Từ điển bệnh lý

Bệnh trĩ sau sinh : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-09-2021

Tổng quan Bệnh trĩ sau sinh

 

Bệnh trĩ hình thành do sự giãn tĩnh mạch quá đà tại ống trực tràng và các vùng da xung quanh hậu môn. Sự gia tăng áp lực lên các mao mạch khiến một số vị trí mao mạch tại ống trực tràng bị ứ máu, hình thành các búi trĩ tại hậu môn gây sưng tấy khó chịu cho người mắc bệnh, đặc biệt là khi ngồi hoặc đi đại tiện.

Dựa trên vị trí hình thành các búi trĩ, căn bệnh này được chia thành 2 dạng chính:

  • Trĩ nội: tình trạng ứ máu xuất hiện bên trong ống trực tràng, người bệnh thường có biểu hiện chảy máu hoặc đi đại tiện có phân lẫn máu, không có cảm giác đau. Một số trường hợp búi trĩ phát triển lớn và có dấu hiệu lồi ra bên ngoài hậu môn được gọi là tình trạng sa búi trĩ.

  • Trĩ ngoại: Các búi trĩ hình thành từ các mao mạch nằm xung quanh hậu môn, người bệnh có thể bị đau và ngứa ngáy khó chịu, có thể xuất hiện biểu hiện xuất huyết.

Bệnh trĩ được các bác sĩ nhận định là căn bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh, tuy nhiên người bệnh mắc phải bệnh trĩ thường phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như: gặp khó khăn trong sinh hoạt cá nhân, có thể gặp phải các cơn đau, ngứa ngáy khó chịu khi đứng ngồi và đi đại tiện, cảm thấy mặc cảm trong quan hệ vợ chồng,...

Hình ảnh mô tả 2 dạng bệnh trĩ chính đó là trĩ nội và trĩ ngoại

Hình ảnh mô tả 2 dạng bệnh trĩ chính đó là trĩ nội và trĩ ngoại


Nguyên nhân Bệnh trĩ sau sinh

Theo thống kê, tỷ lệ một người bất kỳ bị bệnh trĩ có thể lên tới 60 - 70%, thời gian có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là khoảng 45 - 65 tuổi. Trong đó, trường hợp tỷ lệ phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi sinh có nguy cơ bị trĩ cao hơn bình thường. Những nguyên nhân chính có thể gây ra tình trạng hình thành búi trĩ ở phụ nữ sau sinh bao gồm:

  • Phụ nữ có tiền sử bị trĩ trước đó: Trường hợp các chị em phụ nữ bị bệnh trĩ trước khi mang thai hoặc trong khi đang mang thai nhưng không có biện pháp điều trị dứt điểm, khả năng cao bệnh trĩ sẽ chuyển biến nghiêm trọng hơn sau khi sinh.

  • Không biết cách rặn đẻ: Các búi trĩ hình thành từ việc các mao mạch tại trực tràng chịu áp lực lớn, vì vậy trong quá trình chuyển dạ sản phụ thường được người hộ sinh hướng dẫn cách rặn đẻ sao cho hạn chế áp lực lên trực tràng nhất có thể. Quá trình rặn đẻ không đúng cách sẽ khiến cho vùng tiểu khung bị gây áp lực nhiều, nguy cơ cao bị sa búi trĩ.

  • Mắc bệnh trĩ sau sinh do kích thước bào thai phát triển lớn: Ở những tháng cuối của thai kỳ, em bé sẽ phát triển nhanh hơn tăng cả về kích thước và trọng lượng. Chính vì vậy, áp lực từ bào thai lớn cũng có thể gây chèn ép lên các tĩnh mạch tại trực tràng, nguy cơ hình thành các búi trĩ.

  • Bị táo bón sau sinh: Một số trường hợp sản phụ sau khi sinh bị táo bón, tình trạng táo bón kéo dài trong nhiều ngày có thể làm tăng nguy cơ bị trĩ (đặc biệt là trĩ nội).

  • Ngồi hoặc đứng tại một vị trí thường xuyên: Sản phụ sau sinh chưa hồi phục sức khỏe nên thường chỉ nằm một chỗ hoặc ngồi một chỗ. Nguy cơ bị bệnh trĩ do áp lực lên các mao mạch trực tràng khi ngồi hoặc đứng bất động trong một khoảng thời gian dài sẽ cao hơn khi sản phụ có thay đổi tư thế và đi lại vận động cơ thể.

  • Tình trạng tăng đông máu khi mang thai có thể là nguyên nhân gây ra biến chứng thuyên tắc búi trĩ trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh.

  • Chế độ ăn uống sau sinh có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ: Một số trường hợp sản phụ sau sinh muốn áp dụng các chế độ ăn kiêng nhằm giảm cân nhưng lại thực hiện không khoa học có thể là yếu tố tác động khiến bệnh trĩ chuyển biến nghiêm trọng hơn.

  • Một số sản phụ có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn bình thường khi có bệnh lý nền (giãn phế quản, viêm phế quản mãn tính,...) hoặc phải làm việc nặng nhọc trong quá trình mang thai.


Triệu chứng Bệnh trĩ sau sinh

Phụ nữ bị bệnh trĩ sau sinh thường xảy ra ở dạng trĩ nội, có thể bị sa búi trĩ với những trường hợp nặng hơn. Các biểu hiện triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Đại tiện phát hiện có máu: Nếu bệnh trĩ mới hình thành cơ thể người bệnh thường không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng bất thường nào, cho đến khi phát hiện đại tiện có kèm máu trong phân (có thể chỉ kèm một chút xíu máu). Đây là biểu hiện điển hình nhất của bệnh trĩ, tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn sẽ khiến máu chảy nhiều hơn. Trong một số trường hợp, máu từ búi trĩ có thể đông cứng lại thành dạng cục và đi theo phân ra ngoài khi bệnh nhân đi đại tiện.

  • Sa búi trĩ: Đây là biểu hiện trĩ nội chuyển biến nặng, các búi trĩ phát triển nhanh với kích thước lớn có thể lồi hẳn ra khỏi hậu môn (sa búi trĩ). Đối với tình trạng mắc bệnh trĩ gây sa búi trĩ sẽ làm ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt thường ngày của người bệnh từ việc đi lại, đứng ngồi đều gặp khó khăn.

  • Ngứa, rát hậu môn: Triệu chứng ngứa rát có thể xuất hiện ở bên ngoài hậu môn và cảm giác khó chịu bên trong trực tràng. Triệu chứng này gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần người bệnh, luôn có cảm giác thiếu tự tin khi đi lại hoặc giao tiếp với những người xung quanh.

  • Hậu môn sưng tấy, gây đau: Phụ nữ sau khi sinh nở thường gặp vấn đề như sa búi trĩ gây tắc mạch (trĩ nội) hoặc thuyên tắc búi trĩ (trĩ ngoại), đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hình thành một hoặc nhiều khối sưng tấy tại hậu môn hoặc xung quanh hậu môn. Triệu chứng này gây đau nhức khó chịu vô cùng, một số sản phụ cho biết cơn đau khó chịu còn lớn hơn khi đau chuyển dạ.

  • Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện khi bị bệnh trĩ sau sinh: Đau hậu môn kèm táo bón, đại tiện có phân lẫn máu, tình trạng nứt kẽ hậu môn, chảy dịch nhầy ở cửa hậu môn,... hoặc một số căn bệnh có liên quan khác (viêm da quanh hậu môn, viêm trực tràng,...).

Đại tiện ra máu là một trong những triệu chứng của bệnh trĩ sau sinh

Đại tiện ra máu là một trong những triệu chứng của bệnh trĩ


Phòng ngừa Bệnh trĩ sau sinh

  • Chế độ ăn uống cần bổ sung nhiều chất xơ từ các loại rau củ quả, ví dụ như rau diếp cá, rau mồng tơi, rau đay, dưa chuột, khoai lang,...

  • Uống đủ nước mỗi ngày sẽ làm tăng nhu động ruột và giảm nguy cơ táo bón. Uống ít nhất 1.5 -  2 lít nước mỗi ngày.

  • Hạn chế ăn những đồ ăn nhanh hoặc chiên rán chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng,...

  • Sản phụ sau trong quá trình kiêng cữ sau sinh vẫn cần phải vận động thường xuyên bằng cách đi lại trong nhà. Hạn chế tối đa việc ngồi hoặc đứng một chỗ trong thời gian dài.

  • Khi đi đại tiện không nên cố gắng rặn, vệ sinh sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.

  • Khám sức khỏe định kỳ cho cả mẹ và con.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh trĩ sau sinh

  • Cảm thấy vướng víu khó chịu ở vùng hậu môn, có thể xuất hiện khối u cục hoặc sưng tại hậu môn.
  • Ngứa, rát hậu môn

  • Cảm giác khó chịu hoặc đau rát khi ngồi lâu

  • Đau nhức, chảy máu hậu môn khi đi đại tiện

  • Đại tiện khó khăn, phân có kèm máu,...

Khi có các triệu chứng bất thường, sản phụ cần thăm khám sớm bởi bác sĩ chuyên khoa

Khi có các triệu chứng bất thường, sản phụ cần thăm khám sớm bởi bác sĩ chuyên khoa


Các biện pháp điều trị Bệnh trĩ sau sinh

 

1. Bệnh trĩ có thể điều trị tại nhà hay không?

Bệnh trĩ không phải là căn bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh và không có nguy cơ đe dọa tính mạng. Việc điều trị bệnh trĩ tại nhà có thể hiệu quả khi người bệnh phát hiện bệnh từ sớm, các triệu chứng bệnh chưa nghiêm trọng, không có dấu hiệu biến chứng nặng,... Tuy nhiên, trước khi lựa chọn biện pháp tự điều trị tại nhà, bệnh nhân cũng nên hỏi ý kiến tư vấn từ các y bác sĩ có chuyên môn.

Một số phương pháp điều trị bệnh trĩ tại nhà:

  • Ngâm mình trong bồn tắm hoặc chậu với nước ấm có thể giảm thiểu cơn đau, giảm bớt áp lực các tĩnh mạch tại trực tràng.

  • Chườm đá giúp giảm đau nhức khó chịu. Có thể kết hợp ngâm mình trong nước ấm với biện pháp chườm đá xen kẽ nhau để có được hiệu quả điều trị tốt hơn.

  • Các sản phẩm vệ sinh cá nhân như băng vệ sinh, giấy vệ sinh, quần lót,... cần phải lựa chọn sản phẩm không có màu nhuộm, không mùi và có độ mềm nhất định để hạn chế gây trầy xước hậu môn.

  • Hạn chế tư thế ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu, kết hợp chế độ nghỉ ngơi với vận động nhẹ nhàng phù hợp.

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học: Chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể đầy đủ, bổ sung thêm một số loại rau xanh, trái cây nhằm tăng cường chất xơ. Cung cấp đầy đủ lượng nước uống hàng ngày vào cơ thể có thể làm tăng nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón.

  • Một số thảo dược có thể điều trị bệnh trĩ đã được kiểm chứng như diếp cá, lá bỏng, thiên lý,... sử dụng ăn trực tiếp, xay lấy nước hoặc xay đắp trực tiếp vào hậu môn.

  • Có thể sử dụng một số loại thuốc bôi trực tiếp nhưng cần được bác sĩ chuyên khoa kê đơn.

2. Phương pháp điều trị bệnh trĩ sau sinh

Mức độ nghiêm trọng của bệnh trĩ được chia thành 4 cấp độ chính từ cấp độ 1 cho đến cấp độ 4. Cấp độ bệnh trĩ được chẩn đoán càng cao thì các biểu hiện triệu chứng sẽ có xu hướng tăng dần và nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, bác sĩ luôn khuyến khích người bệnh nên tìm tới sự trợ giúp từ các y bác sĩ sớm nhất có thể nhằm cải thiện tình hình và ngăn ngừa nguy cơ bệnh phát triển nghiêm trọng hơn.

Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của các búi trĩ, biểu hiện nặng nhẹ của các triệu chứng bệnh và những vấn đề cá nhân của người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Điều trị nội khoa:

Đây là phương pháp điều trị được ưu tiên thực hiện hàng đầu nhằm bảo tồn các chức năng hoạt động bình thường, hạn chế tổn thương các tổ chức lành lặn. Đối với tình trạng mắc bệnh trĩ sau sinh, bác sĩ cần cân nhắc kỹ việc lựa chọn thuốc điều trị phù hợp nhằm cải thiện tình hình cũng như đảm bảo an toàn cho mẹ và em bé đang bú sữa.

Các loại thuốc được chỉ định điều trị bệnh trĩ sau sinh bao gồm: thuốc làm giảm kích thước búi trĩ và giảm tình trạng chảy máu, thuốc làm co mạch kết hợp tăng tính bền của thành mạch, thuốc làm mềm phân làm giảm nguy cơ táo bón, thuốc chống co thắt cơ vòng hậu môn,...

Phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn chỉ được thực hiện khi tình trạng bệnh chưa nghiêm trọng, ví dụ như tình trạng chảy máu cấp tính, thuyên tắc hoặc hoại tử búi trĩ không thể xử lý triệt để chỉ bằng thuốc. Phương pháp phẫu thuật xử lý búi trĩ sẽ được chỉ định thực hiện.

Điều trị phẫu thuật:

Trường hợp trĩ nội đơn thuần có thể thực hiện phương pháp phẫu thuật Longo để xử trí bệnh. Hiệu quả điều trị cao, không bị đau sau phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn, không có sẹo hở sau điều trị, ít xảy ra biến chứng hẹp hậu môn,...

Đối với các trường hợp bệnh trĩ hôn hợp có kèm các biến chứng nặng như tắc mạch, sa trĩ nội gây nghẹt cửa hậu môn,... các phương pháp phẫu thuật điều trị có thể lựa chọn bao gồm: Ferguson, Milligan Morgan, White Head.

Mục đích của phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh trĩ là loại bỏ búi trĩ ra khỏi cơ thể, sửa chữa các tĩnh mạch tại trực tràng, xử lý các triệu chứng bệnh nghiêm trọng,...

Một số thủ thuật điều trị khác có thể được thực hiện đơn độc hoặc hỗ trợ quá trình phẫu thuật điều trị bệnh trĩ như: Thắt vòng cao su (làm giảm lưu lượng máu tại búi trĩ, kích thước búi trĩ sẽ bị thu nhỏ dần); Tiêm xơ búi trĩ (tiêm hóa chất vào búi trĩ, búi trĩ tự teo nhỏ lại và rụng); Quang đông hồng ngoại (sử dụng tia hồng ngoại để thu nhỏ búi trĩ).


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.