Từ điển bệnh lý

Bạch hầu thanh quản : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Bạch hầu thanh quản

Những trường hợp bệnh nhân bị bệnh bạch hầu mà vị trí nơi vi khuẩn sinh sản đầu tiên là thanh quản thì được gọi là bệnh bạch hầu thanh quản. Đây là một loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có giả mạc ở các tuyến hạnh nhân, thanh quản, hầu họng và mũi. Bên cạnh đó, bệnh có thể xuất hiện tại các khu vực như trên da, hoặc ở niêm mạc khác như mắt hoặc bộ phận sinh dục. 

Bệnh bạch hầu thanh quản biểu hiện tình trạng nhiễm độc nhiễm trùng. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch cầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheria  gây nên các tổn thương nghiêm trọng. 

Bệnh bạch hầu thanh quản biểu hiện tình trạng nhiễm độc nhiễm trùn​g

Bệnh bạch hầu thanh quản biểu hiện tình trạng nhiễm độc nhiễm trùn​g

Hầu hết mọi lứa tuổi đều có thể trở thành nạn nhân của căn bệnh này, nhưng đối tượng dễ mắc nhất là trẻ em từ 2 - 7 tuổi cho nên bệnh còn được biết đến khá phổ biến với cái tên bạch hầu thanh quản ở trẻ em. Bệnh thường lây qua các hoạt động tiếp xúc như nói chuyện trực tiếp, ho, hắt hơi,... giao lưu giữa người lành và người bệnh. 

Trên lâm sàng, bệnh bạch hầu nói chung còn có thể xuất hiện những loại khác như bạch hầu họng - amidan, bạch hầu mũi,... nhưng bạch hầu thanh quản chiếm khoảng ¼ trong các trường hợp. Không chỉ dừng lại ở thanh quản, nhiều khi bạch hầu còn có thể tiếp tục lan xuống những khu vực khác.


Nguyên nhân Bạch hầu thanh quản

Theo như nghiên cứu thì vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae chính là nguyên nhân gây nên căn bệnh bạch hầu thanh quản. Đây là một loại trực khuẩn Gram dương, không di động và hiếu khí. Bất ngờ hơn, vi khuẩn này chỉ có khả năng sản sinh ra ngoại độc tố khi chính nó bị nhiễm một loại virus đặc biệt có tên thực khuẩn bào bacteriophage. 

 vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân gây ra bệnh

 Vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân gây ra bệnh

Cấu tạo của vi khuẩn bạch cầu: nếu soi dưới kính hiển vi, chúng có dạng hình que hoặc hình dùi trống, rất mảnh và hình thái sắp xếp đặc trưng là giống hàng rào. Có 3 type vi khuẩn bạch hầu điển hình đó là: Mitis, Intermedius và Gravis theo thứ tự khả năng gây bệnh tăng dần. Cả 3 loại trên đều có khả năng sản sinh độc tố nhưng loại Gravis là hung thủ chính gây nên những thể bệnh nặng hơn cả.

Một điểm chung khác của 3 type vi khuẩn bạch hầu trên đó là chúng đều nhạy cảm với các yếu tố hoá học và vật lý. Vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ phơi dưới ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Còn đối với ánh sáng trong nhà thì nó sẽ bị tiêu diệt sau khoảng vài ngày. Thêm một thông tin về khả năng sinh tồn của loại vi khuẩn này: chúng có thể sống được trong khoảng 10 phút dưới tác động của nhiệt độ 58 độ C, trong môi trường cồn 60 độ và phenol 1% thì sống được tầm 1 phút. Do ngoại độc tố bạch hầu có bản chất là một loại protein mang tính kháng nguyên đặc hiệu, có độc tính cao và đặc biệt là chịu nhiệt kém.

Các type vi khuẩn bạch hầu khác nhau thì lại đều giống nhau về ngoại độc tố. Cơ chế tạo ra vắc xin để tiêm phòng bệnh bạch hầu đó là: xử lý ngoại độc tố bạch hầu bằng formol và nhiệt độ cao làm mất độc lực của nó, hay còn gọi là phương pháp giải độc tố vi khuẩn. 


Triệu chứng Bạch hầu thanh quản

Sau khi bị nhiễm khuẩn sẽ mất từ 2 - 5 ngày để những triệu chứng của bệnh bộc lộ ra ngoài. Bệnh nhân có thể sẽ gặp phải các dấu hiệu sau:

  • Chảy nước mũi.
  • Sốt, ớn lạnh;

Triệu chứng bệnh bạch hầu thanh quản

Triệu chứng bệnh bạch hầu thanh quản

  • Ở trẻ em thường thấy khó chịu: bỏ bú, quấy khóc.
  • Ho ông ổng.
  • Khàn tiếng.
  • Khó thở, thở nhanh. Đặc biệt trẻ còn bú hay gặp phải tình trạng này, vì bị khó thở nên trẻ hay phải dừng bú mới có thể thở được.
  • Các hạch ở cổ có dấu hiệu bị sưng.
  • Ở vùng họng xuất hiện một màng có màu xám dày.

Chỉ cần quan sát thời gian phát bệnh và các biểu hiện lâm sàng trên cũng có thể thấy bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng, diễn tiến nhanh và vô cùng nguy hiểm. Một trong các đặc điểm khiến cho căn bệnh này trở nên nghiêm trọng là do bộ phận thanh quản là nơi có kết cấu hẹp nhất của đường thở, nếu màng giả mạc hình thành và phát triển trại đây sẽ gây nên hiện tượng bít tắc đường thở, dễ khiến bệnh nhân hôn mê và đối mặt với nguy cơ tử vong cao. 


Các biến chứng Bạch hầu thanh quản

Trẻ em nếu bị bệnh bạch hầu thanh quản nếu không được chẩn đoán cũng như điều trị sớm thì có nguy cơ cao phải chịu những biến chứng vô cùng nguy hiểm liên quan đến thần kinh, tim mạch và thận, đặc biệt rất  có thể sẽ bị tắc nghẽn đường hô hấp, dần dần kéo theo hiện tượng hôn mê và thậm chí là tử vong khi không được cấp cứu kịp thời.

Bệnh bạch hầu thanh quản để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân

Bệnh bạch hầu thanh quản để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân

Bệnh bạch hầu thanh quản để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân, do đó nếu bệnh nhân bị bạch hầu thanh quản cần phải điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện, kiểm soát các biến chứng nhằm tránh trường hợp tử vong do trụy tim hoặc tắc thở đột ngột.


Đường lây truyền Bạch hầu thanh quản

Dưới đây là các cách lây truyền của vi khuẩn bạch hầu: 

- Qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh: khi một người bị bệnh bạch hầu nói chuyện, hắt hơi hoặc ho sẽ khiến những giọt bắn chứa vi khuẩn văng ra ngoài không khí, những người xung quanh bị hít phải và nhiễm vi khuẩn này. Đây là cách lây lan phổ biến và dễ dàng nhất, đặc biệt là khi tập trung ở chỗ đông người.

Đường lây nhiễm bệnh bạch hầu

Đường lây nhiễm bệnh bạch hầu

- Tiếp xúc với các vết thương hở bị nhiễm trùng của người bệnh.

- Bệnh bạch hầu cũng có thể lây thông qua việc đụng chạm, tiếp xúc với các vật dụng cá nhân, các bề mặt hoặc đồ vật dùng chung trong gia đình, đồ chơi, khăn mặt,... mang mầm bệnh.

Ngoài ra, những người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu, thậm chí không phát tác triệu chứng gì và chưa được điều trị có thể lây nhiễm cho những người xung quanh trong vòng 6 tuần.


Đối tượng nguy cơ Bạch hầu thanh quản

Những người có nguy có cao bị mắc bạch hầu thanh quản đó là:

- Người sống ở nơi đông đúc, điều kiện sinh hoạt kém, mất vệ sinh.

- Di trú hoặc sinh sống, làm việc tại nơi đang có dịch bạch hầu.

- Trẻ em và người lớn không được tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu.

Hiện nay ở các vùng như Tây Âu và Hoa Kỳ, bệnh bạch hầu rất  hiếm khi xảy ra vì những quốc gia tại đây có tỷ lệ tiêm vắc xin cao cho đối tượng trẻ em để phòng ngừa căn bệnh này trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên ở các nước đang phát triển thì bệnh này còn khá là phổ biến do tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp. Do đó thực tế cho thấy, căn bệnh này là mối đe dọa đối với những người không được tiêm phòng hoặc không tiêm phòng đầy đủ, người hay đi du lịch đến vùng có dịch tễ.


Phòng ngừa Bạch hầu thanh quản

Thời gian trước đây khi chưa có thuốc kháng sinh thì trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh bạch hầu. Nhưng nhờ sự tiến bộ của y khoa, bệnh này hoàn toàn có khả năng chữa khỏi, không những vậy còn phòng ngừa được thông qua chương trình tiêm chủng vắc xin.

bệnh này hoàn toàn có khả năng chữa khỏi, không những vậy còn phòng ngừa được thông qua chương trình tiêm chủng vắc xin

Bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi 

Thông thường khi thực hiện tiêm chủng sẽ là loại vắc xin 3 trong 1: vắc xin bạch hầu, ho gà và uốn ván kết hợp. Mới đây nhất là phiên bản vắc xin 6 trong 1 tiêm phòng các bệnh sau: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do HIB gây nên. Tại Hoa Kỳ, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên tiêm phòng loại vắc xin 3 trong 1 cho trẻ sơ sinh. Trẻ em ở trong các độ tuổi dưới đây thường sẽ được tiêm vắc xin gồm 5 mũi tiêm ở vị trí đùi hoặc cánh tay:

  • Trẻ 2 tháng tuổi.
  • Trẻ 4 tháng tuổi.
  • Trẻ 6 tháng tuổi.
  • Trẻ từ 15 - 18 tháng tuổi.
  • Trẻ từ 4 - 6 tuổi.

Bên cạnh những tác dụng vượt trội của vắc xin trong việc kìm hãm bệnh bạch hầu, vắc xin cũng có một số các tác dụng phụ như: trẻ có thể sốt nhẹ, buồn ngủ, quấy khóc hoặc đau tại chỗ tiêm ngay sau khi tiêm. Vắc  xin rất hiếm khi gây nên những biến chứng nghiêm trọng ở trẻ như dị ứng (cụ thể là phát ban hoặc nổi mề đay trong vài phút sau tiêm), sốc hoặc co giật nhưng những biến chứng này có thể xử lý được.

Các lưu ý khi tiêm vắc xin bạch hầu thanh quản:

- Những trẻ có bệnh lý về thần kinh hoặc bị động kinh thì không nên tiêm vắc xin này.

- Sau những kỳ tiêm chủng thời thơ ấu, mọi người cần tiêm vắc xin bạch hầu nhắc lại để duy trì khả năng miễn dịch cho cơ thể vì khả năng này có thể bị mất dần theo thời gian.

- Vắc xin bạch hầu mũi nhắc lại thường được kết hợp với vắc xin phòng bệnh uốn ván, vị trí tiêm là ở cánh tay hoặc đùi.

- Trẻ đã tiêm chủng trước 7 tuổi khi tiêm mũi nhắc lại cần thực hiện khi bước sang tuổi 11 hoặc 12. Lần tiêm tiếp theo là 10 năm sau, lặp lại vào 10 năm tiếp. Điều này cực kỳ quan trọng nếu bạn di chuyển tới khu vực có dịch tễ của bệnh bạch hầu.


Các biện pháp chẩn đoán Bạch hầu thanh quản

- Xác định bệnh thông qua khai thác dịch tễ và các triệu chứng lâm sàng có thể có ở người bệnh.

- Xét nghiệm: tiến hành lấy mẫu giả mạc hoặc bệnh phẩm ở vị trí tổn thương nghi ngờ có vi khuẩn bạch hầu.

- Nhuộm soi Gram để xét nghiệm nhanh vi khuẩn bạch hầu. Trong trường hợp nếu không tìm thấy vi khuẩn bạch hầu khi xét nghiệm và nhuộm soi thì cũng không loại bỏ khả năng bệnh nhân bị mắc bệnh bạch hầu.

Nhuộm soi Gram để xét nghiệm nhanh vi khuẩn bạch hầu

Nhuộm soi Gram để xét nghiệm nhanh vi khuẩn bạch hầu tại MEDLATEC

- Cấy và định danh vi khuẩn: quá trình này mất  nhiều thời gian hơn. Bên cạnh việc phân lập vi khuẩn bạch hầu qua việc nuôi cấy thì cần nuôi cấy bệnh phẩm trên đĩa thạch nhằm mục đích tìm liên cầu tan huyết beta, vì loại vi khuẩn này cũng có khả năng gây nên biểu hiện tại hầu họng giống như vi khuẩn bạch hầu.


Các biện pháp điều trị Bạch hầu thanh quản

Khi bị nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân sẽ được điều trị ngay lập tức với thuốc chống độc tố bạch cầu. Thuốc kháng độc tố sẽ được tiêm bắp hoặc tiêm vào tĩnh mạch nhằm trung hòa độc tố của vi khuẩn đang tồn tại trong cơ thể. Trước khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm dị ứng da nhằm loại trừ khả năng bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng thuốc, thì sẽ áp dụng phương pháp giải mẫn cảm với thuốc kháng độc tố bằng cách khởi đầu dùng liều nhẹ rồi sau đó tăng liều dần. 

Bên cạnh đó, bệnh bạch hầu thanh quản cũng có thể được điều trị bằng kháng sinh, giúp làm sạch nhiễm trùng, tiêu diệt vi khuẩn lưu hành trong cơ thể.  Nếu bạch hầu thanh quản có biểu hiện muộn kèm theo triệu chứng tắc nghẽn đường hô hấp, cần tiến hành bóc tách giả mạc để đường thở được thông thoáng. 

Bệnh nhân bị bạch hầu cần phải được nhập viện để điều trị và cần có sự cách ly đặc biệt nhằm tránh lây lan vi khuẩn bạch hầu cho những người khác.


Tài liệu tham khảo:

  • Bạch hầu thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị | Vinmec

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.