Từ điển bệnh lý

Lỵ trực trùng : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Lỵ trực trùng

Bệnh lỵ trực trùng là một dạng bệnh do nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính, trực khuẩn có tên Shigella là nguyên nhân gây ra bệnh này. Bệnh có thể bùng phát thành dịch, diễn tiến của bệnh khá lành tính và ít có nguy cơ tử vong. Tuy nhiên hàng năm có rất nhiều người mắc phải căn bệnh này, bằng chứng là dựa trên những số liệu dưới đây:

Tổ chức Y tế thế giới đã từng cảnh báo về số lượng những người mắc lỵ trực trùng phân bố khắp nơi trên thế giới. Bệnh thường có mặt nhiều nhất ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới, đặc biệt tại các nước kém phát triển. Trung bình mỗi năm có khoảng 140 triệu ca mắc, trong đó số ca tử vong do lỵ trực trùng lên đến 600.000 người. 

Việt Nam được coi là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lỵ trực trùng khá cao và chủng bệnh phổ biến nhất hiện nay đó là S. sonnei và S. flexneri.

Trực khuẩn Shigella là nguyên nhân gây ra bệnh lỵ trực trùng

Trực khuẩn Shigella là nguyên nhân gây ra bệnh lỵ trực trùng

 


Nguyên nhân Lỵ trực trùng

Bệnh lỵ trực trùng do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có 3 tác nhân chính như sau:

Người bệnh đã tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn Shigella: Những người chăm sóc trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm loại trực khuẩn này nếu không sát khuẩn tay kỹ càng bằng xà phòng sau khi thay tã lót cho trẻ;

Nguồn nước ô nhiễm: Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do các vấn đề như thời tiết bất thường trong mùa hè, mưa bão lớn, nắng nóng gay gắt trên khắp cả nước,... Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho những loại vi sinh vật có trong bụi, đất, rác thải hoà lẫn vào dòng nước và tràn đến nhiều khu vực sinh sống của người dân. Những dòng nước ô nhiễm này chứa chấp hàng tỷ trực khuẩn Shigella, chúng có mặt trong những bể tắm, bể nước ăn, nhà cửa, những nơi công cộng,... gây nên bệnh lỵ trực trùng cho con người;

Tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm dễ gây nên bệnh lỵ trực trùng cho con người

Tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm dễ gây nên bệnh lỵ trực trùng cho con người

Tiêu thụ thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn: Bệnh hoàn toàn có thể lây truyền thông qua những thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Ví dụ: người chế biến thức ăn bị mắc lỵ trực trùng, nếu không diệt khuẩn tay sạch sẽ rất dễ truyền vi khuẩn vào thực phẩm, gây bệnh cho những ai ăn phải nó, hoặc khu chế biến thức ăn lại sử dụng nước nhiễm khuẩn hoặc ở gần nơi có nước thải bị ô nhiễm.


Triệu chứng Lỵ trực trùng

Diễn biến khi bị lỵ trực trùng thường xảy ra nhanh và các biểu hiện thường xuất hiện từ 1 - 3 ngày sau khi cơ thể bị trực khuẩn lỵ xâm nhập. Đôi khi các dấu hiệu của bệnh có thể lâu xuất hiện hơn hoặc thậm chí không có bất kỳ một triệu chứng nào.

Các biểu hiện điển hình ở những bệnh nhân bị bệnh lỵ trực trùng bao gồm:

  • Tiêu chảy nhiều nước;
  • Vùng bụng bị đau co thắt theo từng cơn;
  • Sốt với nhiệt độ nằm trong khoảng tử 37,5 - 39 độ C;
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa;
  • Mệt mỏi, đau mỏi cơ;
  • Trong phân có lẫn máu hoặc chất nhầy.

Các trường hợp mặc dù không biểu hiện triệu chứng nhưng phân của những người này vẫn có nguy cơ là nguồn lây bệnh cho tới vài tuần sau.

Cụ thể về giai đoạn phát triển bệnh lỵ trực trùng: khi trực khuẩn lỵ bắt đầu xâm nhập vào cơ thể, thời gian để bệnh ủ trong người là tầm 1 - 5 ngày, sau đó bệnh phát tác một cách đột ngột đi kèm với 2 hội chứng đặc trưng: nhiễm khuẩn và hội chứng lỵ:

Hội chứng nhiễm khuẩn

  • Sốt cao từ 38 - 39oC;

Biểu hiện bệnh lỵ trực trùng ở trẻ em

Biểu hiện bệnh lỵ trực trùng ở trẻ em

  • Bệnh nhân nhức đầu, rét run;
  • Cơ thể mệt mỏi;
  • Đau lưng, đau khớp;
  • Ở trẻ em có thể thấy những cơn co giật, khát nước, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, đắng miệng.

Hội chứng lỵ

- Đau bụng: Lúc mới đầu thì đau âm ỉ vùng quanh rốn, về sau lan ra cả bụng, cuối cùng là bị đau quặn ở vị trí hố chậu trái;

- Những cơn đau quặn bụng gây nên hiện tượng bệnh nhân cảm thấy mót rặn, muốn đi đại tiện ngay.

- Sang giai đoạn toàn phát, bệnh nhân tăng cường độ đi đại tiện. Mới đầu phân có dạng sệt nhưng về sau loãng dần, mùi rất hôi và lẫn với máu kèm dịch nhầy. Tính chất của phân thường thấy: nhiều phân nhầy, màu đục nhờ nhờ, phân có thể có màu vàng đục giống mủ, còn máu sẫm giống máu cá, dịch nhầy và máu hoà loãng với nhau, không có độ kết dính.

Đau quặn bụng và đi đại tiện liên tục

Đau quặn bụng và đi đại tiện liên tục

Thông thường hội chứng lỵ kéo dài từ 5 - 10 ngày hoặc có thể lâu hơn. Nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, người bệnh có khả năng khỏi sau từ 7 - 14 ngày. Ngược lại nếu không phát hiện và điều trị thì bệnh sẽ chuyển nặng, có khi thành mạn tính.

Trẻ em, người có hệ miễn dịch suy giảm, người trên 65 tuổi hoặc bệnh nhân có bệnh nền mạn tính thường là các đối tượng dễ bị trở nặng khi bị bệnh lỵ trực trùng. Bệnh nhân sẽ bị sốt cao, thường xuyên đau đầu, mệt mỏi, mặt mũi phờ phạc. Ngoài ra người bệnh còn hay bị lơ mơ, lú lẫn, thậm chí có thể bị hôn mê, suy tuần hoàn,... Nếu điều trị sớm thì bệnh nhân có cơ hội được chữa khỏi, nhưng phải mất nhiều thời gian để chữa trị và bất kể lúc nào cũng có thể xảy ra biến chứng. Bên cạnh đó, bệnh có khả năng cao sẽ để lại các di chứng về sau, nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh nhân sẽ bị tử vong.


Các biến chứng Lỵ trực trùng

Thường bệnh này có rất ít biến chứng, nhưng nếu có thì lại rất nghiêm trọng, cụ thể là:

  • Cơ thể mất nước: Do nôn mửa và thường xuyên tiêu chảy sẽ dẫn đến mất nước, đáng lưu ý hơn là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị tử vong vì biến chứng này;
  • Toàn thân: Hiện tượng co giật do sốt cao, viêm tắc động tĩnh mạch, truỵ tim mạch, nhiễm độc thần kinh;
  • Viêm khớp;
  • Bội nhiễm: Nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm túi mật, nhiễm nấm candida ruột, viêm đường tiết niệu;
  • Biến chứng tại ruột: Lồng ruột, viêm phúc mạc, sa trực tràng, thậm chí gây chảy máu và hoại tử ruột;
  • Các hội chứng: Rối loạn đông máu, tan máu, giảm tiểu cầu, suy thận;
  • Nguy cơ tử vong cao do: Nhiễm độc, sốc nhiễm khuẩn (tử vong chỉ sau 24 - 48 giờ), chết do hôn mê sâu;
  • Rối loạn và suy chức năng đa phủ tạng.

Đường lây truyền Lỵ trực trùng

Bệnh này chủ yếu lây qua đường phân - miệng, gián tiếp hoặc là trực tiếp.

Bệnh lỵ trực trùng chủ yếu lây qua đường phân - miệng

Bệnh lỵ trực trùng chủ yếu lây qua đường phân - miệng

Lây trực tiếp từ người này sang người khác qua đường ăn uống

Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người mang vi khuẩn là nguồn lây bệnh chính sẽ là những đối tượng sau:

  • Người lành mang vi khuẩn;
  • Người mắc bệnh lỵ cấp tính;
  • Người bị bệnh lỵ mạn tính.

Trong đó, những người bị bệnh lỵ cấp tính sẽ là một nguồn lây bệnh vô cùng nguy hiểm do trong quá trình mắc bệnh, họ đã thải ra ngoài một lượng lớn vi khuẩn có khả năng lây lan sang người khác.

Những người lành mang vi khuẩn thì chưa từng mắc bệnh lỵ, họ là người tiếp xúc và bị nhiễm khuẩn từ bệnh nhân nhưng bệnh chưa phát tác. Họ cũng là nguồn lây nhiễm cho người khác thông qua việc thải ra vi khuẩn.

Lây gián tiếp thông qua con đường tiêu hóa

Vi khuẩn lỵ lây qua đường tiêu hoá bằng cách: 

  • Người lành ăn phải những thức ăn đã nhiễm trực khuẩn lỵ và bị nhiễm bệnh. 
  • Những loại côn trùng và động vật như gián, ruồi nhặng, kiến hoặc thạch sùng,... cũng được coi là tác nhân trung gian khiến bệnh lỵ trực trùng lây truyền sang con người;
  • Quan hệ tình dục nếu tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp giữa miệng và hậu môn với người mang bệnh.

Đối tượng nguy cơ Lỵ trực trùng

Căn bệnh này thường gặp nhất ở trẻ em từ 2 - 4 tuổi do những trẻ này có hệ miễn dịch còn yếu, chưa có ý thức chủ động giữ gìn vệ sinh cá nhân. Thường thì những khu vực như nhà trẻ, các trường tiểu học,... không đảm bảo vệ sinh rất hay có những ca mắc bệnh lỵ trực trùng. Bên cạnh đó nếu trong một gia đình có trẻ bị bệnh, người thân đều có khả năng bị lây nhiễm. Đặc biệt tại những quốc gia kém phát triển không có đủ điều kiện sử dụng và cung cấp nước sạch, người dân rất dễ bị lỵ trực trùng thể nặng và khó điều trị.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh lỵ trực trùng do chưa có hệ miễ dịch yếu và chưa có ý thức vệ sinh cá nhân

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh lỵ trực trùng do chưa có hệ miễn dịch yếu và chưa có ý thức vệ sinh cá nhân


Phòng ngừa Lỵ trực trùng

Người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây để không mắc phải bệnh lỵ trực trùng và những di chứng của nó:

- Vệ sinh cá nhân thường xuyên và sạch sẽ. Thực hiện khuyến cáo: rửa tay kỹ bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh;

Rửa tay kỹ bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa

Rửa tay kỹ bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa

- Ăn chín, uống sôi;

- Sử dụng nguồn nước sạch và gìn giữ vệ sinh nguồn nước những nơi công cộng, không xả rác bừa bãi;

- Không đại tiểu tiện bừa bãi. Không được dùng phân tươi để bón rau;

- Nếu xuất hiện các triệu chứng bệnh lỵ trực trùng, cần đi khám ngay để sớm được chữa khỏi bệnh và không trở thành nguồn lây lan cho người khác. 

Nếu trong gia đình có người thân bị lỵ trực trùng, chúng ta cần:

- Sử dụng 20% vôi sống và 10% nước vôi để khử khuẩn các chất thải của người bệnh;

- Triệt khuẩn quần áo, vật dụng của người bệnh bằng cách ngâm quần áo bệnh nhân bằng dung dịch cloramin 2%, hoặc ngâm quần áo trong nước đun sôi;

- Người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân cần theo dõi trong 7 ngày. Trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chăm sóc bệnh nhân cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng. 


Các biện pháp chẩn đoán Lỵ trực trùng

Chưa thể kết luận bệnh nhân bị lỵ trực trùng nếu chỉ dựa vào các biểu hiện tiêu chảy hoặc tiêu chảy ra phân có lẫn nhầy máu, vì đây có thể là các dấu hiệu của những bệnh lý khác. Do đó người bệnh cần tới thăm khám ở bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để có thể xác định chính xác mình có đang mắc phải bệnh lỵ trực trùng hay không và điều trị làm sao cho đúng cách.

Các phương pháp dùng để chẩn đoán bệnh lỵ trực trùng:

- Lấy mẫu phân hoặc phết trực tràng:

  • Xét nghiệm cấy phân;
  • Nuôi cấy định danh vi khuẩn;

Nuôi cấy định danh vi khuẩn Shigella

Nuôi cấy định danh vi khuẩn Shigella

  • Ngưng kết kháng huyết thanh.

- Soi trực tràng:

  • Huyết thanh chẩn đoán;
  • Xét nghiệm công thức máu;
  • Phương pháp miễn dịch huỳnh quang trực tiếp

Các biện pháp điều trị Lỵ trực trùng

Đa số các ca bệnh lỵ trực trùng đều diễn biến khá lành tính, tiên lượng chữa khỏi trong vòng 1 tuần nhưng khuyến cáo người bệnh không phải vì thế mà chủ quan, không điều trị triệt để hoặc tự ý dùng thuốc mà không theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với bệnh nhân là trẻ em và người cao tuổi, có thể bù nước bằng Oresol khi bị tiêu chảy. Bên cạnh đó kháng sinh cũng có thể được chỉ định dùng trong điều trị để rút ngắn thời gian bị bệnh, ngăn chặn lây nhiễm sang cho người khác. Các loại kháng sinh có thể là: Trimethoprim- sulfamethoxazole hoặc Ampicillin, bệnh nhân khi dùng những thuốc này phải nằm dưới sự giám sát và hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm sau một tuần, thay vào đó còn xuất hiện thêm dấu hiệu bị chuột rút, hoặc bệnh nhân đã đi đến khu vực đang có dịch tễ bệnh này cần tái khám để được điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng nghiêm trọng về sau.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.