Tin tức

Tìm hiểu về cấu tạo khớp vai và các bệnh lý khớp vai thường gặp

Ngày 12/01/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Khớp vai đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự linh hoạt của toàn bộ vùng khớp phía trên cơ thể. Vậy cấu tạo khớp vai như thế nào? Bài viết này sẽ cùng bạn khám phá chi tiết về vấn đề này và các bệnh lý khớp vai thường gặp.

1. Cấu tạo khớp vai như thế nào?

Khớp vai là sự hợp lại của nhiều bộ phận nên có cấu tạo khá phức tạp. Chính sự liên hợp này giúp cho khớp vai đảm nhận được tốt nhất vai trò điều khiển vùng vai, cánh tay và giúp cho nửa thân trên của cơ thể được ổn định.

Hình ảnh giúp hình dung về cấu tạo khớp vai

Hình ảnh giúp hình dung về cấu tạo khớp vai

Cấu tạo khớp vai gồm các phần:

1.1. Các xương quanh vai

- Xương cánh tay: đây là phần xương lớn của khớp vai, phần đầu tròn như quả bóng nối với phần khớp vai bị lõm vào.

- Xương bả vai: kích thước lớn, hình tam giác, dẹt, là phần liên kết xương đòn với các bộ phận trước khớp vai.

- Xương đòn: hai bên vai, mỗi bên có một xương đòn tạo nên một kết cấu đối xứng cho khung vai. Xương đòn kéo dài từ xương ức qua xương cánh tay, đảm bảo sự ổn định cho mọi cử động của cánh tay.

1.2. Khớp

Có 4 khớp nhỏ nằm bên trong khớp vai:

- Khớp ổ chảo và cánh tay: đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ cho mọi hoạt động di chuyển của tay như: xoay cánh tay, hạ hoặc nâng cánh tay,...

- Khớp giữa xương ức với xương đòn: đây là phần liên kết xương vai với toàn bộ hệ xương của cơ thể. Phần khớp này có vai trò đảm bảo cho các chuyển động ở tay như: đưa tay sang ngang, giơ tay lên cao,...

- Khớp giữa lồng ngực với bả vai: hỗ trợ cho các hoạt động của khớp ổ chảo cánh tay.

- Khớp giữa xương đòn với xương cùng vai: hỗ trợ đảm bảo các chuyển động của tay qua đầu.

1.3. Chóp xoay 

Trong cấu tạo khớp vai, chóp xoay là phần chứa các gân, sợi cơ bao quanh cánh tay và khớp ổ chảo. Vai trò của khớp này là hỗ trợ sự chuyển động nhịp nhàng của các cử động vai.

1.4. Sụn ở khớp vai

Đây là các vành sụn bao bọc xương chính và khớp vai. Nhiệm vụ của lớp sụn này là giảm ma sát giữa xương với các khớp để cho các hoạt động ở cánh tay và vai diễn ra một cách dẻo dai, nhẹ nhàng.

1.5. Bao khớp vai

Là bộ phận ngăn cách khớp vai với các phần xương của cơ thể, bao khớp vai chứa nhiều dịch khớp, như một tấm đệm để giảm ma sát giữa khớp với xương. Nhờ có bao khớp vai mà các khớp vai được bảo vệ an toàn trước các tác động bên ngoài.

1.6. Cơ bắp vai

Phần này có khoảng 8 cơ bám chặt lấy xương đòn và xương cánh tay để hỗ trợ khớp vai di chuyển nhanh và mạnh trong phạm vi rộng. Sự liên kết giữa các cơ này tạo thành vỏ bọc bên ngoài bảo vệ và giúp cho các hoạt động của khớp vai được ổn định.

2. Các bệnh lý khớp vai thường gặp

Khớp vai là một trong các vùng khớp rộng nhất cơ thể và dễ bị tác động, gây nên những tổn thương với một số bệnh lý thường gặp như:

Đau khớp vai là một trong các bệnh lý khớp vai phổ biến, gây đau nhức khó chịu cho người bệnh

Đau khớp vai là một trong các bệnh lý khớp vai phổ biến, gây đau nhức khó chịu cho người bệnh

2.1. Đau khớp vai

Đau khớp vai là bệnh lý khớp vai phổ biến nhất, chủ yếu do các bệnh lý khác gây ra: chấn thương, viêm khớp, loãng xương, thoái hóa khớp,... Người bị đau khớp vai thường trải qua cảm giác đau nhức, khó chịu khi vận động cổ tay và các hoạt động tay, đau nhức ở vùng vai, đau khi nâng vật nặng hay có tác động lực vào vùng vai.

2.2. Cứng khớp vai

Có thể hiểu cứng khớp vai là giảm khả năng di chuyển của khớp vai khiến cho cánh tay bị kém linh hoạt, vận động khó. Cứng khớp vai thường bắt nguồn từ thoái hóa khớp, viêm khớp, sau khi gặp phải chấn thương ở vai,...

Người bị cứng khớp vai sẽ khó di chuyển cổ tay và toàn bộ tay, khó thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày.

2.3. Chấn thương vùng vai

Dạng chấn thương này thường gặp phải ở các vận động viên, người bị ngã từ độ cao nhất định, tai nạn xe,... Khi bị chấn thương ở vai vùng này sẽ sưng đau khiến cho các hoạt động cổ tay và tay trở nên khó khăn, khả năng linh hoạt của khớp cũng bị suy giảm.

2.4. Viêm khớp vai

Tình trạng viêm khớp vai chủ yếu xảy ra ở khớp bên trong khớp vai. Nguyên nhân khiến khớp vai bị viêm thường là do thoái hóa, nhiễm trùng hoặc chấn thương ở khớp này.

Người bị viêm khớp vai sẽ có biểu hiện sưng đau khớp vai, khó di chuyển tay và giảm linh hoạt các khớp ở tay.

Viêm khớp vai làm giảm khả năng di chuyển tay

Viêm khớp vai làm giảm khả năng di chuyển tay

2.5. Rách chóp xoay

Chóp xoay là một bộ phận thuộc cấu tạo khớp vai. Rách chóp xoay được hiểu là tổn thương xảy ra ở chóp xoay, chủ yếu là do chấn thương hoặc suy yếu xương và cơ quanh khớp vai. Ngoài ra, hoạt động quá mức hoặc bị chấn thương cũng có thể làm rách chóp xoay.

Những bệnh lý khớp vai trên đây đều ảnh hưởng đến các vận động thường ngày, gây suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mặt khác, tùy theo bệnh lý gặp phải và mức độ của bệnh, cảm giác đau nhức và những hạn chế vận động mà mỗi người bệnh gặp phải sẽ có sự khác nhau. Vì thế, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào ở khớp vai, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán xác định và có biện pháp điều trị tích cực.

Thực hiện chỉ định điều trị từ bác sĩ sẽ giúp cải thiện dần và khôi phục sự linh hoạt của khớp vai, tránh được những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các phần xương khớp khác của cơ thể và sức khỏe tổng thể. 

Chuyên khoa Cơ xương khớp - Hệ thống Y tế MEDLATEC với sự tham gia làm việc của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc tiên tiến như: máy chụp X-quang, máy chụp CT-Scanner, máy chụp MRI,... là địa chỉ uy tín để thăm khám các bệnh lý khớp vai. Quý khách hàng có nhu cầu đặt trước lịch khám có thể liên hệ hotline 1900 56 556 56 để được hỗ trợ đặt lịch khám nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.