Tin tức

Nhận biết những dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi và cách xử lý

Ngày 23/04/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Tình trạng sặc sữa ở trẻ sơ sinh không hiếm gặp nhưng nguy hiểm nhất là những trường hợp bé bị sặc sữa vào phổi. Việc nắm rõ các dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi và cách xử lý kịp thời sẽ giúp bé được an toàn.

1. Sặc sữa có nguy hiểm không?

Sặc sữa là việc sữa trào ngược vào đường thở khiến em bé sơ sinh bị khó thở, sặc sụa, nguy hiểm hơn có thể gây nên hiện tượng ngưng thở. Vì vậy, việc xử lý trẻ bị sặc sữa đúng cách, kịp thời thực sự rất quan trọng để giúp trẻ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm này. 

Bé bị sặc sữa không được xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm

Bé bị sặc sữa không được xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm

Sặc sữa rất dễ gặp phải ở các bé sơ sinh. Theo các chuyên gia, tình trạng sặc sữa ở trẻ nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể gây nên hậu quả xấu, nghiêm trọng hơn là khiến tính mạng của các con bị đe dọa. 

2. Nguyên nhân khiến trẻ bị sặc sữa vào phổi

Sặc sữa vào phổi được xem là tình huống cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, trước khi tìm hiểu về dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi, các bậc phụ huynh cần nắm rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:

  • Trẻ ăn sữa sai tư thế, ăn sữa khi đang khóc - ho - cười,... Khi trẻ đang quá đói, con bú sữa quá nhanh cũng khiến nguy cơ bị sặc sữa cao hơn. 
  • Tốc độ chảy của dòng sữa quá nhanh khiến lượng sữa ra quá nhiều làm trẻ uống không kịp. Đối với trẻ bú bình, ba mẹ nên chọn bình có lỗ nhỏ để tránh sữa ra quá nhiều khiến con bị sặc. 
  • Trẻ bị một số vấn đề ở các bộ phận như miệng, lưỡi, vòm họng, hay thanh quản,... khiến con gặp khó khăn khi ăn sữa. 
  • Bé bị trào ngược dạ dày thực quản.
  • Trẻ sơ sinh phát triển chậm, gặp các vấn đề về thần kinh,...
  • Bé bị sinh non, từng phải can thiệp các liệu pháp y tế như đặt ống thông ở mũi, phẫu thuật mở khí quản,... cũng khiến con dễ bị sặc sữa hơn. 

Trẻ bú sữa sai tư thế cũng có thể khiến con bị sặc sữa vào phổi

Trẻ bú sữa sai tư thế cũng có thể khiến con bị sặc sữa vào phổi

3. Các dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi

Các dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi diễn ra tương đối nhanh, có thể xuất hiện khi bé đang ăn sữa hoặc sau đó. Vì vậy, ba mẹ cần phải nhận biết được các triệu chứng càng sớm càng tốt để có phương án sơ cứu kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Một vài dấu hiệu nhận biết các bé bị sặc sữa vào phổi gồm:

  • Lực hút của con bỗng dưng yếu hơn thông thường khi đang bú sữa.
  • Bé bị ho, sặc hoặc nghẹn khi đang ăn sữa.
  • Trẻ có tình trạng thở khò khè, bị thở rít hoặc khó thở.
  • Nhịp thở của con nhanh hơn, có dấu hiệu thở rút lõm hoặc bất ngờ ngưng thở.
  • Bị nôn khi đang bú sữa.
  • Bé vặn người hoặc nhăn mặt khi đang bú sữa.
  • Sau khi con bú sữa có dấu hiệu bị sốt nhẹ.
  • Làn da trở nên tím tái.
  • Sữa bị trào ra từ phần mũi và miệng của bé khi đang bú hoặc sau khi con bú sữa xong.

Những dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi: Khó thở, nghẹn, ho,...

Những dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi: Khó thở, nghẹn, ho,...

4. Biện pháp xử lý khi trẻ bị sặc sữa vào phổi

Ngay khi ba mẹ nhìn thấy dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi thì nên ngừng cho con ăn sữa ngay. Sau đó, ba mẹ cho bé nằm, nghiêng đầu sang một bên cho con tự ho, tống những chất đặc gây cản trở ra khỏi đường thở. Bên cạnh đó, ba mẹ cần sử dụng thêm một chiếc khăn mềm để lau sạch sữa trên cơ thể con. 

Những bé bị sặc sữa vào phổi cần phải được hút sạch sữa và những chất đặc có ở bên trong các khu vực như miệng, mũi và đường thở với các dụng cụ chuyên dụng nhanh chóng. Nếu ba mẹ không có sẵn các thiết bị này thì có thể sử dụng miệng. Trong quá trình hút sữa cho con, mẹ cần hút hết những chất sặc có ở miệng rồi đến mũi. 

Kế đến, mẹ sẽ vỗ lưng cho bé để kích thích cho các con tự khóc và tự thở bằng các thao tác như sau:

  • Mẹ cho bé nằm sấp ở trên đùi của mình sao cho đầu thấp hơn so với ngực. 
  • Mẹ lấy tay vỗ vào giữa hai vai của bé với một lực vừa đủ khoảng 5 cái đúng theo chiều hướng xuống phía dưới. 
  • Mẹ lật người bé nằm ngửa lại từ từ. 
  • Nếu bé bỗng dưng òa lên khóc và có thể tự thở được thì có nghĩa là con đã được an toàn. 

Ba mẹ cần sơ cứu ngay cho con để đưa hết các chất đặc trong đường thở của con ra ngoài

Ba mẹ cần sơ cứu ngay cho con để đưa hết các chất đặc trong đường thở của con ra ngoài

Trong trường hợp, mẹ không nhận thấy con đáp ứng thở thì cần ấn ngực cho bé với hướng dẫn cụ thể như sau:

  • Mẹ cho bé nằm ngửa với phần đầu thấp hơn so với ngực.
  • Mẹ sử dụng hai ngón trỏ và ngón giữa để ấn lên xương ức của bé theo chiều hướng xuống dưới bằng một lực vừa phải 5 lần liên tiếp. 
  • Mẹ kết hợp với 5 lần vỗ lưng cùng với 5 lần ấn lên ngực bé cho đến khi con có thể tự thở được. 

Ba mẹ nên tìm hiểu hoặc tham gia khóa học sơ cứu để có thể thao tác nhanh khi cần thiết

Ba mẹ nên tìm hiểu hoặc tham gia khóa học sơ cứu để có thể thao tác nhanh khi cần thiết

Sau khi thực hiện sơ cứu cho bé, ba mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và hỗ trợ càng sớm càng tốt. 

5. Cách phòng ngừa trẻ bị sặc sữa

Để phòng ngừa tình trạng trẻ bị sặc sữa, ba mẹ có thể áp dụng một vài biện pháp sau đây:

  • Khi cho con bú sữa, ba mẹ cần đặt con ngồi hoặc nằm đúng tư thế và nên chọn một không gian yên tĩnh để tránh con bị phân tâm. 
  • Không để con ăn sữa khi đang ho, khóc, cười hoặc ngủ.
  • Ba mẹ cần chọn những bình sữa với kích thước lỗ núm vú cao su tương thích với từng giai đoạn của con.
  • Mẹ cần sử dụng hai ngón tay của mình để có thể kiểm soát được lượng sữa chảy ra khi bé bú mẹ trực tiếp.
  • Ba mẹ chỉ nên cho con ăn một lượng sữa vừa phải và không nên bắt ép con uống quá nhiều hoặc quá nhanh.

Ba mẹ cần cho con ăn sữa đúng cách để tránh bị sặc sữa

Ba mẹ cần cho con ăn sữa đúng cách để tránh bị sặc sữa

Trong giai đoạn con còn bé, việc chăm sóc các bé đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận của các bậc ba mẹ để đảm bảo con lớn lên an toàn và khỏe mạnh. Ngay cả việc cho con ăn sữa cũng cần ba mẹ theo sát để phòng tránh tình trạng con bị sặc sữa mà không kịp xử lý. 

Việc nắm rõ các dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi nói riêng và sặc sữa nói chung là cực kỳ cần thiết. Nhờ các dấu hiệu nhận biết, ba mẹ có thể kịp thời xử lý để bảo đảm an toàn cho con. Sau khi xử lý tình trạng con bị sặc sữa, ba mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra kỹ hơn. Để được tư vấn cụ thể hoặc đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ. 

Từ khoá: khó thở vòm họng

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.