Từ điển bệnh lý

Bệnh lao hạch : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh lao hạch

Bệnh lao hạch là một chứng bệnh lao ngoài phổi và hay xảy ra ở nước ta. Bệnh này rất phổ biến ở đối tượng trẻ em và ngày nay đang có xu hướng tăng mạnh. Các vị trí có thể bị lao hạch:

  • Lao hạch ngoại biên: thường gặp nhất và hay xuất  hiện ở các bộ phận như hạch bẹn, hạch nách, hạch cổ.
  • Lao hạch ở các cơ quan nội tạng: hạch mạc treo, hạch trung thất,...

Bệnh lao hạch là một chứng bệnh lao ngoài phổi và hay xảy ra ở nước ta

Bệnh lao hạch là một chứng bệnh lao ngoài phổi và hay xảy ra ở nước ta

Nhiều người có chung một băn khoăn đó là bệnh lao hạch có nguy hiểm không thì có  thể an tâm là bệnh này ít gây nguy hiểm, không dẫn tới tử vong và có khả năng chữa khỏi được. Tuy nhiên bệnh lại lưu hành phổ biến và thường có diễn biến kéo dài, gây cản trở nhiều trong đời sống sinh hoạt của bệnh nhân. Ngoài ra lao hạch còn để lại nhiều di chứng và sẹo dị dạng làm mất thẩm mỹ, do vậy chúng ta không nên thờ ơ trước căn bệnh này.

Ngày nay tồn tại 2 thể lao hạch chính đó là: lao hạch khí phế quản chỉ xuất  hiện ở trẻ em, thứ hai là lao hạch ngoại vi tìm thấy ở mọi độ tuổi. Thanh thiếu niên là những đối tượng dễ bị mắc lao hạch, bên cạnh đó tỷ lệ nữ giới có nguy cơ mắc lao hạch cao gấp 2 lần so với nam giới. Không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, lao hạch cũng rất phổ biến và mọi đối tượng đều có thể bị mắc căn bệnh này.


Nguyên nhân Bệnh lao hạch

Trực khuẩn lao chính là nguyên nhân gây nên bệnh lao hạch và loại hay gặp nhất là Mycobacterium tuberculosis. Vị trí mà trực khuẩn lao dễ dàng xâm nhập là các hạch viêm ngoại vi, khi chúng đã xâm lấn vào những khu vực này thì sẽ bắt đầu khu trú và gây bệnh lao hạch. 

“Truy vết” trực khuẩn lao khi vào cơ thể:

Vi khuẩn lao di chuyển vào cơ thể 

Vi khuẩn lao di chuyển vào cơ thể 

Chúng có thể di chuyển trực tiếp một cách dễ dàng qua những tổn thương ở vùng niêm mạc miệng, hoặc do nhiễm khuẩn, sang chấn. Sau đó chúng đi vào đường bạch huyết và gây viêm hạch tại nhiều chỗ. 

Ngoài ra lao hạch cũng có thể là lao thứ phát sau lao phổi. Vi khuẩn lao sau khi  tấn công và gây bệnh tại phổi, chúng lợi dụng đường máu đi theo đến tổ chức hạch và gây bệnh tại đây. Tuy nhiên khác với lao phổi, vi khuẩn lao khi vào các hạch lại chỉ khu trú gây viêm trong hạch mà không lan sang những bộ phận khác. Chính vì thế có thể khẳng định bệnh lao hạch không có cơ chế lây nhiễm từ người sang người.


Triệu chứng Bệnh lao hạch

Bệnh nhân nếu bị trực khuẩn lao gây bệnh tại hạch sẽ xuất hiện triệu chứng điển hình đó là có một hoặc nhiều hạch sưng to bất thường. Do việc gia tăng kích cỡ của hạch phát triển từ từ nên người bệnh không nhận thức được hạch bắt đầu xuất hiện từ khi nào. Hạch lớn dần, không có cảm giác đau, bề mặt nhẵn, mật độ chắc, vùng da quanh hạch sưng to nhưng không nóng, không tấy đỏ. Có thể bắt gặp hiện tượng nhiều hạch cùng bị sưng một lúc và tụ lại thành một chuỗi, đôi khi cũng chỉ gặp duy nhất một hạch ở vùng cổ bị sưng to.

Các dấu hiệu điển hình của bệnh lao hạch 

Các dấu hiệu điển hình của bệnh lao hạch 

Có 3 giai đoạn phát triển của lao hạch:

- Giai đoạn đầu: hạch có dấu hiệu sưng to dần, không đều nhau, dễ di động do chưa bị kết dính vào nhau và chưa dính vào da. Có trường hợp bệnh dừng lại ở giai đoạn này, nhưng  cũng có khi chuyển sang thời kỳ viêm hạch kèm theo viêm lan sang xung quanh hạch.

- Giai đoạn sau: các hạch to hơn và do xuất hiện viêm xung quanh tổ chức hạch nên chúng có thể dính vào nhau tạo thành chuỗi hoặc mảng, hay dính vào da và các cấu tạo xung quanh khiến hạch khó di động.

- Giai đoạn nhuyễn hoá: các hạch mềm dần, sờ thấy lùng nhùng, da vùng này sưng tấy và đỏ, không đau không nóng, thấy được cả đỉnh mũ. Khi hạch hóa mủ sẽ dễ bị vỡ, tạo nên những lỗ rò và lâu lành, miệng lỗ rò tím ngắt lại, lâu dần hoá sẹo lồi, nhăn nheo hoặc có hình thù như những dây chằng xơ rất mất thẩm mỹ.  Đặc điểm của mủ chảy ra là thường không dính, màu xanh nhạt, có bã đậu lổn nhổn lẫn trong mủ.

Nhìn chung thể trạng bệnh nhân không bị ảnh hưởng nhiều trong quá trình mắc lao hạch. Thỉnh thoảng sẽ có triệu chứng sốt nhẹ và mệt mỏi, thêm vào đó có hiện tượng bội nhiễm, kèm theo các tổn thương lao ở những cơ quan khác như xương, phổi,...

Viêm hạch lao phì đại thường có các triệu chứng:

- Ở cổ xuất hiện khối u.

- Một hoặc vài hạch nổi to, sau các hạch dính thành một khối, không đỏ, không đau và di động được.

- Các khối u to dần và chiếm diện tích gần hết khu vực cổ khiến cho bộ phận này bị biên dạng.

- Ngoài ra những hạch ở vị trí mang tai, dưới hàm,... cũng có dấu hiệu phì đại.

Mặc dù bệnh viêm hạch lao phì đại rất hiếm gặp nhưng một khi đã mắc thường gặp nhiều khó khăn trong điều trị dứt điểm.


Đường lây truyền Bệnh lao hạch

Như đã chứng minh, lao hạch khác với lao phổi ở điểm là khi trực khuẩn lao tấn công các hạch thì chúng chỉ khu trú trong hạch mà không lây bệnh sang cơ quan khác nên không lây từ người bệnh sang người lành. Do đó đây không thuộc nhóm bệnh lây nhiễm. Tuy nhiên điều trị lao hạch cũng giống với phác đồ sử dụng trong điều trị lao phổi, ức chế và tiêu diệt vi khuẩn lao bằng cách cho bệnh nhân sử dụng kết hợp các loại thuốc theo từng giai đoạn. 


Đối tượng nguy cơ Bệnh lao hạch

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh lao hạch, phương pháp tốt nhất và dễ áp dụng nhất đó là mỗi người nên tự nâng cao ý thức tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho bản thân. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh lao hạch.

Ai cũng có thể mắc bệnh lao hạch

Ai cũng có thể mắc bệnh lao hạch


Phòng ngừa Bệnh lao hạch

Bên cạnh đó cũng cần áp dụng những biện pháp dưới đây để phòng ngừa bệnh:

- Có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và hạn chế sử dụng rượu bia.

Hạn chế sử dụng rượu bia để phòng ngừa bệnh

Hạn chế sử dụng rượu bia để phòng ngừa bệnh

- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ ít nhất là 2 lần/ngày. Nếu mắc các vấn đề về răng miệng thì cần chủ động đi thăm khám và xử lý sớm.

- Nâng cao thể lực bằng cách vận động điều độ, tập thể dục thể thao thường xuyên, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi.

- Nếu đã được chẩn đoán xác định mắc lao hạch, bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa nhằm điều trị dứt điểm, tránh tình trạng vi khuẩn lao lan rộng và gây bệnh tại các bộ phận khác. 


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh lao hạch

Biện pháp chẩn đoán xác định

Bác sĩ sẽ dựa trên những biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân cũng như một số các xét nghiệm bao gồm:

- Sinh thiết hạch chẩn đoán mô bệnh.

- Chọc hạch thực hiện xét nghiệm tế bào.

- Chụp X-quang phổi.

Chụp X-quang phổi tại BVĐK MEDLATEC

Chụp X-quang phổi tại BVĐK MEDLATEC

- Cấy BK.

Phương pháp chẩn đoán phân biệt

- Chẩn đoán cần phân biệt hàng đầu đó là viêm hạch cấp hay mạn tính là do vi khuẩn hay virus gây nên. Trường hợp các hạch của bệnh nhân có triệu chứng sưng đỏ, nóng, sờ thấy đau, mật độ mềm và điều trị kháng sinh có hiệu quả thì đó là dạng hạch viêm do nhiễm khuẩn.

- Phân biệt với hạch di căn do ung thư: sinh thiết hạch và có dấu hiệu lâm sàng của ung thư nguyên phát.

- Phân biệt với bệnh Hodgkin và Non-Hodgkin: tiến hành sinh thiết hạch và làm tủy đồ.

- Phân biệt  với các dạng u lành tính như: u thần kinh, u xơ, u mỡ, u nang bạch huyết,...


Các biện pháp điều trị Bệnh lao hạch

Nói chung đây là thể lao dễ điều trị so với các bệnh lao khác. Dưới đây là những phương pháp được áp dụng trong việc điều trị lao hạch:

Điều trị nội khoa

Nguyên tắc điều trị cũng tương đồng với các bệnh lao khác. Bệnh nhân cần sử dụng phối hợp với những loại thuốc chống lao khác nhau (ít nhất là từ 3 thuốc trở lên). Tùy vào thể bệnh cũng như sức khoẻ của người bệnh sẽ quyết định thời gian điều trị, thường thì sẽ kéo dài trong khoảng từ 4 - 12 tháng.

Ở trẻ em, việc chữa lao hạch thường đạt hiệu quả tốt nếu kết hợp việc sử dụng thuốc điều độ với ý thức giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt như chữa hoặc nhổ răng sâu, vệ sinh răng miệng thường xuyên và sạch sẽ.

Khi lao hạch sang tới giai đoạn hạch đã hóa mủ, có dấu hiệu sắp vỡ thì có thể thực hiện hút mủ để tránh tạo các lỗ rò và sẹo xấu. Bên cạnh đó cần tiếp tục dùng thuốc rimifon hết hợp kháng sinh trong vài tháng ngay cả khi không có triệu chứng bệnh.

Một lưu ý khác đó là các thuốc chống lao thường có tác dụng phụ là gây hại cho gan nên cần kết hợp thêm với những thuốc hoặc sản phẩm giúp hạ men gan, bảo vệ sức khỏe cho lá gan của cơ thể.

Biện pháp điều trị ngoại khoa

Có các cách loại bỏ hạch như sau:

- Mổ cắt toàn bộ hạch: thực hiện đối với trường hợp hạch hóa mủ nhưng điều trị bằng cách chọc dò và sử dụng kháng sinh nhưng không hiệu quả. Hoặc trường hợp u lympho lao hạch, lao không hóa mủ, khu trú. Tốt nhất là cần chữa lao trước khi tiến hành phẫu thuật để phòng ngừa sự lan tràn của vi khuẩn.

- Mổ và nạo vét sạch các mủ bã đậu, kết hợp đắp kháng sinh chống lao.

Chú ý: khi bệnh nhân là trẻ em thì không nên cắt bỏ hạch quá sớm do hạch còn có tác dụng bảo vệ cơ thể, tránh sự tấn công của vi khuẩn lao. 


Tài liệu tham khảo:

  • Bệnh lao hạch | Vinmec
  • Bệnh lao hạch là gì? Nguyên nhân, triệu chứng & điều trị | Hello bác sĩ

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.