Tin tức

Thuốc trị viêm da tiết bã ở mặt - lưu ý khi sử dụng

Ngày 09/01/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Viêm da tiết bã ở mặt là một trong những hiện tượng bệnh lý da liễu không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng tới thẩm mỹ, khiến người mắc thiếu tự tin trong đời sống hàng ngày. Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm kiếm thông tin về loại thuốc trị viêm da tiết bã hiệu quả.

1. Một số thông tin chính về viêm da tiết bã

Để xác định được loại thuốc trị viêm da tiết bã ở mặt hiệu quả, trước hết, hãy cùng tìm hiểu một số thông tin chính về bệnh này.

Theo đó, viêm da tiết bã còn được gọi với tên viêm da dầu, hình thành do nguyên nhân từ sự hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn hoặc do nấm Malassezia, dẫn tới viêm nhiễm. 

Bệnh có thể xuất hiện tại vùng da mặt, da đầu, da lưng,.. và thường rất dai dẳng, khó trị dứt điểm, dễ tái phát. Độ tuổi mắc bệnh phổ biến là trẻ sơ sinh, người từ 30 tới 70 tuổi.

Bệnh có thể gặp phổ biến ở trẻ em, người lớn 30 - 70 tuổi

Bệnh có thể gặp phổ biến ở trẻ em, người lớn 30 - 70 tuổi

Ngoài sự hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn và nấm Malassezia, những người thuộc nhóm sau có nguy cơ cao hơn, gồm:

  • Trong gia đình có người mắc.
  • Bị rối loạn miễn dịch.
  • Da dầu, mụn.
  • Bị mắc một số bệnh như: vảy nến, động kinh, trầm cảm, HIV hoặc parkinson.
  • Người nghiện rượu.
  • Đang sử dụng các loại thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch.
  • Sống trong điều kiện thời tiết lạnh khô, khiến cho da bị mất nước.

2. Viêm da tiết bã được biểu hiện qua những triệu chứng nào?

Một số triệu chứng sau đây thường gặp ở người mắc viêm da tiết bã:

  • Trên da đầu hoặc vùng chân tóc xuất hiện những mảng da cứng, dày, bong tróc.
  • Da nổi ban hồng hoặc đỏ, xuất hiện các mảng trắng, nâu, vàng,... các vảy da bong tróc.
  • Da thường nhờn rít.

Mặc dù không lây lan từ người này sang người khác song bệnh mang tới nhiều khó chịu cho người mắc. Đặc biệt, trẻ bị bệnh thường mệt mỏi, quấy khóc. Dù là lành tính, hiếm khi xuất hiện biến chứng, song nếu bệnh xảy ra ở khu vực mặt, có thể khiến cho kẽ mắt, mí mắt bị nhiễm trùng, tổn thương.

Bệnh khiến người mắc gặp nhiều bất tiện, khó chịu

Bệnh khiến người mắc gặp nhiều bất tiện, khó chịu

3. Thuốc trị viêm da tiết bã ở mặt.

Như trên đã nói, bệnh có thể xuất hiện tại nhiều khu vực da trên cơ thể song vùng mặt thường gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ. Chính vì thế, thuốc trị viêm da tiết bã ở mặt luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Thuốc trị viêm da tiết bã ở mặt dạng bôi

Với mục tiêu điều trị hiện tượng viêm, làm giảm sự tiết bã dầu và không gây tác động xấu tới da, các thuốc bôi đạt được những mục tiêu này thường được ưu tiên lựa chọn.

  • Thuốc bôi chứa thành phần Ketoconazole: Đây là thành phần có tác dụng tiêu diệt vi nấm gây bệnh, giảm viêm, thường được sử dụng trong các trường hợp bệnh thể nhẹ, da khô, bong tróc.
  • Kem bôi chứa Hydrocortisone 1%: các tác dụng giảm viêm nên còn được dùng trong các trường hợp mẩn ngứa, mề đay hoặc dị ứng.
  • Ciclopirox Cream: thường được dùng trong trường hợp nguyên nhân do nấm gây nên bởi chúng có khả năng kháng nấm, diệt nấm.
  • Desonide 0,05%: với thành phần chứa corticoid, chúng được dùng nhằm hạn chế phản ứng viêm, sưng, bảo vệ hệ miễn dịch. Ngoài ra, còn được dùng trong các trường hợp dị ứng hoặc chàm.
  • Fucidin: có tác dụng cải hiện các triệu chứng nhiễm trùng, gây nên bởi nguyên nhân do virus hoặc nấm. Chúng được sử dụng để điều trị rất nhiều bệnh da liễu như: chàm, viêm da tiết bã,...

Thuốc trị viêm da tiết bã ở mặt dạng uống

Khi bệnh ở dạng nặng, người mắc có thể gặp những triệu chứng như sưng tấy, nhiễm trùng hoặc đau rát, bác sĩ có thể kết hợp cả bôi và uống với các loại thuốc uống phổ biến như:

  • Thuốc kháng Histamin H1: thường được chỉ định trong trường hợp viêm rộng, đau, ngứa ngáy nhiều bởi thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự lan rộng của tổn thương, kiểm soát các triệu chứng của dị ứng. Các thuốc dạng này có thể kể tới như: Cetirizine Hydrochloride, Clorpheniramin, Acrivastine, Promethazine Hydrochloride. 
  • Thuốc giảm đau: với thành phần chính là paracetamol, thường được chỉ định nếu người bệnh đau nhiều, vùng da bị bệnh sưng to, đau rát và bong tróc nhiều.
  • Thuốc chống viêm: steroid hoặc non-steroid, thường được dùng khi bệnh gây sưng to, viêm nhiễm.
  • Thuốc kháng sinh: sẽ được chỉ định nếu có hiện tượng nhiễm trùng da nặng, trong đó, hai loại phổ biến thường được kê là penicillin và cephalosporin.

Việc dùng thuốc cần được bác sĩ chỉ định

Việc dùng thuốc cần được bác sĩ chỉ định

Ngoài thuốc tây, viêm da tiết bã ở mặt còn có thể được điều trị bằng đông y với các bài thuốc ngâm, rửa kết hợp với bôi ngoài da và uống.

4. Điều trị viêm da tiết bã ở mặt, bạn cần lưu ý gì?

Cùng với sử dụng thuốc điều trị viêm da tiết bã ở mặt, khi điều trị bệnh, bạn cần tuân thủ theo một số lưu ý để nâng cao hiệu quả. Cụ thể là:

  • Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ: bao gồm cả dùng thuốc gì, dùng như thế nào, trong thời gian bao lâu. Việc tự ý mua thuốc hoặc dùng không đủ liều đều nguy hiểm bởi có thể dẫn tới kháng thuốc hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
  • Thường xuyên theo dõi da: nhằm phát hiện kịp thời các tình trạng bất thường, chẳng hạn như sưng, viêm nặng hơn hoặc lan rộng hay không thuyên giảm qua thời gian,... để báo cho bác sĩ được biết.
  • Kết hợp cùng chế độ ăn uống: trong quá trình trị bệnh, bạn cần tránh xa các loại thực phẩm có thể dẫn tới kích ứng, chẳng hạn: thực phẩm nhiều đường, nhiều muối, chế biến sẵn, đồ ăn nhanh.
  • Bảo vệ da kỹ càng, nhất là những khi đi ra bên ngoài, tránh khói bụi, ánh nắng.
  • Chú ý chế độ chăm sóc da: da cần được làm sạch mỗi ngày kết hợp với các loại sản phẩm dưỡng dịu nhẹ, không gây kích ứng.
  • Kết hợp với chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt: điều quan trọng là bạn cần cho cơ thể nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya, chú ý tập thể dục thường xuyên, đều đặn.
  • Không đụng chạm gãi vào vùng da bị bệnh: bởi điều này có thể dẫn tới việc nhiễm trùng.

Da cần được bảo vệ kỹ càng khỏi ánh nắng

Da cần được bảo vệ kỹ càng khỏi ánh nắng

Khi da của bạn xuất hiện hiện tượng bất thường hoặc nghi ngờ bị viêm da tiết bã, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC để được khám, điều trị. Bạn có thể gọi tới Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được tư vấn thêm về các dịch vụ của MEDLATEC và hướng dẫn cách đặt lịch thăm khám tại bệnh viện.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.