Từ điển bệnh lý

Bệnh Chagas : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bệnh Chagas

Bệnh Chagas do trùng roi ký sinh trong máu có tên là Trypanosoma cruzi gây bệnh, với trung gian truyền bệnh là bọ rệp Trypanosoma cruzi. Bệnh nhân có thể mắc bệnh Chagas khi bị bọ rệp đốt, khi chất tiết mang mầm bệnh của bọ rệp tiếp xúc với kết mạc, niêm mạc, da xây xước hoặc do bẩm sinh, truyền máu,…Phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh Chagas không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng tim mạch hay đường tiêu hóa. Bệnh Chagas có vùng dịch tễ ở các quốc gia châu Mỹ Latinh, như vùng Nam Mỹ, Argentina, Chile,... Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh Chagas ở các quốc gia khu vực phía Tây bán cầu cao hơn các loại ký sinh trùng khác, bao gồm cả sốt rét. Dịch tễ của bệnh Chagas thay đổi theo mức độ di dân ở các vùng dịch cũng như các chương trình giảm mức độ lây truyền ở các quốc gia.

Bệnh Chagas xuất hiện khi bị bọ rệp đốt, khi chất tiết mang mầm bệnh của bọ rệp tiếp xúc với kết mạc

Bệnh Chagas xuất hiện khi bị bọ rệp đốt, khi chất tiết mang mầm bệnh của bọ rệp tiếp xúc với kết mạc


Nguyên nhân Bệnh Chagas

Căn nguyên gây bệnh Chagas là Trypanosoma cruzi. Loại trùng roi này gồm 7 nhóm chính (TcI – TcVI và TcBat). TcI là căn nguyên gây bệnh Chagas chủ yếu ở Mexico, phía bắc Nam Mỹ; trong khi, TcII, TcV và TcVI thường lây truyền ở khu vực phía Nam Nam Mỹ. Nhiễm Trypanosoma cruzi được đặc trưng bởi giai đoạn câp tính kéo dài từ 8 đến 12 tuần. Khi phản ứng miễn dịch của vật chủ ức chế sự nhân lên của ký sinh trùng, bệnh nhân sẽ bước sang giai đoạn mạn tính nếu không được điều trị.


Triệu chứng Bệnh Chagas

Thời gian ủ bệnh của bệnh Chagas từ khi côn trùng đốt là 1 đến 2 tuần. Đối với trường hợp truyền máu và ghép tạng, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 4 tháng. Bệnh Chagas diễn biến qua hai giai đoạn: Cấp tính và mạn tính.

Giai đoạn cấp tính: Giai đoạn cấp tính khi nhiễm Trypanosoma cruzi kéo dài từ 8 đến 12 tuần, được đặc trưng bởi sự lưu hành các trypomastigote trong máu. Phần lớn các bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng không đặc hiệu (mệt mỏi, sốt, chán ăn) hoặc không có triệu chứng nên không đi khám.

Một số ít bệnh nhân có thể sưng, viêm nơi bọ rệp đốt (chagoma). Chagoma điển hình xuất hiện ở mặt và các chi, có thể tìm thấy ký sinh trùng ở các tổn thương này. Tổn thương cũng có thể xuất hiện ở kết mạc dẫn đến sưng nề mi mắt một bên (dấu hiệu Romana). Tình trạng nặng ở giai đoạn cấp hiếm khi xảy ra, với biểu hiện viêm cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim và viêm não màng não.

Giai đoạn mạn tính: Sau khi bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch ức chế sự nhân lên của ký sinh trùng, các triệu chứng của giai đoạn cấp tính dần hết; bệnh nhân chuyển sang giai đoạn mạn tính. Nếu không được điều trị, giai đoạn mạn tính thường khởi phát sau 8 đến 12 tuần kể từ lúc mắc bệnh và có thể kéo dài đến suốt đời. Phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh Chagas mạn tính không có triệu chứng; tuy nhiên, có thể có các biểu hiện về tim mạch (suy tim, rối loạn chức năng thất trái, rối loạn nhịp tim, huyết khối) hoặc đường tiêu hóa (nuốt khó, nuốt đau, nôn mửa, táo bón,… và có thể gây biến chứng như u phân, xoắn đại tràng sigma, hoại tử ruột).

Một số ít bệnh nhân có thể sưng, viêm nơi bọ rệp đốt

Khi mắc Chagas một số ít bệnh nhân có thể sưng, viêm nơi bọ rệp đốt

Nhiễm Chagas sơ sinh: Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh Chagas sơ sinh không có triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu; do đó, cần xét nghiệm sàng lọc ở các vùng dịch để phát hiện các trẻ mắc bệnh. Nhiễm bệnh Chagas sơ sinh có thể gây sinh non, thiếu máu, gan lách to; thậm chí nhiễm trùng sơ sinh, viêm não màng não, suy hô hấp và có nguy cơ tử vong.


Các biến chứng Bệnh Chagas

Các bệnh nhân mắc bệnh Chagas đa phần không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển sang giai đoạn mạn tính, bệnh nhân có thể có các biểu hiện về tim mạch như suy tim, rối loạn chức năng thất trái, rối loạn nhịp tim, huyết khối,… hoặc các triệu chứng đường tiêu hóa như nuốt khó, nuốt đau, nôn mửa, táo bón,… và có thể gây biến chứng như u phân, xoắn đại tràng sigma, hoại tử ruột.

Nhiễm bệnh Chagas bẩm sinh có thể gây sinh non, thiếu máu, gan lách to; thậm chí nhiễm trùng sơ sinh, viêm não màng não, suy hô hấp và có nguy cơ tử vong.


Đường lây truyền Bệnh Chagas

Trung gian truyền bệnh trong bệnh Chagas chủ yếu là bọ xít hút máu. Sự lây truyền cũng có thể từ mẹ sang thai nhi, qua truyền máu của bệnh nhân đang mắc bệnh, qua ghép tạng, qua ăn thức ăn hay đồ uống mang mầm bệnh, qua tiếp xúc trong phòng thí nghiệm. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể tồn tại dai dẳng; hiêm khi bệnh có thể tự khỏi.

Các trypomastigote gây bệnh của Trypanosoma cruzi có trong phân của bọ xít hút máu với số lượng lớn. Trong quá trình hút máu hoặc ngay sau khi hút, bọ xít bài tiết phân lên da của vật chủ, tạo điều kiện cho ký sinh trùng xâm nhập qua vết cắn. Ký sinh trùng cũng có thể xâm nhập qua kết mạc, niêm mạc nguyên vẹn. Phần lớn bọ xít hút máu vào ban đêm mà không đánh thức vật chủ. Bọ xít hút máu đực và cái đều phải hút máu từ giai đoạn nhộng đến khi trưởng thành để phát triển và đẻ trứng (với bọ xít cái). Do đó, cả giai đoạn nhộng và bọ xít trưởng thành đều có thể nhiễm ký sinh trùng; tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm tăng ở giai đoạn phát triển của bọ xít. Nhiễm Trypanosoma cruzi cũng có thể lây truyền ở các động vật như chó, mèo, chuột lang hay các động vật hoang dã, thường là các loài gặm nhâm hay thú có túi.

Bệnh có thể lây qua đường ký sinh trùng

Bệnh có thể lây qua đường ký sinh trùng

Ngoài ra, sự lây truyền có thể từ mẹ sang con, lây truyền qua thức ăn và nước uống nhiễm khuẩn, qua truyền máu, ghép tạng và lấy nhiễm trong phòng thí nghiệm.


Đối tượng nguy cơ Bệnh Chagas

Điều kiện sống kém, các đường nứt, kẽ hở của các bức tường, mái nhà tranh là nơi cư trú của loài bọ xít hút máu. Ở các vùng dịch, nhiễm Trypanosoma cruzi thường xuất hiện từ giai đoạn trẻ nhỏ; khi trưởng thành, bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng lâm sàng. Các khách du lịch đến khu vực châu Mỹ Latinh trong thời gian ngắn có nguy cơ mắc bệnh ít hơn.


Phòng ngừa Bệnh Chagas

Kiểm soát trung gian truyền bệnh: Có thể giảm số lượng bọ xít hút máu bằng cách cải thiện chất lượng, điều kiện nơi ở; tiêu diệt chỗ trú ngụ của bọ xít. Khách du lịch có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Chagas bằng cách dùng màn chống côn trùng, tránh cư trú tại những khu vực vệ sinh kém và ăn các loại hoa quả, đồ uống ven đường.

Giảm nguy cơ lây truyền mẹ con: Thai phụ có kết quả PCR âm tính với Trypanosoma cruzi sẽ không lây truyền bệnh cho thai nhi. Do đó, điều trị bệnh nhân trước khi có bầu giảm đáng kể lượng ký sinh trùng và nguy cơ lây truyền cho con. Ngoài ra, cũng cần xét nghiệm cho những đứa trẻ sinh ở vùng dịch để phát hiện phụ nữ mắc bệnh Chagas, do phụ nữ có con mắc bệnh sẽ có tăng nguy cơ lây truyền cho những lần đẻ tiếp theo.

Cho con bú: Phụ nữ mắc bệnh Chagas cấp tính hay tái hoạt không nên cho con bú. Ngược lại, những phụ nữ mắc bệnh Chagas mạn tính và không có vết nứt, chảy máu đầu núm vú vẫn có thể cho con bú. 

Giảm nguy cơ lây truyền qua đường miệng: Ăn chín, uống sối, nâng cao điều kiện vệ sinh nơi ở giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Giảm nguy cơ lây truyền qua truyền máu và ghép tạng: Người mắc bệnh Chagas không nên hiến máu. Với người nhận tạng từ người hiến mắc bệnh Chagas cần được theo dõi sát để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Giảm nguy cơ lây truyền phòng thí nghiệm: Nhân viên phòng thí nghiệm cần mặc đồ bảo hộ để tránh phơi nhiễm. Người phơi nhiễm cần được theo dõi PCR hàng tuần trong 4 tuần và huyết thanh trong 4 đến 8 tuần. Không khuyến cáo điều trị dự phòng ở những đối tượng phơi nhiễm.


Các biện pháp chẩn đoán Bệnh Chagas

Cần nghĩ đến bệnh Chagas ở bệnh nhân sống một thời gian dài ở các khu vực dịch tễ (châu Mỹ Latinh, đặc biệt những người có điều kiện nơi ở kém). Tuy nhiên, nhiễm T.cruzi hiếm khi được phát hiện khi bệnh ở giai đoạn cấp tính, mà chủ yếu thông qua các chương trình sàng lọc ở các khu vực dịch tễ.

Giai đoạn cấp tính của nhiễm T.cruzi kéo dài từ 8 đến 12 tuần với mức độ ký sinh trùng cao, có thể phát hiện các trypomastigote lưu hành trong máu. Sau 90 ngày, số lượng ký sinh trùng giảm dù không điều trị và không thể phát hiện T.cruzi dưới kính hiển vi ở giai đoạn mạn tính. Do đó, PCR là xét nghiệm có độ nhạy cao giúp phát hiện bệnh Chagas giai đoạn cấp tính và bệnh Chagas sơ sinh; xét nghiệm cũng có thể dùng để theo dõi đợt cấp của nhiễm T.cruzi. Ngoài ra, có thể sử dụng các phương pháp phát hiện ký sinh trùng trực tiếp như cấy máu, xenodiagnoses. Với trẻ không được chẩn đoán sàng lọc lúc mới sinh, có thể sử dụng xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán IgG khi trẻ trên 9 tháng tuổi; lúc này, lượng kháng thể từ mẹ sang đã hết. Ngoài ra, giai đoạn cấp tính của bệnh Chagas cũng cần phân biệt với các căn nguyên khác như viêm tổ chức hốc mắt, nhiễm trùng tăng bạch cầu đơn nhân, nhiễm HIV cấp tính,…

Chẩn đoán bệnh bằng việc xét nghiệm cho phép biêt giai đoạn mắc của bệnh nhân 

Chẩn đoán bệnh bằng việc xét nghiệm cho phép biêt giai đoạn mắc của bệnh nhân 

Ngược lại, bệnh Chagas giai đoạn mạn tính được chẩn đoán dựa vào phát hiện kháng thể IgG với T.cruzi, thường sử dụng phương pháp ELISA và IFA. Xét nghiệm PCR không dùng để chẩn đoán nhiễm bệnh Chagas mạn tính. Sau khi chẩn đoán bệnh Chagas mạn tính, cần làm thêm các xét nghiệm kiểm tra bệnh nhân có tổn thương tim mạch, đường tiêu hóa không.


Các biện pháp điều trị Bệnh Chagas

Với bệnh nhân mắc Chagas cấp tính hoặc sơ sinh: Chỉ định điều trị được khuyến cáo cho tất cả các bệnh nhân nhiễm T.cruzi cấp tính hoặc bẩm sinh. Điều trị ở trẻ sơ sinh mắc bệnh cần tiến hành sớm ngay khi có chẩn đoán. Thuốc điều trị gồm benznidazole và nifutimox. Điều trị giúp giảm mức độ nặng của triệu chứng, thời gian mắc bệnh và thời gian phát hiện ký sinh trùng. Theo dõi đáp ứng điều trị bằng xét nghiệm PCR hoặc huyết thanh chẩn đoán IgG. Các trường hợp mắc bệnh Chagas cấp tính được điều trị hoặc trẻ sơ sinh được điều trị trong năm đầu tiên có thể cần hàng tháng sau khi hoàn thành phác đồ để chuyển đảo huyết thanh.

Theo dõi đáp ứng điều trị bằng xét nghiệm PCR hoặc huyết thanh chẩn đoán IgG

Với bệnh nhân mắc bệnh Chagas giai đoạn mạn tính, benzidazole là thuốc lựa chọn đầu tay. Trường hợp bệnh nhân lớn tuổi không triệu chứng, cần cân nhắc điều trị tùy từng trường hợp do các bệnh lý đồng mắc có thể làm giảm đáp ứng điều trị. Thuốc điều trị bệnh Chagas chống chỉ định với phụ nữ có thai, có thể gây rối loạn chức năng gan, thận; do đó, phụ nữ cần điều trị trước khi mang thai và sử dụng biện pháp tránh thai trong quá trình điều trị thuốc. Ngoài ra, cần theo dõi các biến chứng tim mạch và tiêu hóa của bệnh nhân, cũng như sàng lọc cho các thành viên trong gia đình.


Tài liệu tham khảo:

  • Sổ tay lâm sàng chẩn đoán và điều trị.
  • Caryn Bern. Chagas disease: Epidemiology and prevention, Uptodate, 2020.
  • Caryn Bern, J Antonio Marin-Neto. Chagas disease: Chronic Trypanosoma cruzi infection, Uptodate, 2020.
  • Caryn Bern. Chagas disease: Acute and congenital Trypanosoma cruzi infection, Uptodate, 2020.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.