Từ điển bệnh lý

Táo bón : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 03-06-2021

Tổng quan Táo bón

Táo bón được định nghĩa là số lần đại tiện dưới 3 lần trong 1 tuần. Đây là triệu chứng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể có căn nguyên như (một số thuốc gây táo bón, các bệnh lý toàn thân, …) hoặc không có căn nguyên.

Táo bón là bệnh gây khó chịu và phiền toái (ảnh minh họa)


Nguyên nhân Táo bón

Nguyên nhân thần kinh:

Bệnh lý thần kinh ngoại biên

  • Đái tháo đường
  • Bệnh lý thần kinh tự động
  • Bệnh Hirshprung
  • Bệnh Chagas
  • Giả tắc ruột

Bệnh lý thần kinh trung ương

  • Đa xơ hóa
  • Tổn thương tủy sống
  • Parkinson

Nguyên nhân không phải thần kinh

  • Suy giáp
  • Hạ kali máu
  • Biếng ăn nguyên nhân tâm lý
  • Phụ nữ có thai
  • Suy tuyến yên toàn bộ
  • Xơ cứng bì hệ thống
  • Nhược cơ

Thuốc

Các thuốc kháng cholinergic

  • Kháng histamine
  • Thuốc chống co thắt
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc chống lo âu

Các thuốc có chứa các ion dương

  • Thuốc bổ sung sắt
  • Muối nhôm ( các antacid, sucralfate)
  • Muối barit

Thuốc tác động lên thần kinh

  • Opiat
  • Thuốc hạ áp
  • Thuốc ức chế hạch thần kinh
  • Nhóm thuốc chẹn kênh calci
  • Thuốc ức chế 5HT3

Không rõ căn nguyên

Các trường hợp táo bón mạn tính nặng ở người lớn phần lớn xuất hiện ở nữ. Cacs triệu chứng thường gặp như giảm tần suất đại tiện, khó đại tiện hoặc cả 2 triệu chứng trên, các triệu chứng không cải thiện khi áp dụng chế độ bổ sung chất xơ hoặc thuốc nhuận tràng nhẹ. Táo bón mạn tính không rõ căn nguyên mức độ nặng được chia thành các nhóm sau:

Nhóm có lưu thông đại tràng bình thường

Các bệnh nhân có lưu thông đại tràng bình thường có thể nhận định sai về tần suất đại tiện và họ thường có biểu hiện lo lắng quá mức cần thiết. Một số bệnh nhân thuộc nhóm này một số có triệu chứng bất thường nhận cảm vùng hậu môn trực tràng và rối loạn chức năng vận động; các triệu chứng này rất khó phân biệt với nhóm các bệnh nhân có giảm lưu thông đại tràng.

Nhóm có lưu thông đại tràng giảm

Định nghĩa bệnh nhân có giảm lưu thông đại tràng: chậm lưu thông chất cản quang qua đầu gần của đại tràng trong khi không có rối loạn thải phân. Các bệnh nhân bị đại tràng chậm lưu thông có nhu động đại tràng trong lúc nghỉ ngơi giống với người bình thường, nhưng có rất ít hoặc không có sự tăng nhu động đại tràng sau các bữa ăn. Các dấu hiệu này gợi ý các rối loạn của đám rối thần kinh ruột. Các chuyên gia cũng tìm thấy có sự giảm thể tích tế bào kẽ Cajal trong đám rối thần kinh ruột ở một số trường hợp cắt đoạn đại tràng. Các tế bào này được cho là đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát nhu động đại tràng.

Nhóm rối loạn đồng vận phản xạ rặn

Rối loạn đồng vận đại tiện:

Động tác đại tiện bình thường bao gồm sự phối hợp giữa giãn cơ mu trực tràng và cơ thắt ngoài trực tràng kết hợp với sự tăng áp lực ổ bụng và sự ức chế của hoạt động từng đoạn đại tràng. Ở bệnh nhân có rối loạn đồng vận đại tiện, việc không đại tiện được liên quan với sự không giãn hoặc co không đúng lúc của cơ mu trực tràng và cơ thắt ngoài trực tràng. Chính điều này làm hẹp góc hậu môn trực tràng và tăng áp lực ống hậu môn gây ra tình trạng khó bài xuất phân. Căn nguyên của tình trạng rối loạn đồng vận đại tiện hiện vẫn chưa được hiểu rõ.

Đại tràng khổng lồ (megacolon), trực tràng khổng lồ (megarectum)

Hình ảnh bệnh đại tràng khổng lồ

Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân táo bón bị mắc chứng đại tràng khổng lồ hoặc trực tràng khổng lồ. Ngược lại, hầu hết các bệnh nhân có giãn đại tràng hoặc trực tràng thì đều có táo bón hoặc khó đại tiện. bệnh đại tràng khổng lồ và trực tràng khổng lồ có thể cùng biểu hiện trên một bệnh nhân hoặc chỉ có một trong hai. Megacolon nguyên phát được cho là có nguyên nhân rối loạn thần kinh, mặc dù chưa có bằng chứng mô bệnh học về sự biến đổi đặc hiệu mô thần kinh ở các bệnh nhân megacolon. Ngược lại, megacolon thứ phát và megarectum thứ phát thường xuất hiện ở người lớn tuổi liên quan đến tình trạng ứ đọng phân kéo dài.


Triệu chứng Táo bón

Bệnh nhân táo bón có thể có một số biểu hiện triệu chứng sau:

  • Khó đại tiện
  • Phân rắn
  • Cảm giác đại tiện không hết phân
  • Cảm giác tắc, hẹp ống hậu môn trực tràng
  • Số lần đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần
  • Bệnh nhân có thể mô tả phải dùng tay để hỗ trợ khi đại tiện (móc phân khỏi hậu môn, ấn bụng,…)

 

Hình ảnh minh họa táo bón

Khi các triệu chứng trên kéo dài từ 3 tháng trở lên thì cần nghĩ tới chẩn đoán táo bón mạn tính.


Các biến chứng Táo bón

Khi tình trạng táo bón kéo dài, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng sau:

  • Trĩ và các biến chứng của trĩ như: chảy máu búi trĩ, sa trĩ tắc mạch, huyết khối búi trĩ;
  • Sa trực tràng;
  • Nứt kẽ hậu môn;
  • Tắc hoặc bán tắc ruột do khối phân quá lớn.

Đối tượng nguy cơ Táo bón

Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc táo bón bao gồm:

  • Người có lối ít vận động;
  • Thể trạng béo;
  • Mắc một số bệnh lý như: đái tháo đường, suy giáp, tổn thương tủy sống, xơ cứng bì toàn thể, …
  • Chế độ ăn ít chất xơ, uống ít nước,
  • Người có thói quen nhịn đại tiện.

Phòng ngừa Táo bón

  • Chế độ ăn tăng cường bổ sung chất xơ dễ hấp thụ. Nguồn chất xơ tốt là trái cây, rau, các loại đậu, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Uống đủ nước, khoảng 1,5 đến 2 lít trong 1 ngày.
  • Tránh các chất chứa caffeine, chất chát (tannin).
  • Không nhịn đại tiện,
  • Tập thói quen đại tiện hàng ngày buổi sáng, tốt nhất là sau bữa ăn sáng

Các biện pháp chẩn đoán Táo bón

Lâm sàng:

Chẩn đoán dựa theo tiêu chuẩn Rome IV như sau:

Bệnh nhân được chẩn đoán táo bón mạn tính khi có ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau kéo dài từ 3 tháng trở lên:

  • Khó đại tiện trên 25% số lần đi đại tiện
  • Phân rắn (phân loại 1 – 2 theo thang phân loại Bristol) trên 25% số lần đại tiện
  • Cảm giác đại tiện không hết phân trên 25% số lần đại tiện
  • Cảm giác tắc hoặc hẹp ống hậu môn trực tràng trên 25% số lần đại tiện
  • Số lần đại tiện ít hơn 3 lần trên 1 tuần
  • Phải hỗ trợ bằng tay để dễ đại tiện trên 25% số lần đại tiện

Nội soi

Chỉ định nội soi đại tràng sigma và trực tràng có thể giúp phát hiện các tổn thương gây hẹp hoặc tắc nghẽn lòng ruột, đồng thời cho phép sinh thiết tổn thương và cắt các polyp qua nội soi. Các đối tượng sau nên dược nội soi đại tràng khi có táo bón:

  • Bệnh nhân trên 50 tuổi, có biểu hiện táo bón, trước đó chưa sàng lọc ung thư đại trực tràng. Có thể tiến hành nội soi sớm hơn nếu bệnh nhân có tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng.
  • Bệnh nhân táo bón có các dấu hiệu báo động như ( chảy máu trực tràng, xét nghiệm máu ẩn trong phân dương tính, thiếu máu thiếu sắt, giảm cân > 10% trọng lượng cơ thể, có triệu chứng tắc ruột, táo bón mới xuất hiện không có căn nguyên trước đó, tiến sử gia đình ung thư đại trực tràng hoặc có bệnh lý ruột viêm (IBD).
  • Trước khi phẫu thuật điều trị táo bón.

Những bệnh nhân táo bón không rõ căn nguyên nên nội soi đại trực tràng 

 Chẩn đoán hình ảnh:

 Chup x-quang bụng

Trên phim chụp bụng không chuẩn bị có thể phát hiện các dấu hiệu ứ đọng phân ở đại tràng và gợi ý chẩn đoán megacolon

Phim chụp bụng có cản quang có thể thấy hình ảnh đoạn đại tràng vô hạch với đầu gần giãn to trong bệnh Hirschsprung. Phương pháp này nên được chỉ định ở các đối tượng nghi ngờ vì tình trạng táo bón xuất hiện sớm ngay sau sinh và kéo dài, đặc biệt là ở trẻ nam.

Chụp lưu thông ruột

Chỉ định chụp lưu thông ruột cho các bệnh nhân táo bón mạn tính không đáp ứng với điều trị nhuận tràng và sau khi đã dùng các phương pháp kinh điển khác để phân biệt bệnh nhân có tình trạng chậm lưu thông ruột với bệnh nhân có lưu thông ruột bình thường. thời gian lưu thông ruột được định nghĩa là thời gian cần để phân đi qua toàn bộ đại tràng.


Các biện pháp điều trị Táo bón

Nâng cao nhận thức cho bệnh nhân về bệnh

Nhấn mạnh cho bệnh nhân rằng đại tiện hàng ngày không phải là tiêu chuẩn bắt buộc và không cần thiết để đảm bảo sức khỏe, từ đó giảm sự lệ thuộc vào thuốc nhuận tràng. Thay đổi chế độ ăn bổ sung thêm nước và chất xơ. Các bệnh nhân lạm dụng thuốc nhuận tràng cần được khuyến khích giảm liều dần. Khuyến cáo các bệnh nhân nên đi đại tiện sau bữa ăn nhằm lợi dụng đặc điểm tăng nhu động sinh lý của đại tràng sau ăn, đặc biệt là vào buổi sáng, khi nhu động đại tràng là mạnh nhất.

Thay đổi chế độ ăn và thuốc nhuận tràng tạo khối phân:

Chế độ ăn tăng cường chất xơ kết hợp thuốc nhuận tràng tạo khối phân như thuốc chiết xuất từ vỏ hạt mã đề (psyllium) hoặc methylcellulose là các phương pháp sinh lý và hiệu quả trong điều trị táo bón. Khi kết hợp các biện pháp trên cùng với bổ sung đủ nước có thể giúp cải thiện thói quen đại tiện ở nhiều bệnh nhân táo bón.

Bổ sung chất xơ:

Chế độ ăn bổ sung chất xơ có thể cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân táo bón. Đây là phương pháp điều trị đơn giản, chi phí thấp, và an toàn nên thường được sử dụng đầu tiên trong việc điều trị táo bón. Chất xơ ngũ cốc là thành phần chính cấu tạo thành tế bào thực vật phần lớn không bị tiêu hóa và không tan trong nước. Chất xơ trong các loại quả họ cam và cây họ đậu còn có vai trò kích thích sự phát triển của vi khuẩn chí đường ruột từ đó tăng tạo khối phân. Bên cạnh chất xơ, các loại đường (fructose, sorbitol) từ thực phẩm như táo, đào, lê, sơri, nho và các loại quả hạch cũng có tác dụng nhuận tràng điều trị táo bón. Lượng chất xơ khuyến cáo trung bình đối với 1 người là từ 20 đến 35 gam/ngày. Các bệnh nhân áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ cần được giải thích về tác dụng không mong muốn như có thể gây chướng bụng đầy hơi, tuy nhiên các triệu chứng này có thể được hạn chế bằng việc khởi đầu với chế độ ăn có lượng chất xơ ít, sau đó tăng dần đến khi đạt mục tiêu.

Thuốc nhuận tràng tạo khối phân:

Thuốc nhuận tràng tạo khối phân bao gồm các thuốc chứa hoạt chất chiết xuất từ vỏ hạt mã đề (psyllium) (Metamucil), methylcellulose (VD: Citrucel), bột lúa mì (VD: Benefiber). Đây là các polysaccharide hoặc xen-lu-lô tự nhiên hoặc tổng hợp có tác dụng hấp thụ nước tăng tạo khối phân và nhuận tràng. Các thuốc nhuận tràng thuộc nhóm này có tác dụng làm tăng tần suất đại tiện đồng thời làm mềm phân và có ít tác dụng phụ.

Các thuốc nhuận tràng khác

  • Polyethylene glycol (PEG): các đường không bị hấp thu hoặc kém hấp thu làm tăng bài tiết nước vào đại tràng từ đó làm tăng số lần đại tiện. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá liều sẽ gây các rối loạn điện giải và quá tải thể tích ở bệnh nhân có rối loạn chứng năng thận và bệnh lý tim mạch đi kèm
  • Các disaccharide tổng hợp: Lactulose không bị chuyển hóa bởi các enzyme ở ruột, do đó giữ nước và điện giải trong lòng ruột theo cơ chế áp lực thẩm thấu. Có nhiều nghiên cứu và phân tích chứng minh hiệu quả của lactulose trong cải thiện tần suất đại tiện cũng như làm mềm phân. Lactulose cần 24 – 48 giờ để đạt tác dụng tối ưu. Sorbitol là hoạt chất có hiệu quả điều trị tương tự lactulose nhưng chi phí thấp hơn lactulose có thể dùng thay thế lactulose. Cả sorbitol và lactulose đều có thẻ gây chướng bụng, đầy hơi.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.