Từ điển bệnh lý

Bệnh giòi : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh giòi

Bệnh giòi (Myiasis)  là bệnh do căn nguyên ký sinh trùng - ấu trùng giòi (ấu trùng ruồi Maggot) gây bệnh trong cơ thể con người và động vật có vú khác. Rất rất nhiều căn nguyên ruồi nhặng là vec tơ truyền bệnh. Con người thường nhiễm bệnh khi tiếp xúc với ấu trùng trong thức ăn, nước uống bị ô nhiễm. Ấu trùng có thể gây bệnh tại rất nhiều cơ quan trong cơ thể như da, niêm mạc; mắt, tai mũi họng; cơ quan tiêu hóa, sinh dục – tiết niệu,… Tìm thấy ấu trùng giòi trong cơ quan bị nhiếm bệnh là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định. Điều trị bệnh thường phổi hợp việc xử lý và làm sạch cơ quan bị nhiễm bệnh và loại bỏ trực tiếp ấu trùng gây bệnh. Các biện pháp phòng bệnh như diệt ruồi nhặng và phòng các con đường lây nhiễm là biện pháp phòng bệnh rất quan trọng

Bệnh giòi (Myiasis) là bệnh do căn nguyên ký sinh trùng - ấu trùng giòi (ấu trùng ruồi Maggot) gây bệnh


Nguyên nhân Bệnh giòi

Thuật ngữ “ Myiasis”  xuất hiện vào năm 1840 khi các nhà y học đã quan sát được trên các vết thương hở thấy ấu trùng ruồi gây bệnh. Chu kỳ sinh học và phát triển của chúng được ghi nhận rõ nhất trên cơ thể cừu. Ruồi nhặng thường phát triển đặc biệt ở những khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới và hàng ngày đẻ trứng với số lượng nhiều. Trứng của ruồi nhặng gây nhiễm phân, nước tiểu của động vật và thường mất trung bình khoảng 1 ngày để thành ấu trùng. Ấu trùng gây tổn thương da nhờ bộ phận ở miệng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi thăm nhập tổ chức dưới da từ đó gây tổn thương mô sâu của vật chủ, thậm chí gây các lỗ rò cơ quan.

Các loài ruồi chính gây bệnh giòi ở người​

Vector gây bệnh của vật chủ: các loài ruồi chính gây bệnh giòi ở người gồm: Dermatobia hominis (ruồi nhặng xanh ở người); Cordylobia anthropophaga; Oestrus ovis; Hypoderma spp; Gasterophilus spp; Cochliomyia hominivorax; Chrysomya bezziana; Musca domestica (ruồi nhà); Fannia spp. (ruồi trong nhà vệ sinh); Eristalis tenax (ruồi đuôi chuột); Muscina spp.


Triệu chứng Bệnh giòi

Bệnh giòi có thể gặp ở nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể như da và niêm mạc; vùng mũi xoang, hầu họng; mắt; tai; cơ quan tiêu hóa; cơ quan sinh dục, tiết niệu; thần kinh trung ương;…

- Bệnh giòi ở da và niêm mạc:

* Tổn thương da dạng nhọt: vị trí da bị ấu trùng xâm nhập có thương tổn dạng nhọt, bên trong chứa nhiều ấu trùng. Hai tác nhân gây bệnh chính là Dermatobia hominisCordylobia anthropophaga. Khi thăm khám thấy sẩn, cục bị lõm giữa, đôi khi nhìn thấy lỗ thở của ấu trùng nhỏ màu đen hoặc thấy chúng gián tiếp qua các bong bóng của dịch tiết, dịch tiết thường là dịch máu lẫn với dịch huyết thanh hoặc dịch mủ. Người bệnh thường có cảm ngứa và cảm nhận thấy có vật gì bên trong, đau tăng về đêm. Ngoài ra có thể gặp các thương tốn khác như mụn nước, vết trợt, vết loét trên da. Khi người bệnh được điều trị, tổn thương có thể khỏi hoàn toàn, một số người bệnh để lại di chứng sẹo hoặc tăng sắc tố da. Tuy nhiên, khi bị thương tổn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi bội nhiễm vi khuẩn. Các triệu chứng cơ quan khác thường ít gặp, người bệnh có thể sưng hạch vùng lân cận, sốt và các biểu hiện khác gặp khi có bội nhiễm thứ phát.

Vị trí da bị ấu trùng xâm nhập có thương tổn dạng nhọt

* Tổn thương khi ấu trùng di chuyển: thương tổn ban đầu giống trong tổn thương da dạng nhọt, tuy nhiên sau một thời gian, ấu trùng di chuyển, xâm nhập vào thượng bì, đào rãnh tạo các tổn thương đỏ, đường đi ngoằn nghèo độ dài khoảng từ 1 cm đến vài chục cm, bờ cao hơn bề mặt da, màu nhạt dần về cuối đường đi. Bên cạnh đó có thể gặp mụn mủ, sẩn, phù nề thứ phát. Người bệnh thường cảm giác ngứa, châm chích da rất nhiều. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ấu trùng có thể di chuyển đến các cơ quan khác, mô sâu trong cơ thể.

* Gây bệnh tại các vết thương: vết thương thường chảy máu, chảy dịch, chảy máu và hoại tử. Thương tổn nhiều ngóc ngách, đôi khi tạo hang, tiết dịch máu, mủ, nhiều mùi hôi. Bên dưới các mô bị tổn thương, phá hủy, kèm theo thường bị bội nhiễm vi khuẩn thứ phát. Người bệnh có biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng như sốt, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, nổi hạch vị trí lân cận,…

- Bệnh giòi thể mũi xoang, hầu họng: Triệu chứng lâm sàng thường thay đổi phụ thuộc vào vị trí tổn thương. Ở miệng có thể gặp các triệu chứng như đau, sưng, hôi miệng, một số trường hợp ấu trùng chết trong niêm mạc miệng gây sưng đau có thể chẩn đoán nhầm với u tuyến nước bọt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các lỗ rò vùng miệng, bội nhiễm vi khuẩn đặc biệt là vi khuẩn kỵ khí. Ở mũi thường gây kích ứng và tăng tiết dịch mũi nhiều, phù nề mũi, cảm giác có dị vật trong mũi, đau mũi, chảy máu cam hoặc dịch mũi thối, chua kèm theo có thể có sốt. Bệnh giòi thể tai khiến người bệnh có cảm giác có vật bò trườn trong tai kèm theo thường xuyên nghe thấy tiếng vo vo trong tai, chảy máu, dịch dịch tai, cảm giác ngứa, ù tai kèm theo chóng mặt, nghe kém. Dịch tai tiết nhiều, mùi hôi, bẩn. Ấu trùng có thể xâm nhập sâu hơn vào nhu mô não.

Khi ấu trùng gây bệnh ở cổ họng, người bệnh thường xuyên có cảm giác có dị vật trong họng, ngứa và cảm giác nóng nát kèm theo ho ( thường ho khan, ho nhiều), thở khò khè.

- Bệnh giòi tại cơ quan sinh dục  - tiết niệu: người bệnh có thể bị viêm âm đạo, âm hộ với biểu hiện khí hư hôi và ngứa, bỏng rát vùng cơ quan sinh dục, ở nam giới có thể gặp viêm bao quy đầu, niệu đạo, loét sinh dục,… Cơ quan sinh dục trong ít bị nhiễm bệnh hơn cơ quan sinh dục ngoài.

- Bệnh giòi tại cơ quan tiêu hóa: nguyên nhân do con người ăn phải thức ăn hoặc uống nước uống bị nhiễm ấu trùng. Người bệnh có thể đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng, ngứa hậu môn hoặc chảy máu đường tiêu hóa dưới.

- Bệnh giòi tại mắt: người bệnh đau mắt, sợ ánh sáng, giảm thị lực, phù nề mắt, chảy nước mắt,… Thăm khám thấy kết mạc sung huyết, xuất huyết kết mạc, giả mạc nhiều,….

- Bệnh giòi tại hệ thần kinh trung ương: tương đối ít gặp tuy nhiên để lại di chứng và tỉ lệ tử vong cao. Biểu hiện tổn thương nhu mô não và màng não, thùy trán hay gặp tổn thương kèm theo có tăng áp lực nội sọ và giãn não thất.


Các biến chứng Bệnh giòi

Các biến chứng có thể gặp đó là: mô cơ thể bị phá hủy và biến dạng ảnh hưởng đến chức năng cơ quan như giảm thị lực thậm chí mù lòa, giảm thích lực, mất sự toàn vẹn của da, tổn thương nhu mô não gây nguy hiểm tính mạng,…; gây biến chứng bội nhiễm thứ phát như nhiễm vi khuẩn, vi nấm; tạo lỗ rò từ các cơ quan bị nhiễm bệnh;…


Đường lây truyền Bệnh giòi

Con đường lây truyền bệnh chủ yếu là lây qua con đường ăn uống. Con người có thể nhiễm bệnh khi ăn thức ăn hoặc uống nước có chứa ấu trùng giòi. Ruồi nhặng thường tập trung nhiều khu vực vệ sinh kém hoặc cơ thể động vật, chúng có thể di chuyển nhiều nơi để trứng, lây nhiễm cho thức ăn và nước uống. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc trực tiếp với vết thương, lỗ rò của người bệnh có thể tạo điều kiện thuận lợi lây nhiễm bệnh.


Đối tượng nguy cơ Bệnh giòi

Như trên đã trình bày, đường lây truyền chính của bệnh là lây qua ăn uống. Do đó một số đối tương nguy cơ mắc bệnh thường là: người sống tại những nơi điều kiện sinh hoạt, vệ sinh kém; sống và làm việc trong không gian nhiều ruồi bọ, thường xuyên sử dụng thức ăn nước uống bị nhiễm khuẩn, không ăn chín, uống sôi; khi có các vết thương da, tổn thương niêm mạc không được chăm sóc và giữ vệ sinh đúng cách; tiếp xúc trực tiếp với vết thương, lồ rõ của người mắc bệnh giòi; người du lịch đến các khu vực, địa phương có nhiều ca bệnh lưu hành.

Tổn thương niêm mạc không được chăm sóc và giữ vệ sinh đúng cách


Phòng ngừa Bệnh giòi

Các biện pháp phòng ngừa chủ yếu là phòng các con đường lây nhiễm. Các biện pháp đó là:

- Diệt ruồi nhặng bằng nhiều phương pháp: dùng vỉ đập ruồi, bẫy ruỗi nhặng, thuốc diệt côn trùng;… Đây là biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn vector gây bệnh.

Diệt ruồi nhặng bằng nhiều phương pháp

- Giữ vệ sinh môi trường sống, làm việc; vệ sinh thân thể thường xuyên và sạch sẽ, đặc biệt vệ sinh tay.

- Hạn chế các thói quen sinh hoạt không tốt như ăn bằng tay; sử dụng nhà xí không vệ sinh; sử dụng phân tươi để bón cây trồng; xử lý rác thải không đúng,..

- Sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo chất lượng, không ăn thịt tái, thức ăn chưa được nấu chín, nước chưa được đun sôi,…

- Khi có các vết thương, vết xước, chấn thương mô cần được chăm sóc, điều trị đúng, không để vết thương nhiễm trùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh.

- Chăm sóc, điều trị người bệnh đúng phác đồ và hướng dẫn

 


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh giòi

Chẩn đoán bệnh cần dựa vào các yếu tố dịch tễ, lâm sàng và các xét nghiệm.

- Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán: công thức máu ngoại vi thường không có biến đổi gì đặc hiệu, một số trường hợp có thể tăng bạch cầu ưa acid, khi có bội nhiễm vi khuẩn có thể tăng bạch cầu đa nhân trung tính. Maker viêm như tốc độ lắng hồng cầu, CRP, procalcitonin tăng khi có nhiễm khuẩn thứ phát. Tùy cơ quan tổn thương có thể thấy những bất thường trên xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng cơ quan như X-quang ngực, nội soi tai mũi họng, soi đáy mắt, chụp phim cắt lớp vi tính sọ não,…

- Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên: có nhiều phương pháp chẩn đoán, đôi khi có thể nhìn trực tiếp thấy ấu trùng giòi qua soi kính lúp hoặc kính hiển vi điện tử. Một số cơ sở y tế có sẵn kít ELISA để phát hiện dấu ấn huyết thanh cảu  một số loài ấu trùng giòi. Xét nghiệm PCR cũng được sử dụng tuy nhiên chưa thể áp dụng rộng rãi tại nhiều cơ sở y tế.

Cần chẩn đoán phân biệt bệnh giòi với nhiễm trùng do căn nguyên khác tại cơ quan tổn thương hoặc bệnh lý ác tính tại cơ quan.


Các biện pháp điều trị Bệnh giòi

Thông thường, ấu trùng giòi sống được khi có oxy, do đó việc ngăn chặn nguồn oxy của ký sinh trùng là biện pháp quan trọng trong điều trị bệnh, thường sử dụng thốc mỡ bôi kín bề mặt vết thương. Khi ấu trùng bị thiếu oxy, chúng thường di chuyển ra ngoài bề mặt, thuận lợi việc loại bỏ chúng. Bên cạnh đó, việc loại bỏ tổ chức mô bị hoại tử, nhiễm bệnh, làm sạch vết thương là rất cần thiết. Các biện pháp đó thường là rửa bằng nước muối, dung dịch cồn, cắt lọc tổ chức hoại tử. Tuy nhiên những trường hợp nhiễm ký sinh trùng tại các mô tạng sâu thường rất khó điều trị.

Ivecmectin trong một số báo cáo có tác dụng điều trị bệnh giòi tại một số cơ quan như mắt, liều thường dùng 150 – 200 μg / kg . Tuy nhiên cần nghiên cứu và đánh giá thêm nữa tác dụng của ivermectin trong điều trị bệnh giòi.


Tài liệu tham khảo:

  • Introduction to myiasis | Natural History Museum. Nhm.ac.uk. Retrieved 2013-11-05
  • Francesconi F, Lupi O. 2006. Myiasis, p 232–239 In Tyring SK, Lupi O, Hengge UR. (ed), Tropical dermatology. Elsevier, Philadelphia, PA 
  • Helm TN, Augenblick K, Gall W. 2010. Furuncular myiasis: a case report. Cutis 86: 85–86 
  • Michal Solomon , Tamar Lachish , Eli Schwartz . Cutaneous Myiasis.  Curr Infect Dis Rep. 2016 Sep;18(9):28
  • Victoria Bernhardt , Fabian Finkelmeier . Myiasis in humans-a global case report evaluation and literature analysis. Parasitol Res. 2019 Feb;118(2):389-397

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.