Từ điển bệnh lý

Bệnh parkinson : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh parkinson

  • Bệnh parkinson lần đầu tiên được bác sỹ James Parkinson mô tả chi tiết  dưới một bệnh cảnh liệt rung (shaking palsy) vào năm 1817 và từ đó đến nay bệnh này được mang tên Ông. Đây là một bệnh thuộc nhóm thoái hoá các tế bào thần kinh ở liềm đen, thể vân.
  • Tỷ lệ mắc bệnh theo nghiên cứu WEMOVE (Hoa Kỳ) năm 2000: 57 - 371/100 000 dân, khoảng 1,5% số người từ 65 tuổi trở lên mắc căn bệnh này.
  • Không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ. Bệnh có thể gặp ở tất cả các nước, các dân tộc và các tầng lớp xã hội khác nhau.

Bênh parkinson

Bệnh parkinson

  • Tuổi khởi phát bệnh thường gặp: 55 tuổi, thuật ngữ bệnh Parkinson khởi phát trẻ đã được đưa ra khi đề cập đến những người bị ảnh hưởng có độ tuổi khởi phát dưới 40 tuổi.
  • Thời gian tiến triển trung bình: 14-18 năm
  • Nguyên nhân gây tử vong hay gặp nhất là viêm phổi. 

Nguyên nhân Bệnh parkinson

Mặc dù bệnh được mô tả năm 1817 nhưng đến nay nguyên nhân của bệnh Parkinson chưa được biết rõ, nó được cho là liên quan đến cả yếu tố di truyền và môi trường.

Vai trò yếu tố môi trường trong bệnh Parkinson

Các tác nhân nhiễm khuẩn: Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác nhân nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus  có thể gây bệnh Parkinson.

Vai trò của chấn thương: chưa có cơ sở rõ ràng  để nói rằng chấn thương sọ não có thể gây ra bệnh parkinson. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy tiền sử chấn thương sọ não làm tăng nguy cơ mắc bệnh parkinson hơn nhóm khác.

Các tác nhân nhiễm độc: Người ta nói đến vai trò của 1-methyl-4 phenyl-1,2,3,6-tetrahydropyridine (MTTP: thành phần hóa chất trong thuốc diệt cỏ dại)  trong bệnh Parkinson, quá trình tiếp xúc với MPTP cần phải có thời gian mới xuất hiện triệu chứng. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hiện mắc bệnh parkinson tăng cao ở các trung tâm công nghiệp  lớn (sử dụng nhiều hóa chất) và các vùng nông thôn có sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, diệt côn trùng có hóa chất MPTP hoặc hóa chất có cấu trúc giống MPTP.

Nguyên nhân gây ra bệnh parkingson đến từ nhiều phía

Yếu tố di truyền:

Yếu tố di truyền đóng vai trò rất quan trọng trong bệnh parkinson. Tác giả Burn (năm 1992) đã thấy số cặp sinh đôi cùng trứng (giống nhau 100% về yếu tố di truyền) cùng mắc bệnh Parkinson chiếm đến 45% trong khi các cặp sinh đôi khác trứng (giống nhu 50 % về các yếu tố di truyền) chỉ chiếm 29%. Năm 1997, Leroy đã phân lập được một gen nằm trên nhiễm sắc thể số bốn, người mang gen nà biểu hiện lâm sàng giống bệnh Parkinson . Có một số nghiên cứu tìm thấy đột biến gen Parkins ở nhiễm sắc thể số 6 và biểu hiện lâm sàng giống bệnh Parkinson. Do vậy yếu tố di truyền có thể tham gia cơ chế bệnh sinh parkinson .

Cho đến nay, mối quan tâm nhiều nhất tập trung vào các đột biến trong các gen SNCA, LRRK2, PRKN, PINK1 và GBA trong bệnh parkinson. Các đặc điểm chung của tất cả các đột biến là tuổi khởi phát bệnh sớm hơn, các dấu hiệu vận động tiến triển nhanh hơn và sự suy giảm nhận thức tiến triển nhanh hơn.

Cơ chế bệnh sinh

 Cơ chế bệnh sinh của pa đến nay còn tiếp tục được nhiên cứu, nhưng gần đây nhiều nghiên cứu đã cho thấy hiện tượng chết các neuron thuộc hệ tiết dopamine có vai trò quan trọng trong cơ chế gây ra bệnh Parkinson. Trong bênh parkinson sự giảm số lượng tế bào sắc tố ở phần đặc của liềm đen dẫn đến giảm sản xuất dopamine

Dopamine có chức năng vừa là hormone vừa là chất dẫn truyền thần kinh và đóng vai trò quan trọng trong não và cơ thể. Ở bệnh Parkinson, do lượng dopamine giảm gây mất cân bằng sự hưng phấn và ức chế trong hệ thống nhân xám, làm giảm hoạt hoá vỏ não, gây rối loạn vận động

Điều hòa hoạt động bình thường của hệ thống nhân xám cần đến cả Dopamin và Acetylcholine (Dopamine ức chế hoạt tính còn acetylcholin thì kích thích hoạt tính của nhân xám, vai trò của hai chất này trong hoạt động nhân xám bình thường là cân bằng nhau). Do vậy, sự giảm nồng độ dopamine trong não trong khi nồng độ Acetylcholine (ACh) trong não bình thường, mặt khác acetylcholin là một chất dẫn truyền kiểu kích thích sẽ gây nên các triệu chứng căng cứng trong bệnh Parkinson.

Ngoài dopamine, trong bệnh Parkinson còn có thể thấy rối loạn của nhiều chất dẫn truyền thần kinh khác: serotonin, cholecystokinin, chất P, enkephalin,…


Triệu chứng Bệnh parkinson

Giai đoạn đầu các triệu chứng thường kín đáo, tiến triển nặng dần theo thời gian. Có thể hồi cứu thấy bệnh nhân có triệu chứng cứng vùng lưng, cổ, vai, háng không rõ ràng và không được giải thích đầy đủ bằng bệnh lý khớp khác trước đó nhiều năm khi được chẩn đoán parkinson.

Triệu chứng vận động

Run khi nghỉ: xuất hiện sớm, giai đoạn đầu khu trú 1 bên cơ thể, thường quan sát rõ ngọn chi, và thường ở tay. Sau đó run tiến triển theo thời gian lan dần sang cách chi, khác của cơ thể, ở môi thường gặp là môi dưới, đôi khi run ở đầu. Run ở tay có đặc điểm:

  • Đều, chậm 4-6 chu kỳ/giây
  • Động tác vê thuốc, bóp vụn bánh mì
  • Mất khi làm động tác (ví dụ khi yêu càu bệnh nhâm cầm đồ vật), ngủ
  • Tăng khi mệt, xúc động, tính toán

Giảm động: triệu chứng cơ bản và xuất hiên sớm ở bệnh nhân parkinson

  • Mất động tác tự phát: mặt ít linh hoạt, ít chớp mắt, mất vẻ biểu lộ tình cảm, nặng hơn nữa có vẻ mặt bất động. Nếu các triệu chứng này xuất hiện 1 bên mặt gây cảm giác như liệt mặt
  • Tay giảm hoặc không vung vẩy khi đi, hai tay dán sát vào thân tuy nhiên không giảm cơ lực. Do vậy bệnh nhân rất khó trong thực hiện các động tác liên tiếp như chơi đàn…
  • Động tác nghèo nàn, chậm chạp, khó khăn khi bắt đầu động tác nếu giai đoạn xuất hiện 1 bên cơ thể thì cảm giác như bệnh nhân bị liệt nửa người
  • Dấu hiệu này có thể biểu hiện về chữ viết ( chữa viết chậm dần và nhỏ lại), biểu hiện về giọng nói (giọng yếu, đơn điệu, ngắt quãng và dần trở lên khó nghe).

Tăng trương lực cơ: Triệu chứng hằng định nhất

Co cứng cơ kiểu ngoại tháp: trong suốt quá trình thầy thuốc căng cơ thụ động hoặc vận động 1 khớp  thì thầy thuốc luôn cảm nhận thấy có một lực đề kháng tương đương. Khi đề tay bệnh nhân ở một tư thế mới , người bệnh có xu hướn giữ nguyên và tay kém đung đưa.

Tư thế không vững

  • Tư thế không vững: ngã về sau khi đẩy nhẹ ra sau, ngước nhìn lên trên, nâng đầu...
  • Giai đoạn nặng có dấu hiệu đông cứng (freezing) : chức năng vận động bị “nghẽn” lại, chân như dính chặt dưới mặt đất. Khi mới ngồi dậy hoặc bắt đầu đi người bệnh rất khó bước, chân như dậm tại chỗ, ngập ngừng khi làm các động tác

Rối loạn tư thế

- Tư thế đứng

  • Đầu, thân cúi về phía trước
  • Đầu gối hơi gấp
  • Vai nhô ra trước
  • Tay nửa gấp, dính xát người

- Khi đi:

  • Bắt đầu khó, chậm, chân không nhấc lên được
  • Bước ngắn, thành một khối

Triệu chứng tâm thần:

  • Lo âu: giai đoạn đầu bệnh nhân nhận thức chưa đầy đủ về bệnh thường có thể có biểu hiệu lo lắng sợ hãi , sau đó triệu trứng lo âu có thể xuất hiện khi các triệu chứng vận động của bệnh nhân tăng dần hơn.
  • Trầm cảm: chiếm khoảng 30-50% bệnh nhân pa và không có đặc điểm gì khác biệt so trầm cảm trong bệnh lý khác
  • Hoang tưởng: thường là hoang tưởng bị hại..
  • Ảo giác : thường gặp là ảo thị vào buổi tối
  • Rối loạn giấc ngủ: có đến 98 % bệnh nhân có triệu chứng này với biểu hiện khó vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, hay thức giấc trong đêm, khó khăn khi quay lại giấc ngủ, ban ngày có thể ngủ gà.
  • Sa sút trí tuệ: là tình trạng rối loạn chức năng nhận thức của bệnh nhân Pa làm ảnh hưởng hoạt động sống hàng ngày của bệnh nhân pa và thường xuất hiện ở giai đoạn nặng của bệnh parkinson

Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

  • Chảy nước dãi (tăng tiết nước bọt, giảm nuốt).
  • Tăng tiết chất bã: Bộ mặt trát kem.
  • Khó nuốt: kết hợp tăng tiết nước bọt dễ dẫn đến viêm phổi hít.
  • Rối loạn co bóp dạ dầy và thực quản.
  • Táo bón: Giảm dịch TH, giảm nhu động ruột.
  • Rối loạn vận mạch: Lạnh chi, tụt huyết áp tư thế.
  • Phù chi dưới, tím ( do bệnh nhân ít vận động).
  • Rối loạn thân nhiệt: vã mồ hôi.
  • Gầy sút cân: thường nhẹ cân, suy dinh dưỡng ở giai đoạn bệnh nặng.
  • Rối loạn tiểu tiện: Tiểu tiện không tự chủ, cơ thắt bàng quang.
  • Rối loạn tình dục: Thường ít được thầy thuốc và bệnh nhân quan tâm, thường gặp là giảm nhu cầu tình dục.

Triệu chứng khác

  • Rối loạn cảm giác: Loạn cảm đau, nóng bức, kiến bò…
  • Hội chứng chân không nghỉ: Thường xảy ra ban đêm có cơn đau nhói, tê chân, khó chịu ở chân không sưng đỏ các khớp khiến người bệnh không thể kiểm soát được làm cho bệnh nhân khó chịu, buộc phải di chuyển chân liên tục.
  • Đau khớp vai hoặc khớp háng: Có thể hồi cứu thấy bệnh nhân có triệu chứng cứng “mơ hồ” vùng lưng, cổ, vai, háng không rõ ràng và không được giải thích đầy đủ bằng bệnh lý khớp khác trước đó nhiều năm khi được chẩn đoán parkinson. Giai đoạn tiến triển của bệnh đau khớp này rõ ràng hơn kèm theo dị cảm chân tay.

Các biến chứng Bệnh parkinson

Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính tiến triển nặng dần theo thời gian, mặc dù tốc độ tiến triển nặng dần khác nhau giữa các cá thể, chưa có thuốc điều trị căn nguyên mà chủ yếu điều trị triệu chứng. Thời gian sống  trung bình là 14-18 năm.  Ngoài các tác dụng phụ của các thuốc có thể gặp phải trong quá trình điều trị tai biến, biến chứng thương găp sau:

  • Suy mòn, suy kiệt do chức năng đường tiêu hóa kém, bệnh nhân run nhiều mất năng lượng. Giai đoạn muộn khi có sa sút trí tuệ bệnh nhân không ăn.

Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính tiến triển nặng dần theo thời gian

Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính tiến triển nặng dần theo thời gian

  • Thiếu vitamin D nên dễ gây loãng xương do tình trạng ít vận động. Tổn thương khớp do run
  • Dễ bị ngã do mất thăng bằng, kết hợp với loãng xương thường gặp  nhất là gãy cổ xương đùi.
  • Loét vùng tì đè thường gặp khi bệnh nhân nằm liệt giường hoặc khi có chấn thương khiến bệnh nhân mất khả năng tự phục vụ phải dựa người khác chăm sóc
  • Viêm phổi hít  thường gặp giai đoạn nặng do bệnh nhân suy mòn kết hợp co cứng cơ nên mất khả năng ho khạc, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu 

Phòng ngừa Bệnh parkinson

Người chăm sóc bệnh nhân là hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng như kéo dài thời gian sống bệnh nhân.

Người chăm sóc đóng vai trò then chốt trong giai đoạn nặng của bệnh, lúc này mọi sinh hoạt bệnh nhân đề phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Do vậy cũng cần chú ý đến chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho đối tượng này.

Các triệu chứng rối loạn nhận thức và hành vi của bệnh nhân parkinson là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ức chế và trầm cảm ở người chăm sóc.

Chuyên khoa Thần kinh tại MEDLATEC

Bệnh nhân có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào thường gặp nói trên cần khám và tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa Thần Kinh . Với phương châm “Dịch vụ tốt, Công nghệ cao”, đến khám tại Bệnh viện ĐK MEDLATEC người bệnh sẽ luôn được quan tâm chăm sóc và chia sẻ tận tình bởi các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh ( với GS, BS chuyên khoa sâu) cũng như đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp trong thời gian tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật, và ngày lễ.

Đến khám tại Bệnh viện ĐK MEDLATEC

  • Thông tin liên hệ:
  • Bệnh viện Đa Khoa MEDLATEC
  • Địa chỉ: 42 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.
  • Tổng đài: 1900 56 56 56.
  • Website: www.medlatec.vn * Email: info@medlatec.com

Các biện pháp chẩn đoán Bệnh parkinson

Xét nghiệm máu, dịch não tuỷ: kết quả các chỉ số thường nằm trong giới hạn bình thường

Xét nghiệm máu, dịch não tuỷ

Xét nghiệm máu, dịch não tuỷ

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

  • CT – Scanner sọ não: thường không được ưu tiên trong bệnh Parkinson.
  • Chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI):  Hình ảnh teo phần đặc của liềm đen, thu hẹp chất đen ở thân não, liềm đen giảm cường độ tín hiệu trên T2.
  • Chụp cắt lớp phóng xạ sọ não - PET: Đánh giá tình trạng các tế bào thần kinh sản xuất dopamine ở liềm đen hoặc các thụ thể dopamine ở thể vân.
  • Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn - SPECT: Sử dụng các chất đánh dấu đánh giá sự hấp thu phóng xạ của các hạch nền não.

Trắc nghiệm thần kinh: Thường được sử dụng đánh giá rối loạn hành vi, rối loạn chức năng nhận thức của bệnh nhân.

* TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán bệnh Parkinson cho đến nay vẫn chủ yếu là chẩn đoán lâm sàng. Chưa  có xét nghiệm nào là tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán bệnh Parkinson. Do vậy chẩn đoán bênh parkinson gồm:

  1. Giảm động.
  2. Kèm theo ít nhất 1 trong 3 triệu chứng chính:
    • Tăng trương lực
    • Run
    • Rối loạn tư thế
  3. Kèm theo ít nhất 3 trong 7 triệu chứng phụ sau:
    • Khởi phát một bên
    • Không cân xứng
    • Tiến triển nặng dần
    • Đáp ứng tốt với Levodopar
    • Đáp ứng với Levodopar > 5 năm
    • Bệnh kéo dài trên 10 năm
    • Múa giật khi dùng Levodopar
  4. Không do bệnh khác: tai biến mạch mãu , viêm não, u não, tác dụng phụ của thuốc…

* CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

Bệnh parkinson cần được phân biệt với một số bệnh thường gặp

  • Run tuổi già: Thường gặp ở người trên 70 tuổi, run xuất hiện khi vận động hoặc run tư thế, không xảy ra lúc nghỉ ngơi, run xảy ra khi viết và làm động tác tinh vi nhưng không thấy rối loạn chữ viết như trong bệnh parkinson (chữ viết  nhỏ dần). Trong run tuổi già trương lực cơ bình thường. Hiếm khi thấy run chân và thường không có tính chất khởi phát từ một bên như trong bệnh Parkinson.
  • Run nguyên phát (run gia đình – essential tremor): Bệnh nhân có tiền sử gia đình, run chủ yếu thấy kiểu gật đầu hoặc lắc đầu, không thấy run ở mặt và môi, có thể xảy ra ở tuổi thiếu niên, không có các triệu chứng thần kinh khác, run tư thế, trương lực cơ bình thường
  • Hội chứng Parkinson do thuốc an thần: Sau dùng thuốc an thần, khởi phát toàn thân, rối loạn thần kinh thực vật nặng nề hơn, hết triệu chứng khi cắt thuốc an thần hoặc dùng ức chế cholinergic.
  • Hội chứng Parkinson căn nguyên mạch máu: Có tiền sử mắc bệnh mạch máu não, do vậy thường dấu hiệu thần kinh khu trú khác như liệt… ít gặp triệu chứng run, hay gặp cứng đơ, đáp ứng kém với liệu pháp L-dopa.
  • Run do hystérie: Gặp ở phụ nữ trẻ tuổi, có yếu tố tâm lý kích động, thường biên độ lớn, xảy ra đông người, run cả khi vận động.
  • Cường giáp: Run thường xuất hiện tần số nhanh, biên độ nhỏ, ngoài ra biểu hiện sút cân, da ấm và ẩm, lồi mắt, trương lực cơ bình thường.

Các biện pháp điều trị Bệnh parkinson

Hiện nay chưa có thuốc điều trị khỏi hay điệu trị kéo dài thời gian sống của bệnh mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng nhằm cải thiện triệu chứng bệnh nhân đang có, phòng ngừa biến chứng của bệnh, việc giải thích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu rõ về bênh parkinson là vô cùng quan trọng, do vậy trước khi điều trị cần cân nhắc

  • Tuổi của bệnh nhân;
  • Mức độ nặng của triệu chứng;
  • Thời gian mắc bệnh;
  • Tiến triển của bệnh;
  • Bệnh kèm theo, các thuốc;
  • Gia đình, công việc hiện tại;
  • Dung nạp thuốc;
  • Giá thành điều trị.

Cần phải tiến hành điều trị bệnh sớm

Cần phải tiến hành điều trị bệnh sớm

Các phương pháp điều trị hiện nay là

1. Cân bằng sự thiếu hụt Dopamin: Phải cá thể hóa từng bệnh nhân parkinson khi điều trị , và thường đơn trị liệu với liều thấp nhất cho kết quả tốt nhất, đơn trị liệu thất bại mới lựa chọn đa trị liệu.

  - Cung cấp nguồn Dopamine ngoại sinh.

  - Cung cấp các chất có tác dụng giống Dopamine (Đồng vận Dopaminergic).

  - Làm chậm quá trình giáng hóa Dopamine bằng các thuốc ức chế men chuyển hóa.

  - Các thuốc khác ( Kháng cholinergic).

2. Dự phòng hoặc làm chậm quá trình mất tế bào thần kinh bằng thuốc bảo vệ tế bào thần kinh.

3. Điều trị các triệu chứng không phải vận động: triệu chứng tâm thần, sa sút trí tuệ.

4. Điều trị bệnh đồng diễn: do bệnh nhân thuộc nhóm người già thường phối hợp nhiều bệnh lý mạn tính.

5. Các biện pháp khác: phẫu thuật, kích thích não sâu, tế bào gốc…

6. Chế độ dinh dưỡng: bệnh nhân pa là vô cùng cần thiết, đặc biệt giai đoạn cuối khi phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc.

8. Phục hồi chức năng bao gồm:

  • Vật lý trị liệu
  • Vận động trị liệu
  • Ngôn ngữ trị liệu
  • Hoạt động trị liệu và lao động trị liệu

Tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình thần kinh học, bộ môn Thần kinh, trường Đại học Y Hà Nội.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.