Tin tức

Hội thảo trực tuyến: Rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ

Ngày 05/05/2024
Ban Biên tập
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Quỳnh Xuân
Hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa các chức năng sống trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn thai kỳ, chức năng tuyến giáp bị rối loạn sẽ là tác nhân gây ảnh hưởng khôn lường tới thai kỳ. Vì vậy, tầm soát sớm bệnh lý tuyến giáp thai kỳ và điều trị phù hợp giúp cải thiện dự hậu sản khoa, đảm bảo sự phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ của trẻ. Vậy có những bệnh lý tuyến giáp nào trong thai kỳ gây nguy hiểm? Những bệnh lý đó được chẩn đoán và theo dõi điều trị thế nào? Sàng lọc chức năng tuyến giáp trong thai kỳ được thực hiện ra sao? Đây chính là nội dung được BSCKII. Bùi Phương Thảo - Phó trưởng Khoa nội Tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ tại hội thảo trực tuyến số 11 về chủ đề “Rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ”, diễn ra chiều ngày 4/5. Chương trình do Hệ thống Y tế MEDLATEC phối hợp cùng Roche tổ chức, được phát sóng trực tiếp tại Fanpage Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

  1. Thông tin đầy đủ về bệnh lý tuyến giáp thai kỳ 

Hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng là điều hòa các chức năng sống trong cơ thể như điều hòa cholesterol máu, thân nhiệt, nhịp thở, nhịp tim, thần kinh trung ương và ngoại vi, giúp ổn định cân nặng, sức cơ, chu kỳ kinh nguyệt… Vì vậy, nếu có rối loạn hormone tuyến giáp sẽ ảnh hưởng rất nhiều các cơ quan trong cơ thể. 

BSCKII. Bùi Phương Thảo - Phó trưởng Khoa nội Tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ tại hội thảo trực tuyến số 11 về chủ đề “Rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ”

Đặc biệt, trong giai đoạn thai kỳ, chức năng tuyến giáp thay đổi do các nguyên nhân khác nhau như: 

  • Do sinh lý: Khi mang thai, kích thước tuyến giáp sẽ thay đổi theo hướng to lên từ 10-15%. 
  • Do rối loạn: Thyrotropin tăng, khi đó làm tăng nồng độ T3, T4 (thông thường nồng độ T4 tăng 5%/ tuần từ tuần 7-16, 50% giới hạn trên của giá trị bình thường từ sau tuần 16). 
  • Do tăng nồng độ beta-hCG, nồng độ này kích thích sản xuất T4/T3, từ đó làm tăng nồng độ T3, T4. Sau đó, nồng độ beta-hCG giảm thì nồng độ T3, T4 cũng giảm tương ứng. 

Đồng thời, chuyên gia nhấn mạnh, chức năng tuyến giáp thay đổi trong suốt thời kỳ mang thai, nhất là giai đoạn 3 tháng đầu, do sự gia tăng của nồng độ beta-hCG làm giảm nồng đồ độ TSH và sự gia tăng của FT4. Bước sang 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ, nồng độ các hormone này dần đi vào ổn định. 

Nguyên nhân tiếp theo làm thay đổi chức năng tuyến giáp là do nhu cầu i-ốt trong thai kỳ tăng 50% so với bình thường nên thai phụ thường bổ sung i-ốt trong chế độ dinh dưỡng, thuốc bổ. Tuy nhiên, nếu thai phụ thiếu i-ốt trong chế độ ăn sẽ dẫn đến làm giảm hormone tuyến giáp. Nhưng hormone giảm sẽ kích thích vùng dưới đồi tăng tiết TSH, TSH có tác dụng gây tăng tiết hormone cũng như tăng sinh tế bào tuyến giáp. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến phì đại tuyến giáp. 

Ngoài ra, chuyên gia lưu ý, ít thai phụ kiểm tra tự kháng thể kháng giáp và thai kỳ. Tuy nhiên, trong thực tế có 2-17% thai kỳ có kháng thể kháng giáp, nhưng đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ sẩy thai và tiến triển đến suy giáp. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo khi TPOAb hoặc TgAb (+) cần đo TSH ngay khi phát hiện có thai và mỗi 4 tuần cho đến hết giai đoạn giữa thai kỳ. 

Vậy khi kiểm tra nồng độ TSH, FT4 ở ngưỡng nào là bình thường? Theo khuyến cáo của Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ (ATA): sử dụng bảng tham chiếu theo từng quý của thai kỳ và phương pháp xét nghiệm với TSH, FT4 thì khoảng tham chiếu theo tam cá nguyệt (tuần 7-12) có giới hạn TSH là: 0,1- 4 mU/l. 

2. Các rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ: chẩn đoán và theo dõi điều trị 

Rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ gồm: suy giáp (chiếm tỷ lệ 2.5-16.5%), cường giáp (0.1-0.4%), nhân giáp (5-15%), bệnh tự miễn tuyến giáp (10-20%) và tình trạng giảm FT4 (1-2%). 

Chuyên gia chia sẻ, các rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ để lại hậu quả khôn lường như sảy thai, đẻ non, rau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, suy tim, sung huyết, cơn bão giáp, viêm tuyến giáp sau sinh, giảm phát triển tâm thần và thể chất ở trẻ. 

Để tránh những hậu quả khôn lường cho thai nhi do chức năng tuyến giáp gây nên, việc chẩn đoán các rối loạn chức năng tuyến giáp theo từng quý có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, chuyên gia đã chia sẻ tới các bác sĩ đồng nghiệp những tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn chức năng tuyến giáp theo từng quý. 


Bảng hướng dẫn chẩn đoán các rối loạn chức năng tuyến giáp theo từng quý (ATA 2017) 

2.1 Bệnh cường giáp trong thai kỳ 

Với nội dung trọng tâm này, chuyên gia cho biết, đây là bệnh lý hay gặp nhất trong thai kỳ, nhưng khó chẩn đoán, do triệu chứng của cường giáp gần giống với thay đổi sinh lý khi mang thai. Vì vậy, nếu không được chẩn đoán sớm sẽ gây nên nhiều hậu quả cho mẹ và thai nhi.  

Tuy nhiên, theo chuyên gia, để kiểm soát bệnh lý cường giáp, xét nghiệm chức năng tuyến giáp đóng vai trò quan trọng. 

Vậy trên lâm sàng, bệnh lý cường giáp trong thai kỳ có những dấu hiệu nào? Chuyên gia cho biết, triệu chứng của bệnh không đặc hiệu, dễ nhầm với các triệu chứng của nghén như nôn nhiều, tim nhanh, sợ nóng, tăng tiết mồ hôi, tăng cảm xúc. Các triệu chúng khác như lo lắng, run tay, sụt cân dù ăn ngon miệng... Dấu hiệu đặc biệt là bệnh nhân là có bướu cổ, triệu chứng mắt (co cơn mi, hoặc lồi mắt). Do đó, khi thăm khám những triệu chứng này, bác sĩ cần nghĩ tới nhiều hơn về bệnh lý cường giáp. 

Nguyên nhân đến cường giáp trong thai kỳ, gồm: 

  • Cường giáp thoáng qua:  
  • Liên quan đến tăng nồng độ hCG; 
  • Triệu chứng lâm sàng của cường giáp; 
  • Tuyến giáp thường không to; 
  • Tiến triển của triệu chứng liên quan đến thay đổi nồng độ hCG; 
  • Thường tự hết sau 20 tuần; 
  • Nếu sau 20 tuần còn cường giáp cần tìm nguyên nhân khác gây cường giáp trong thai kỳ. 
  • Cường giáp do bệnh lá nuôi; 
  • Chửa trứng và choriocarcinoma: tăng nồng độ hCG bất thường; 
  • 55- 60% có cường giáp trên lâm sàng; 
  • Tuyến giáp bình thường và ít triệu chứng của quá tiết hormone; 
  • Không có biểu hiện bệnh lý mắt;  
  • Thường có nôn và buồn nôn; 
  • Khi có triệu chứng cường giáp trung bình và nặng cần điều trị (T3, T4 tăng > 1,5 lần giới hạn trên của người bình thường). 

Để chẩn đoán xác định thai phụ có mắc cường giáp, hay liên quan đến các bệnh lý sản khoa chính là kháng thể TRAb âm tính. 

2.2 Bệnh Basedow trong thai kỳ 

Bệnh Basedow chiếm 95% nhiễm độc giáp trong thai kỳ, thường gặp ở thai phụ trẻ hơn là phụ nữ cao tuổi hơn. Bệnh có diễn biến khác nhau trong thai kỳ:  

  • Triệu chứng rõ trong 3 tháng đầu; 
  • Ổn định trong nửa thai kỳ tiếp theo; 
  • Cường giáp tăng sau sinh. 

Do triệu chứng của bệnh Basedow tương đồng với tình trạng cường giáp thoáng qua do thai kỳ nên việc chẩn đoán không rõ ràng, mà khi thăm khám bác sĩ cần kết hợp thăm khám (bướu cổ có tiếng thổi hoặc không) với chỉ định làm các xét nghiệm nội tiết khác như xét nghiệm nồng độ TSH giảm (<0.01 mU/L ), tăng T4 tự do (FT4) và toàn phần; Kháng thể kháng Receptor TSH dương tính (TRAb); Các tự kháng thể giống TSH có thể đi qua nhau thai gây bệnh Basedow ở trẻ sơ sinh.  

Hội chứng cường giáp nếu không kiểm soát sẽ là nguyên nhân gây nên các hậu quả khôn lường cho thai nhi như sảy thai/ thai chết lưu, thai nhẹ cân, sinh non, tiền sản giật, suy tim. 

Tiếp đó, chuyên gia chia sẻ cách sử dụng các xét nghiệm sử dụng ở những bệnh nhân nghi ngờ cường giáp, chẩn đoán cường giáp rõ, cường giáp nhẹ, hay truy tìm nguyên nhân. Bên cạnh đó, là những kinh nghiệm về tần suất phải kiểm tra chức năng tuyến giáp khi điều trị, kinh nghiệm theo dõi thai nhi ở mẹ cường giáp. 

2.3 Bệnh suy giáp  

2.3.1 Suy giáp ở phụ nữ mang thai 

Suy giáp nguyên phát ở mẹ được định nghĩa khi nồng độ TSH tăng cao hơn giới hạn trên của bình thường so với giá trị quy chiếu riêng ở phụ nữ mang thai. 

Hiện nay, tại Việt Nam đang sử dụng tham chiếu theo hướng dẫn của guidelines ATA (2011): giới hạn trên của bình thường trong thai kỳ là 2,5 mU/L trong quý 1, và 3,0 mU/L trong quý 2 và 3. 

Không chỉ cường giáp ảnh hướng tới thai kỳ, mà suy giáp cũng là tác nhân ảnh hưởng thai kỳ như gây sảy thai/thai chết lưu, sinh non, thai nhẹ cân, IQ trẻ sinh ra rất thấp... Do vậy, sàng lọc suy giáp ở phụ nữ mang thai là cần thiết, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. 

Tiếp đó, chuyên gia cho biết, mục tiêu điều trị và theo dõi điều trị là duy trì TSH ở nửa dưới của khoảng tham chiếu theo TCN (dưới 2,5 mU/L).  

Khi theo dõi điều trị cần theo dõi TSH mỗi 4 tuần vào nửa đầu thai kỳ, sau đó ít nhất 1 lần vào tuần thứ 30. 

2.3.2 Suy giáp ở trẻ sơ sinh 

Suy giáp bẩm sinh là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất có thể điều trị được gây suy giảm chức năng trí tuệ. 

Thời điểm tối ưu để sàng lọc suy giáp ở trẻ sơ sinh từ 2-5 ngày tuổi sau sinh. Việc phát hiện và điều trị kịp thời giúp trẻ loại trừ được tình trạng suy giảm chức năng trí tuệ do suy giáp. 

Về theo dõi và điều trị cường giáp ở trẻ sơ sinh, chuyên gia cho biết, đa số do TRAb từ mẹ truyền sang thai nhi. Bệnh lý này thường xuất hiện sau 1 tuần tuổi: thời gian thuốc kháng giáp đã được thanh thải khỏi tuần hoàn và vẫn còn TRAb. 

Điều trị kháng giáp và theo dõi sát để điều chỉnh giảm dần liều khi bệnh Grave của trẻ hồi phục (thời gian thông thường 1-3 tháng). 

3. Chiến lược sàng lọc chức năng tuyến giáp trên thai kỳ

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu chỉ sàng lọc chức năng tuyến giáp ở nhóm phụ nữ nguy cơ cao sẽ bỏ sót 1/3 trường hợp suy giáp, bỏ sót 20% cường giáp. Vậy đối tượng nào cần sàng lọc chức năng tuyến giáp thai kỳ? 


Thời điểm mẹ bầu nên sàng lọc rối loạn chức năng tuyến giáp là 3 tháng đầu của thai kỳ

ATA khuyến cáo sàng lọc ở đối tượng nguy cơ rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ, tốt nhất trong 3 tháng đầu, gồm: 

  • Tuổi > 30, BMI ≥ 40kg/m2; 
  • Tiền sử (bản thân, gia đình) mắc bệnh tuyến giáp; 
  • Tiền sử sảy thai, sinh non, vô sinh; 
  • Tiền sử chiếu xạ vùng đầu, cổ, phơi nhiễm với i-ốt phóng xạ; 
  • Mắc các bệnh tự miễn: Đái tháo đường type 1, viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ; 
  • Đang điều trị với amiodarone, lithium; 
  • Triệu chứng nghi ngờ suy giáp; 
  • Bướu cổ; 
  • Kháng thể kháng giáp (+) (nên chủ động sàng lọc khi thai phụ có ý định mang thai). 

Qua nội dung chia sẻ, chuyên gia đi đến kết luận 5 nội dung về bệnh rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ mà bác sĩ lâm sàng cần lưu ý gồm: 

  • Thay đổi trong thai kỳ: Rõ nhất trong quý 1 của thai kỳ với ức chế TSH và tăng nhẹ hormone giáp - cần áp dụng khoảng tham chiếu. 
  • Vai trò của kháng thể tự miễn tuyến giáp trong thai kỳ trên mẹ và con: ngày càng nhiều thêm bằng chứng. 
  • Tầm soát sớm bệnh lý tuyến giáp thai kỳ và điều trị phù hợp: cải thiện dự hậu sản khoa, cải thiện sức khỏe và IQ của trẻ. 
  • Cần theo dõi tuyến giáp trên cùng một hệ thống. 
  • Trường hợp tuyến giáp không phù hợp lâm sàng: Cần đánh giá lại toàn diện trên cả lâm sàng và cận lâm sàng. 

Sau 1,5 giờ diễn ra, chương trình thu hút sự tham gia trực tuyến qua fanpage Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC của hàng trăm y bác sĩ trên cả nước. Bên cạnh chia sẻ thông tin, chuyên gia còn giải đáp cặn kẽ, chi tiết những vấn đề được các bác sĩ hay gặp trong thực hành lâm sàng, cũng như những vấn đề được nhiều mẹ bầu quan tâm. 

Hy vọng sự thành công của hội nghị, cùng những kiến thức, thông tin cập nhật sẽ giúp y bác sĩ ứng dụng hiệu quả vào thực hành lâm sàng để tư vấn và chỉ định hiệu quả cho các mẹ bầu, từ đó giúp nâng cáo hiệu quả tầm soát và điều trị bệnh lý tuyến giáp thai kỳ, góp phần nâng cao chất lượng nòi giống Việt. 

Tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, bên cạnh thế mạnh quy tụ đội ngũ chuyên khoa Sản khoa, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đa chuyên khoa giàu kinh nghiệm, MEDLATEC còn có thế mạnh trang bị đồng bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, tối tân đáp ứng tối đa yêu cầu về khám chữa bệnh chất lượng cao, chuyên sâu của người dân. Đặc biệt, để phục vụ chẩn đoán rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ, MEDLATEC tự hào là cơ sở y tế sở hữu hệ thống máy xét nghiệm hiện đại bậc nhất cả nước để đáp ứng trọn bộ xét nghiệm chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh lý tuyến giáp như T3, T4, TSH, FT3, FT4... với cam kết kết quả chính xác, tin cậy do được áp dụng song hành hai tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012 và CAP. 

Bên cạnh đến khám/ xét nghiệm tại Hệ thống Y tế MEDLATEC phủ rộng khắp cả nước, để tiết kiệm thời gian và công sức đi lại, mẹ bầu có thể lựa chọn dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi phục vụ trên toàn quốc. Dịch vụ này đáp ứng trên 2.000 danh mục xét nghiệm, trong đó có đầy đủ xét nghiệm chức năng tuyến giáp trong thai kỳ với giá niêm yết và mẹ bầu chỉ cần trả thêm chi phí đi lại lấy mẫu/ trả kết quả là 10.000 đồng/lần. 

Mọi thông tin chi tiết về dịch vụ xét nghiệm tại MEDLATEC, hoặc đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tận nơi, người dân vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 (hỗ trợ 24/24h). 

Tiếp theo, Hội thảo trực tuyến số 12 về chủ đề: GIÁ TRỊ XÉT NGHIỆM TẾ BÀO HỌC NHÚNG DỊCH TRONG TẦM SOÁT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG, sẽ được diễn ra vào 15h00-16h30, ngày 10/5/2024, do TS.BS Phạm Hoàng Ngọc Hoa - Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh, Hệ thống Y tế MEDLATEC chủ trì.  

Hội thảo trực tuyến số 12 sẽ được diễn ra vào 15h00-16h30, ngày 10/5/2024, do TS.BS Phạm Hoàng Ngọc Hoa - Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh, Hệ thống Y tế MEDLATEC chủ trì

Chương trình do Hệ thống Y tế MEDLATEC phối hợp cùng công ty Hologic Singapore Pte. Ltd và Công ty Cổ phần thương mại Cổng Vàng tổ chức, được phát sóng trực tiếp tại fanpage Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.  

Tham gia hội thảo này, Quý bác sĩ có cơ hội được cấp chứng nhận CME với điều kiện nhận CME gồm:  

  • Tham gia tối thiểu 80% thời lượng của chương trình.  
  • Và làm bài Post-test đạt từ 50% điểm trở lên.  

Ngay bây giờ, quý vị đăng ký tham dự có thể truy cập tại đây

Mọi thông tin cần giải đáp về Hội nghị, quý vị vui lòng liên hệ ThS.BS Bùi Văn Long - SĐT: 0388812342.  

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.