Từ điển bệnh lý

Chuyển dạ kéo dài : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-09-2021

Tổng quan Chuyển dạ kéo dài

Chuyển dạ là một hiện tượng sinh lý hết sức bình thường của sản phụ. Khi quá trình này diễn ra sẽ tống hết các thành quả của sự thụ thai bao gồm màng ối, thai nhi, nhau thai và dây rốn ra ngoài tử cung của người mẹ. Khi chuyển dạ, tử cung của sản phụ sẽ co bóp theo đợt một cách nhịp nhàng, đủ cường độ và thời gian nhằm giúp cho cổ tử cung dần mở và giãn nở to ra, mở đường cho sự chào đời của thai nhi.

Đối với những sản phụ sinh con đầu lòng, trung bình một cuộc chuyển dạ phải mất từ 12 - 18 tiếng. Còn ở sản phụ sinh con thứ 2 thì thời gian chuyển dạ thường sẽ ngắn hơn, khoảng từ 8 - 12 giờ. 

Để phân biệt với cơn gò giả, cần dựa trên các đặc điểm sau của cơn chuyển dạ:

  • Cơn co gây đau và xảy ra đều đặn;

  • Cơn co có thời gian và cường độ gia tăng;

  • Khoảng cách giữa các cơn co ngắn dần;

  • Các cơn co và đau có mối liên quan với nhau;

  • Cơn co dẫn đến hiện tượng xoá mở cổ tử cung;

  • Ngôi thai xuống dần.

Nếu sản phụ gặp các dấu hiệu sau thì có thể được chẩn đoán là đang trải qua quá trình chuyển dạ: 

  • Bụng đau từng cơn;

  • Âm đạo ra nhớt hồng;

  • Xóa mở cổ tử cung;

  • Xuất hiện cơn co chuyển dạ;

  • Đầu ối thành lập.

Một cuộc chuyển dạ được cho là kéo dài khi thời gian chuyển dạ diễn ra lâu hơn bình thường, trên 24 tiếng với các cơn co tử cung đều đặn. Nếu mẹ bầu mang đa thai thì hơn 16 giờ sẽ được coi là chuyển dạ kéo dài.

Chuyển dạ kéo dài khiến cho mẹ bầu chịu nhiều cơn co đau đớn

Chuyển dạ kéo dài khiến cho mẹ bầu chịu nhiều cơn co đau đớn


Nguyên nhân Chuyển dạ kéo dài

Có nhiều lý do khiến cho quá trình chuyển dạ của sản phụ trở nên kéo dài hơn so với bình thường. Một số yếu tố gây ra tình trạng này đó là:

Tính chất cơn co: 

  • Cơn co chính là dấu hiệu và yếu tố thúc đẩy chính của cuộc chuyển dạ. Khi cơn co gặp rối loạn sẽ gây nhiều khó khăn, có thể làm đình trệ hoặc kéo dài cuộc chuyển dạ;

  • Khi cơn co tử cung thưa hoặc giảm, không đủ trương lực cơ tử cung hoặc giảm cường độ cơn co cũng là nguyên nhân khiến quá  trình chuyển dạ kéo dài.

Bản thân sản phụ: 

  • Khung chậu hẹp;

  • Tâm lý lo lắng, căng thẳng quá mức;

  • Âm đạo chưa giãn nở đủ rộng để em bé chào đời;

  • Bất thường bẩm sinh ở tử cung: tử cung kém phát triển, tử cung đôi;

  • Đường sinh bị cản trở do u vùng chậu và đường sinh dục;

  • Sản phụ có chỉ số cân nặng và khối cơ thể cao.

Thai nhi:

  • Ngôi thai bất thường;

  • Thai nhi có kích thước lớn hơn mức trung bình (trên 3.500 gram) được coi là to so với kích thước khung chậu bình thường của phụ nữ Việt Nam. Thai to khiến sản phụ khó sinh thường, khiến cơn chuyển dạ kéo dài;

  • Vòng đầu thai nhi có chu vi lớn;

  • Các dị dạng bẩm sinh ở thai nhi như bụng cóc, não úng thủy,... có thể khiến thai trở nên to hơn khiến việc chuyển dạ gặp khó khăn.  


Triệu chứng Chuyển dạ kéo dài

Các triệu chứng sau rất có thể là dấu hiệu của một cơn chuyển dạ kéo dài:

  • Thời gian chuyển dạ kéo dài trên 18 tiếng: đây là biểu hiện đặc trưng nhất;

  • Đau vùng lưng và hai bên người, dần dần lan xuống đùi vì lưng bị chèn ép nhiều trong thời gian dài;

  • Sản phụ trở nên kiệt sức, mệt mỏi, miệng khô và mất nước do phải thở bằng miệng khá lâu;

  • Kiệt sức, mất nước và căng thẳng khiến nhịp tim nhanh bất thường;

  • Cơn đau chuyển dạ giảm dần theo thời gian vì các cơ đã trở nên đuối sức;

  • Chạm vào thấy tử cung mềm và tử cung không giãn ra hoàn toàn khi cơn co thắt xảy ra.

mẹ sẽ trải qua cơn co trong thời gian kéo dài

Mẹ sẽ trải qua cơn co trong thời gian kéo dài


Các biến chứng Chuyển dạ kéo dài

Đối với sản phụ:

  • Băng huyết  sau sinh;

  • Nhiễm trùng ối;

  • Vỡ tử cung;

  • Nhiễm trùng huyết sau nhiễm trùng ối;

  • Nhiễm trùng hậu sản.

Đối với thai nhi: 

  • Suy thai trong chuyển dạ;

  • Nhiễm trùng sơ sinh do thai nhi hít thở và uống phải phân su, nước ối bẩn;

  • Nguy cơ bị tử vong chu sinh tăng cao nếu thời gian chuyển dạ kéo dài trên 24 giờ do các nguyên nhân: ngạt, viêm phổi - hệ quả của nhiễm khuẩn buồng tử cung, sang chấn sau đẻ can thiệp;

  • Ngạt khi sinh: thiếu oxy cung cấp cho thai nhi dẫn đến trẻ bị bại não. Thời gian bé bị thiếu oxy càng lâu thì tổn thương sẽ càng nặng. Tình trạng ngạt khi sinh có thể bắt nguồn từ cơn chuyển dạ kéo dài: nhiễm trùng ối, sinh khó, băng huyết vì thai to,...


Đối tượng nguy cơ Chuyển dạ kéo dài

  • Sản phụ bị béo phì: thừa cân kết hợp với tình trạng cao huyết áp vào tiểu đường khi mang thai sẽ khiến cho thai nhi có kích thước lớn hơn bình thường. Bên cạnh đó, các vấn đề trên sẽ gây suy yếu thể chất của mẹ. Cân nặng thừa quá mức làm tăng lượng mỡ bám xung quanh âm đạo gây cản trở quá trình chuyển dạ;

  • Sản phụ quá gầy: nếu sản phụ bị thiếu chất khi mang thai, cơ thể gầy gò cũng là nguyên nhân làm cho cơn chuyển dạ không được diễn ra suôn sẻ. Do đó trong giai đoạn thai kỳ, mẹ bầu cần phải chú ý bồi bổ thể chất, quan tâm tới chế độ dinh dưỡng một cách cân bằng và đầy đủ;

  • Tuổi tác: từ 20 - 30 là nhóm tuổi lý tưởng để người phụ nữ sinh nở. Cơ thể vẫn chưa phát triển đầy đủ để sẵn sàng mang thai trước hoặc sau khoảng thời gian này. Trong trường hợp các mẹ sinh con lần đầu khi đã hơn 40 tuổi thì cần phải có một thể trạng thật sự khỏe mạnh vì nguy cơ gặp các biến chứng như tiểu đường thai kỳ là rất cao và gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Đây cũng là lứa tuổi có nhiều bất lợi trong quá trình mang thai và sinh nở khiến việc chuyển dạ có nguy cơ bị kéo dài

  • Giảm khối lượng cơ bắp: nguyên nhân là do thiếu sự chủ động và thiếu vận động ở phụ nữ khi mang thai. Việc mang thai và chuyển dạ là một quá trình vất vả và tiêu tốn rất nhiều năng lượng của cơ thể. Điều này đòi hỏi các cơ bắp phải hoạt động thật tốt để phục vụ cho quá trình chuyển dạ. Do đó nếu khối lượng cơ bắp của sản phụ giảm hoặc suy yếu thì sẽ khiến cơn chuyển dạ kéo dài. Hiện tượng này ngày càng gia tăng ở xã hội hiện đại do lối sống lười vận động của phụ nữ trẻ.

Cơn co chuyển dạ kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ

Cơn co chuyển dạ kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ


Phòng ngừa Chuyển dạ kéo dài

Trong quá trình mang thai, mẹ bầu có thể áp dụng những phương pháp dưới đây để hạn chế nguy cơ chuyển dạ kéo dài và các biến chứng do chuyển dạ kéo dài gây ra:

  • Tránh cảm xúc lo âu, căng thẳng vì nếu mẹ bầu luôn giữ một tinh thần vui vẻ, thoải mái, tích cực sẽ giúp mẹ bầu duy trì một thai kỳ khỏe mạnh;

  • Tạo dựng một lối sống lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, vận động thể dục một cách nhẹ nhàng theo lời khuyên của bác sĩ;

  • Thăm khám thai sản theo lịch hẹn định kỳ: các mẹ cần ghi nhớ các mốc khám thai quan trọng đồng thời đi khám đều đặn nhằm phát hiện sớm các bất thường và rủi ro khi mang thai. Từ đó giúp điều chỉnh kịp thời bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ ăn sao cho hợp lý và can thiệp các biện pháp y khoa nếu cần thiết.

Danh sách các triệu chứng:

  • Thời gian chuyển dạ kéo dài trên 18 tiếng: đây là biểu hiện đặc trưng nhất;

  • Đau vùng lưng và hai bên người, dần dần lan xuống đùi vì lưng bị chèn ép nhiều trong thời gian dài;

  • Sản phụ trở nên kiệt sức, mệt mỏi, miệng khô và mất nước do phải thở bằng miệng khá lâu;

  • Kiệt sức, mất nước và căng thẳng khiến nhịp tim nhanh bất thường;

  • Cơn đau chuyển dạ giảm dần theo thời gian vì các cơ đã trở nên đuối sức;

  • Chạm vào thấy tử cung mềm và tử cung không giãn ra hoàn toàn khi cơn co thắt xảy ra.


Các biện pháp điều trị Chuyển dạ kéo dài

Cần phải xử lý ngay nếu một sản phụ đã chuyển dạ hơn 18 tiếng hoặc khi đã tới bệnh viện hơn 12 giờ mà chưa đẻ. Bác sĩ cần xem xét xử lý dựa trên các triệu chứng sau:

  • Có vấn đề về thai nhi;

  • Có vấn đề về cơn co;

  • Sản phụ có tình trạng toan hóa hoặc mất  nước;

  • Hiện tượng nhiễm khuẩn (sốt);

  • Sang chấn tâm lý;

  • Vỡ ối;

  • Các bệnh lý nền sản phụ đang mắc phải;

  • Kiểm tra độ xóa mở cổ tử cung;

  • Sản phụ bị táo bón hoặc đang căng bàng quang. 

Sau đó bác sĩ sẽ chọn lựa phương án xử lý phù hợp tùy theo từng trường hợp cụ thể:

Sử dụng Oxytocin:

Oxytocin là một loại hormone tổng hợp có thể được dùng để kích thích chuyển dạ, điều chỉnh và tăng cường các cơn gò tử cung. Khi được áp dụng đúng cách thì hormone này sẽ giúp quá trình chuyển dạ được đẩy nhanh hơn, khá hiệu quả khi dùng trong điều trị các trường hợp sản phụ phải trải qua cơn chuyển dạ kéo dài. Căn cứ vào từng tình trạng bệnh cảnh lâm sàng của từng sản phụ mà bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định sử dụng Oxytocin.

Tia ối hoặc phá ối hay còn gọi là bấm ối:

Phương pháp này là thủ thuật làm vỡ màng ối của thai phụ thông qua tác động bằng ngón tay hoặc thiết bị chuyên dụng để quá trình chuyển dạ được diễn ra nhanh hơn. Khi tia ối hoặc phá ối được kết hợp với sử dụng Oxytocin sẽ có tác dụng tăng cường chuyển dạ.

Dùng dụng cụ hỗ trợ sinh con là giác hút hoặc Forcep: 

Thường áp dụng trong trường hợp thai phụ sinh con theo đường tự nhiên qua âm đạo, cụ thể là dùng trong giai đoạn sổ thai nếu mẹ có bệnh lý nội khoa kèm theo hoặc mẹ rặn yếu. Các dụng cụ này sẽ đạt hiệu quả rút ngắn thời gian sổ thai nếu được dùng đúng cách, nhưng ngược lại nếu áp dụng sai cách thì có thể khiến đường sinh dục của mẹ gặp chấn thương và gây sang chấn cho thai nhi. 

Phẫu thuật lấy thai:

Nếu đã điều chỉnh cơn gò tử cung bằng Oxytocin để cải thiện quá trình chuyển dạ kéo dài nhưng không thành công thì bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật lấy thai. Hoặc nếu như tiên lượng trước sinh của sản phụ có khả năng sinh khó hay không thể sinh tự nhiên được thì bác sĩ sản khoa sẽ quyết định phẫu thuật lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.