Tin tức

Trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè: nguyên nhân và cách xử trí

Ngày 10/11/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè là một tình trạng phổ biến và sẽ gây lúng túng cho nhiều cha mẹ, nhất là những người mới sinh con lần đầu. Bài viết dưới đây xin chia sẻ những thông tin giúp cha mẹ hiểu hơn về nguyên nhân gây ra hiện tượng này và cách xử trí an toàn cho trẻ.

1. Nguyên nhân trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè 

Trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè thường xảy ra trong giai đoạn đầu đời, chủ yếu do các nguyên nhân:

1.1. Chức năng nuốt và hít thở chưa phát triển hoàn chỉnh

Giai đoạn đầu đời, chức năng cơ vận động bao gồm việc nuốt và hít thở đồng thời của cơ họng ở trẻ thường chưa phát triển hoàn chỉnh. Khi trẻ bú mẹ hoặc dùng sữa công thức, sữa tiếp xúc với cổ họng và mũi, cơ họng cần phải đóng kín để ngăn sữa vào đường hô hấp nhưng do cơ này chưa phát triển hoàn chỉnh nên trẻ có thể bị sặc sữa lên mũi.

Cơ miệng và họng của trẻ chưa phát triển hoàn thiện là một trong các nguyên nhân khiến trẻ nuốt không kịp và bị sặc sữa

Cơ miệng và họng của trẻ chưa phát triển hoàn thiện là một trong các nguyên nhân khiến trẻ nuốt không kịp và bị sặc sữa

1.2. Lượng sữa quá nhiều và trẻ chưa biết cách kiểm soát 

Nếu trẻ bú quá nhanh hoặc lỗ của núm vú cao su quá rộng khiến cho sữa chảy ra quá nhiều, cơ họng và mũi có thể không kịp đóng cửa nên trẻ nuốt không kịp nên sữa tiếp xúc với đường mũi. Mặt khác, khi chưa có “kinh nghiệm”, trẻ sẽ chưa thể kiểm soát được cơ vận động của miệng và họng nên nuốt và thở một cách ngẫu nhiên và kết quả là sữa bị sặc vào mũi.

1.3. Tư thế bú sai

Tư thế của trẻ khi ăn cũng có thể ảnh hưởng đến việc sữa tiếp xúc với mũi. Nếu trẻ bú trong tư thế sai có thể làm cho sữa chảy vào đường mũi thay vì vào dạ dày và kết quả là trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè sau đó.

1.4. Bị trào ngược dạ dày

Đây là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh vì phần cơ vòng tâm vị ở giữa thực quản với dạ dày còn yếu. Điều này dễ khiến cho sữa chưa đi đến dạ dày đã trào ngược lên trên thực quản và làm cho trẻ sơ sinh bị ọc sữa lên mũi thở khò khè.

1.5. Viêm đường hô hấp

Bệnh trào ngược có thể khiến trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè

Bệnh trào ngược có thể khiến trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè

Sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn rất yếu nên trẻ rất dễ bị ảnh hưởng trước những thay đổi đột ngột của thời tiết hay yếu tố môi trường. Điều này khiến cho trẻ dễ bị viêm đường hô hấp. Triệu chứng điển hình của viêm đường hô hấp là tăng tiết dịch nhầy. Khi họng và khoang mũi của trẻ có nhiều dịch nhầy, việc hô hấp sẽ trở nên khó khăn, trẻ phải thở bằng miệng, niêm mạc họng bị khô nên trẻ dễ bị sặc, bị ọc sữa.

2. Cách xử trí khi trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè

Trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè là một hiện tượng không hiếm gặp và chủ yếu là do các nguyên nhân trên. Nếu biết được nguyên nhân khiến con mình gặp tình trạng này thì cha mẹ sẽ không bị lúng túng để bình tĩnh tìm cách xử trí an toàn cho trẻ.

Khi trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè, cha mẹ có thể áp dụng các cách khắc phục như:

2.1. Xử trí trước mắt

Ngay khi phát hiện ra con bị sặc sữa lên mũi, cha mẹ cần:

- Bước 1: bế trẻ ngồi thẳng dậy để bé cho sữa được chảy hết ra ngoài sau đó lau sạch sữa ở miệng và các bộ phận khác cho trẻ.

- Bước 2: dùng nước muối sinh lý và dụng cụ hút mũi để vệ sinh và hút sạch sữa ở mũi trẻ. Chú ý thực hiện động tác hút mạnh và dứt khoát.

- Bước 3 (từ bước này trở đi chỉ cần áp dụng khi trẻ bị sặc sữa và thở khó): dùng bàn tay thuận của cha mẹ giữ cằm trẻ, phần mu bàn tay của cha mẹ áp vào ngực trẻ rồi cho trẻ nằm úp xuống sao cho cẳng tay của xuôi theo đùi còn chân trẻ duỗi ra để tạo điểm tỳ chắc chắn cho cha mẹ thực hiện động tác vỗ lưng trẻ sau đó.

- Bước 4: dùng phần cườm tay còn lại của cha mẹ vỗ mạnh vào giữa 2 xương bả vai của trẻ theo chiều trên xuống dưới, vỗ 5 cái thật dứt khoát.

- Bước 5: nghiêng trẻ lại để kiểm tra xem trẻ thở bình thường chưa. Nếu trẻ chưa thở bình thường thì lại tiếp tục bước thứ 6.

- Bước 6: dùng ngón thứ 2 và 3 của tay mà cha mẹ cảm thấy thuận để ấn vào giữa 2 xương núm vú của trẻ một cách dứt khoát, ấn 5 lần liên tiếp. Nếu trẻ đã thở và hồng hào như bình thường thì không cần làm gì nữa; nếu vẫn chưa bình thường thì lại tiếp tục làm lại từ bước thứ 3.

2.2. Khắc phục lâu dài


Hướng dẫn thao tác xử trí khi trẻ bị sặc sữa lên mũi

Hướng dẫn thao tác xử trí khi trẻ bị sặc sữa lên mũi

2.2.1. Thay đổi tư thế bú

Một điều quan trọng để trẻ không bị sặc sữa lên mũi chính là chú ý cho trẻ ăn đúng tư thế. Để làm được điều này, hãy đảm bảo rằng trẻ được đặt ở tư thế thích hợp khi bú bình hoặc bú mẹ. Có nhiều tư thế bú mà mẹ có thể lựa chọn nhưng chú ý đảm bảo các yếu tố:

+ Phần đầu và thân trẻ đều nằm trên cùng 1 đường thẳng.

+ Thân của trẻ bám sát vào người mẹ, phần bụng trẻ được đặt áp sát vào bụng mẹ.

+ Mặt của trẻ quay vào ngực mẹ còn phần mũi của trẻ ở hướng đối diện với núm vú.

+ Tay của mẹ cần phải đặt ở tư thế sao cho đỡ được toàn bộ cơ thể trẻ và cho trẻ có một tư thế thoải mái nhất trong khi bú.

Việc thực hiện bú đúng tư thế sẽ giúp cho sữa đi xuống dạ dày một cách dễ dàng và trẻ cũng dễ kiểm soát động tác nuốt sữa của mình, nhờ đó mà tránh được tình trạng trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè.

2.2.2. Làm sạch mũi và miệng sau mỗi bữa ăn

Sau mỗi bữa ăn của trẻ, cha mẹ hãy dùng khăn ẩm sạch để lau sạch phần mũi và miệng của trẻ. Điều này không chỉ giúp loại bỏ sữa dư thừa bám lại mà còn ngăn không cho sữa tiếp xúc với đường mũi.

Trẻ cần được vệ sinh mũi sạch sẽ sau khi hoàn tất các bước sơ cứu sặc sữa

Trẻ cần được vệ sinh mũi sạch sẽ sau khi hoàn tất các bước sơ cứu sặc sữa

2.2.3. Một số lưu ý khác

Khi cho trẻ bú, cha mẹ cũng cần chú ý đến tốc độ ăn của trẻ. Nếu thấy trẻ bú quá chậm hay quá nhanh thì nên dừng lại một chút để trẻ tập bú lại, tập kiểm soát nhịp nuốt khi bú. Cho trẻ ăn trong môi trường yên tĩnh cũng sẽ giúp trẻ kiểm soát tốc độ ăn tốt hơn, nhờ đó mà tránh được tình trạng trẻ bị sặc sữa lên mũi.

Một vấn đề khác không thể bỏ qua khi trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè đó là lựa chọn sữa công thức cho trẻ. Có một số loại sữa công thức được sản xuất dành riêng cho trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản. Nếu trẻ bị sặc sữa do nguyên nhân này thì cha mẹ nên tham vấn ý kiến bác sĩ Nhi khoa để chọn được loại sữa phù hợp với con mình.

Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản cũng cần được tạo ra khoảng thời gian nghỉ giữa bữa ăn. Điều này sẽ giúp cho sữa có thêm thời gian đi đến dạ dày và dạ dày của trẻ cũng có thêm thời gian để tiêu hóa thức ăn trước khi bắt đầu bữa ăn mới.

Nếu đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ nêu trên mà tình trạng trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè vẫn không cải thiện thì tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ Nhi khoa để tìm nguyên nhân và được điều trị hiệu quả.

Trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè thường sẽ khiến cha mẹ lo lắng nên lúng túng không biết làm gì. Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm thông tin để hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè và bình tĩnh để thực hiện xử trí đúng cách, giúp con kiểm soát được tình trạng này một cách an toàn. 

Nếu cần bất cứ sự hỗ trợ y tế nào để xử trí an toàn khi trẻ bị sặc sữa lên mũi thở khò khè, quý khách hàng có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được giúp đỡ nhanh chóng từ Hệ thống Y tế MEDLATEC

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.