mất máu mạn tính trong các bệnh lý: loét dại dày tá tràng, polyp đường ruột, u xơ tử cung, chảy máu đường tiết niệu, tiêu hóa kéo dài, rong kinh,..

c. Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh: cơ thể không tổng hợp được  transferrin vận chuyển sắt.

Bệnh lí gây thiếu sắt chức năng:

Ngoài các bệnh lý gây thiếu sắt thực thể trên, còn một số nguyên nhân khác dẫn đến thiếu sắt chức năng, gồm: bệnh lý viêm mạn tính ( lao, cốt tủy viêm, bệnh lý nhiễm trùng mạn tính khác), ung thư, bệnh ác tính hệ tạo máu. Cơ chế do trong các bệnh lý này có tăng số lượng đại thực bào và ái tính với sắt cộng thêm tình trạng tăng tiết interleukin dẫn đến tăng sản xuất hepcidin (một chất ức chế hoạt động hấp thu sắt từ tế bào biểu mô ruột vào máu, ức chế khả năng nhả sắt vào tuần hoàn của đại thực bào quan cơ chế ức chế ferroportin) dẫn đến hậu quả thiếu sắt chức năng nghĩa là sắt vẫn tích tụ và thừa tương đối trong các đại thực bào nhưng không được đưua ra để cơ thể dử dụng cho hoạt động tổng hợp hemoglobin.


Triệu chứng Thiếu máu thiếu sắt

Ban đầu chỉ thiếu sắt dự trữ phát hiện qua xét nghiệm máu, chưa có triệu chứng của thiếu máu trên lâm sàng. Tuy nhiên nếu nguyên nhân gây thiếu sắt không được giải quyết và vẫn kéo dài, sẽ gây nên thiếu máu với các biểu hiện chính:

- Da xanh, niêm mạc nhợt. Để đánh giá khách quan triệu chứng này bệnh nhân cần được khám trong điều kiện phòng đủ ánh sáng và khám các vùng da ít sắc tố như: da lòng bàn tay.

- Hoa mắt chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, đau mỏi cơ, xương khớp, chán ăn, rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy), rối loạn kinh nguyệt, rối loạn khả năng tình dục.

Trẻ bị biếng ăn

- Nhip tim nhanh, đánh trống ngực do hệ tim mạch tăng hoạt động để duy trì oxy cho cơ thể.

- Thiếu sắt còn gây tổn thương biểu mô với biểu hiện: viêm lưỡi không gây đau, viêm góc miệng, khó nuốt do viêm hầu họng, thay đổi khẩu vị một cách bất thường...


Các biến chứng Thiếu máu thiếu sắt

Tình trạng thiếu máu nặng dần và không được điều trị có thể gây chậm phát triển thể chất, trí tuệ, suy tim,..


Đối tượng nguy cơ Thiếu máu thiếu sắt

-    Phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ nhỏ hoặc trẻ đẻ non, trẻ đang tuổi lớn (đặc biệt là trẻ gái ở độ tuổi dậy thì).

Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ thiếu sắt cao

-    Người mắc các bệnh mạn tính đường tiêu hóa: trĩ, loét dạ dày, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng,..

-    Người mắc bệnh đường tiết niệu – sinh dục: u xơ tử cung, rong kinh, viêm đường niệu,…

-    Những người làm nông nghiêp hay dùng phân tươi để bón ruộng, công nhân hầm mỏ,..


Phòng ngừa Thiếu máu thiếu sắt

-    Bổ sung sắt cho các đối tượng nguy cơ thiếu máu cao như phụ nữ có thai: bổ sung trong suốt thời gian mang thai và trong thời gian cho con bú.

-    Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,... Tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt.

Bổ sung nhiều thực phẩm giàu sắt

-  Không nên uống trà , cà phê ngay sau ăn.

-  Nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời.

-  Phòng và chống các bệnh nhiễm ký sinh trùng, nhiễm trùng.


Các biện pháp chẩn đoán Thiếu máu thiếu sắt

a. Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:

Lâm sàng: 

-  Da xanh xao, niêm mạc nhợt, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, nhịp tim nhanh, hồi hộp trống ngực.

Chóng mặt đau đầu là các biểu hiện thường gặp ở người bị thiếu máu

-  Tiền sử có các bệnh lý mạn tính nguy gây nguy cơ thiếu máu kể trên.
Xét nghiệm:

-  Tổng phân tích tế bào máu có thiếu máu hồng cầu nhỏ, nhược sắc.

Tiêu chuẩn chẩn đoán thiếu máu:

Phụ nữ trưởng thành: Hemoglobin (Hb) <12 g/dL

Nam giới trưởng thành: Hemoglobin (Hb) < 13g/dL

Phụ nữ mang thai: Hemoglobin (Hb) < 11 g/dL

Trẻ em từ 12-15T: Hemoglobin (Hb) < 12g/dL

Trẻ em từ 5T- 12 tuổi: Hemoglobin (Hb) < 11,5 g/dL

Trẻ em từ 6 tháng- 5 tuổi: Hemoglobin (Hb) < 11 g/dL

Tiêu chuẩn chẩn đoán hồng cầu nhỏ:

Người lớn: MCV<   85 fl

Trẻ em MCV < 78 fL

- Xét nghiệm sinh hóa máu: Ferritin < 30ng/mL và hoặ độ bão hòa transferrin < 30%.
b. Chẩn đoán phân biệt

- Thalassemia: Cần phân biệt giữa thiếu máu thiếu sắt với bệnh lý Thalassemia. Trong thalassemia cũng có tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ, tuy nhiên khác với thiếu máu thiếu sắt là tình trạng giảm sắt trong cơ thể thì ở bệnh nhân thalassemia là sự quá tải sắt. Xét nghiệm điện di huyết sắc tố thì bất thường thành phần hoặc tỷ lệ huyết sắc tố, xét nghiệm sinh học phân tử  phát hiện các đột biến giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán thể bệnh.

- Thiếu máu trong các bệnh viêm nhiễm mạn tính như lao hoặc bệnh ác tính thì biểu hiện thiếu máu cũng có thể là thiếu máu hồng cầu nhỏ, nồng độ sắt huyết thanh giảm giống như thiếu máu thiếu sắt, nhưng ferritin huyết thanh lại bình thường hoặc tăng. Cơ chế bệnh đang được nghiên cứu, có giả thuyết cho rằng chất hepcidin do gan tiết ra để phản ứng với tình trạng viêm ức chế đại thực bào nhả sắt vào tuần hoàn, ức chế quá trình hấp thu sắt. 

- Ngộ độc chì: Thiếu máu trong ngộ độc chì thường biểu hiện thiếu máu hồng cầu nhỏ, nhược sắc hoặc là tình trạng thiếu máu tan máu. Khi nhuộm Romanowsky thấy nhiều chấm ưa base trên tế bào hồng cầu.

- Thiếu máu nguyên hồng cầu sắt vòng
Đặc điểm của thiếu máu dai dẳng hồng cầu sắt vòng là thiếu máu hồng cầu nhỏ và tăng sắt trong tủy xương dưới dạng các nguyên hồng cầu sắt vòng.


Các biện pháp điều trị Thiếu máu thiếu sắt

a. Nguyên tắc điều trị

- Hạn chế truyền máu, chỉ truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng với biểu hiện lâm sàng của thiếu máu lên hệ thần kinh trung ương, thiếu máu gây mất bù về tim mạch hoặc trường hợp mất máu cấp số lượng lớn.

- Bổ sung các dạng chế phẩm sắt bằng truyền tĩnh mạch hoặc dung dịch uống, viên nén, nên sử dụng thuốc bổ sung sắt đường uống . Chỉ định sử dụng sắt đường truyền tĩnh mạch trong các trường hợp sau:

+ Thiếu máu nặng

+ Cơ thể không hấp thu được sắt khi dùng dạng uống: Cắt đoạn ruột, dạ dày, bệnh lý bẩm sinh;

+ Thiếu máu trong khi bệnh mạn tính hoặc viêm nhiễm đang tiến triển.

- Giai đoạn sớm khi mới thiếu sắt chưa thiếu máu: Bổ sung sắt qua thức ăn và uống các chế phẩm chứa sắt.

- Thời gian bổ sung sắt : Kéo dài, nên tiếp tục bổ sung sắt thêm 3 tháng sau khi lượng huyết sắc tố trở đã về bình thường.

- Tìm nguyên nhân gây thiếu sắt là quan trọng nhất để điều trị đồng thời với điều trị thiếu máu  và tránh tái diễn tình trạng thiếu máu trong tương lai.

b. Các chế phẩm thuốc bổ sung sắt

Bổ sung sắt bằng các chế phẩm thuốc bổ sung sắt

- Dạng uống:

+ Ferrous sulfate; ferrous gluconate; ferrous fumarate;

+ Liều lượng: 2mg sắt/kg/ngày;

+ Thời gian dùng thuốc: 6 tháng đến 12 tháng.

Nên bổ sung thêm vitamin C hoặc uống thêm nước cam, chanh để tăng khả năng hấp thu sắt.

Lưu ý : 

+ Thuốc hấp thu tốt nhất khi uống vào lúc đói , tuy nhiên nếu bị kích ứng dạ dày thì có thể uống trong lúc ăn. 

+ Khi sử dụng chế phẩm chứa sắt thường có các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: nôn hoặc buồn nôn, táo bón,đau bụng.

Các tác dụng phụ này có thể được khắc phục bằng cách uống thuốc khi ăn hoặc dùng các chế phẩm chứa hàm lượng sắt ít hơn như gluconat sắt.

+  Khi dùng sắt phân thường  có màu đen(không phải do xuất huyết tiêu hóa).

-     Dạng truyền tĩnh mạch:

+ Iron sucrose; Iron dextran;

+ Cách tình liều lượng thuốc bổ sung sắt dạng tiêm:

Tổng liều (mg) = P (kg) x (Hb đích (g/L) - Hb thực (g/L)) x 0,24 + 500 mg

 P: trọng lượng cơ thể (kg);

Hb: nồng độ huyết sắc tố (g/L).

c. Điều trị nguyên nhân

Phải chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt một cách triệt để, tránh gây thiếu sắt tái phát.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.