Tin tức

Những thông tin cần biết về tình trạng Polyp mũi

Ngày 14/11/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Dựa trên một số tài liệu thống kê cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc phải tình trạng Polyp mũi ngày một tăng cao do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các bạn đều chưa hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của bệnh lý này nên vẫn còn thái độ thờ ơ khi mắc bệnh. Vậy căn bệnh này xuất phát do đâu? Khi bị bệnh cơ thể thường có những triệu chứng gì? Làm thế nào để phòng ngừa bệnh? 

1. Polyp mũi là bệnh gì?

Trong y học, Polyp mũi là là một khối u tăng sinh có cuống của niêm mạc mũi xoang, nó có thể mọc ở bất kì vị trí nào trong mũi, có thể là xoang mặt, xoang mũi, hay kể cả hốc mũi. Xét về mức độ nguy hiểm thì dạng u lành tính này hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Tình trạng xuất hiện Polyp ở niêm mạc mũi

Tình trạng xuất hiện Polyp ở niêm mạc mũi

Polyp thường được mô tả là một khối có màu hồng, hơi nhẵn, sờ vào có cảm giác mềm và mọng trong. Ở giai đoạn đầu, kích thước của Polyp thường khá nhỏ nên không gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, khi phát triển với kích thước lớn hơn, các khối Polyp có thể gây cản trở trong quá trình hô hấp của người bệnh. Trong đó, triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân là sự khó thở và giảm chức năng khứu giác. Một số trường hợp hiếm gặp khác, khuôn mặt của người bệnh có thể bị thay đổi do Polyp phát triển quá lớn.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Thông thường, sự hình thành của Polyp mũi chủ yếu xuất phát từ sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus. Một số trường hợp khác, bệnh lý này còn được xem là sự phản ứng của cơ thể đối với sự tồn tại của vi nấm hoặc tình trạng dị ứng. Ngoài ra, sự viêm nhiễm mạn tính trong mũi cũng có thể làm cho các mạch máu ở xoang hoặc vùng niêm mạc tăng thêm khả năng thẩm thấu. Do đó, hiện tượng này vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho nước tồn đọng lại bên trong các mô. Sau một thời gian, các mô này sẽ mọng nước và phát triển lớn hơn, tạo thành Polyp.

Sự viêm nhiễm chính là nguyên nhân gây bệnh

Sự viêm nhiễm chính là nguyên nhân gây bệnh

Ngoài những nguyên nhân trên thì còn có một số yếu tố khác tạo điều kiện thuận lợi cho Polyp hình thành và phát triển trong mũi. Điển hình như:

  • Bệnh hen suyễn: hệ hô hấp của những người mắc bệnh hen suyễn thường dễ bị tắc nghẽn hoặc viêm nhiễm, tạo thời cơ cho vi khuẩn tấn công và hình thành các mô bên trong mũi.

  • Viêm xoang thể mạn tính cũng là một yếu tố tạo thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển và dẫn đến sự xuất hiện của các mô.

  • Bệnh nhân nhạy cảm với một số loại thuốc có chức năng kháng viêm nhưng không chứa Steroid cũng rất dễ mắc bệnh.

  • Tình trạng rối loạn di truyền hoặc xơ nang cũng là một nguyên nhân khiến các xoang và niêm mạc bên trong mũi sản sinh ra những chất dịch bất thường. Chất nhầy này tạo điều kiện cho virus, nấm hoặc vi khuẩn khu trú, phát triển và hình thành bệnh.

Bệnh nhân xơ nang thường dễ mắc bệnh hơn

Bệnh nhân xơ nang thường dễ mắc bệnh hơn

  • Vi nấm gây viêm xoang dị ứng: những trường hợp nặng thường dễ hình thành Polyp mũi.

  • Churg - Strauss: đây là một hội chứng rất ít gặp nhưng lại là nguyên nhân dẫn đến viêm mạch máu, nhất là những mao mạch trong mũi.

  • Ngoài ra, sự hình thành Polyp còn xuất phát từ yếu tố di truyền, tức những người có tiền sử gia đình từng mắc phải bệnh lý này thường dễ bị bệnh hơn.

3. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân

Hầu hết các trường hợp bệnh nhân bị Polyp ở mức độ nhẹ thường rất khó phát hiện do kích thước của chúng còn nhỏ, không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến cơ thể. Tuy nhiên, sau một thời gian, Polyp sẽ dần phát triển lớn hơn và gây ra những khó khăn trong hô hấp. Đối với trẻ em, tình trạng này thường khiến các bé cảm thấy khó chịu ở mũi và thường xuyên thở bằng miệng. Vậy mọi người có thể nhận biết bệnh lý này dựa trên những dấu hiệu nào?

Do Polyp mũi xuất hiện chủ yếu bên trong các xoang và niêm mạc nên đây cũng là những vị trí có biểu hiện bất thường khi bệnh nhân mắc bệnh. Cụ thể như:

  • Thường xuyên bị nghẹt mũi (kéo dài trong nhiều ngày hay kể cả vài tuần).

  • Sổ mũi liên tục trong nhiều ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân thường nhầm lẫn triệu chứng này với dấu hiệu của bệnh cảm. Do đó, các bạn nên dựa trên nhiều dấu hiệu để chẩn đoán bệnh chính xác.

Tình trạng chảy nước mũi kéo dài trong vài ngày

Tình trạng chảy nước mũi kéo dài trong vài ngày

  • Bệnh nhân thường bị chảy máu cam.

  • Chức năng của khứu giác dần giảm đi và mất hẳn.

  • Vị giác kém.

  • Người bệnh thường cảm thấy đau nhức ở nhiều vị trí trên mặt.

  • Xuất hiện cảm giác đau ở hàm răng trên.

  • Vùng trán và mặt cảm thấy nặng nề.

  • Khi ngủ bệnh nhân thường xuyên ngáy to, ngáy nhiều.

  • Cảm thấy đau đầu âm ỉ hoặc dữ dội.

  • Viêm đa xoang thể mạn tính cũng là một yếu tố thúc đẩy tình trạng Polyp phát triển.

Mặc dù bệnh lý này có thể xuất hiện ở mọi người nhưng theo một số nghiên cứu cho thấy trẻ em và người ở độ tuổi trung niên trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt, trẻ nhỏ mắc một số bệnh lý như xơ nang phổi, hen phế quản, sổ mũi hay Viêm xoang thể mạn tính là nhóm bệnh nhân phổ biến nhất.

4. Các biện pháp ngăn ngừa bệnh

Theo các bác sĩ, bệnh lý Polyp mũi có thể hình thành trong quá trình phát triển hoặc tồn tại ngay từ khi đứa trẻ sinh ra (yếu tố bẩm sinh). Do đó, căn bệnh này hoàn toàn không thể ngăn ngừa một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, mọi người vẫn có thể đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh dựa trên một số biện pháp như:

  • Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp (điển hình như phế quản, mũi) hay kể cả tình trạng dị ứng. Vì những bệnh lý này thường gây viêm nhiễm và tạo điều kiện sản sinh các mô sau đó phát triển thành Polyp.

  • Hạn chế tiếp xúc với những môi trường tồn tại các chất độc hại hoặc hợp chất gây kích thích cho mũi. Đặc biệt là những chất có thể gây kích ứng, viêm nhiễm cho mũi, điển hình như khói thuốc lá, khói bụi của xí nghiệp,...

Đảm bảo không khí chỗ ở luôn trong lành

Đảm bảo không khí chỗ ở luôn trong lành

  • Thường xuyên vệ sinh tay bằng nước sạch và xà phòng để loại bỏ những vi khuẩn tồn tại trên da cũng như hạn chế khả năng lây nhiễm cho người khác. Đặc biệt, tay là bộ phận thường xuyên cầm nắm cũng như phục vụ các hoạt động ăn uống nên rất dễ lây nhiễm vi khuẩn từ tay lên mũi, miệng.

  • Thường xuyên vệ sinh xoang và mũi bằng nước muối sinh lý (ít nhất 2 lần/ngày) để rửa sạch mọi vi khuẩn bên trong. Ngoài ra, nước muối cũng có tác dụng rất tốt trong việc kiểm soát sự bài tiết chất nhầy nằm sâu trong mũi cũng như hạn chế nguy cơ nghẹt mũi.

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và duy trì lối sống lành mạnh nhằm tăng cường sức đề kháng. Điển hình như ăn đủ bữa, ngủ đúng giờ - đủ giấc, rèn luyện thể dục mỗi ngày,...

  • Đảm bảo không gian nhà ở luôn sạch sẽ, không tồn tại các chất có mùi độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

  • Khi đi ra ngoài, luôn đeo khẩu trang để hạn chế hít phải những vi khuẩn tồn tại trong không khí.

Mặc dù, tình trạng Polyp mũi ở những giai đoạn đầu không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bệnh nhân nhưng về sau chúng sẽ gây ra những cản trở trong quá trình hô hấp. Do đó, mọi người nên chủ động tìm hiểu về bệnh lý này để dễ dàng phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.